Tại phiên thảo luận sáng nay (31/10), Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã thẳng thắn nhận trách nhiệm trước Quốc hội về việc không làm tốt thông tin truyền thông trong các chính sách về vàng. Điều này gây nên cách hiểu không đúng và những quan ngại về việc độc quyền vàng miếng SJC. "Nền kinh tế có khoảng 300 - 400 tấn vàng (tương đương hàng tỷ USD đang bị chôn chặt vào vàng). Do đó, chúng tôi kiên quyết chỉ đạo chặt chẽ việc chống tình trạng đôla hóa, vàng hóa để chuyển vàng, ngoại tệ thành nguồn lực VNĐ hỗ trợ nền kinh tế", Thống đốc phát biểu trước Quốc hội.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết đã có 13 tỷ USD được chuyển từ vàng, đôla sang VNĐ để đưa vào nền kinh tế. Ảnh: TTXVN. |
Theo thông tin của ông Nguyễn Văn Bình, kể từ sau khi Nghị định 24 về Quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực ngày 25/5, hệ thống ngân hàng đã mua 60 tấn vàng mua từ người dân, tương đương 3 tỷ USD. Đồng nghĩa với việc này là có 60 tấn vàng chuyển từ vàng sang tiền để phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào 10 tỷ USD từ đầu năm tới nay. Như vậy đã có có tổng cộng 13 tỷ USD được chuyển sang VND để hỗ trợ nền kinh tế.
Về câu chuyện độc quyền vàng miếng SJC, Thống đốc một lần nữa xin nhận khuyết điểm về việc để gây ra những hiểu lầm cho người dân. Thống đốc nói: "Dư luận còn chưa hiểu hết vấn đề nên dẫn đến tâm lý đổ xô chuyển đổi sang vàng SJC. Ngân hàng Nhà nước thời gian tới sẽ phổ biến rộng rãi hơn để người dân yên tâm".
Ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh SJC không phải là công ty độc quyền dập vàng miếng. "Kể từ ngày 25/5, các đơn vị, kể cả Công ty SJC, phải chấm dứt dập vàng miếng. Từ đó, chỉ có Ngân hàng Nhà nước được độc quyền dập, đúc vàng".
Lý giải nguyên nhân chọn thương hiệu vàng SJC, ông Bình cho biết: "SJC chiếm 93-95% thị trường vàng miếng. Để tránh sự nhầm lẫn và lãng phí nên chúng tôi chọn thương hiệu này".
Thống đốc khẳng định không bắt buộc người dân phải chuyển đổi từ các loại vàng khác sang SJC và không hề có sự phân biệt giữa vàng của các thương hiệu này. Tuy nhiên, trong phiên thảo luận sáng 31/10, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước lại không hề giải thích về tình trạng "vàng hai giá" đang xảy ra hiện nay. Kể từ khi có thông tin về Nghị định 24, vàng miếng các thương hiệu phi SJC luôn rẻ hơn vàng SJC khoảng một triệu đồng mỗi lượng.
Cũng tại phiên thảo luận sáng nay, vấn đề nợ xấu tiếp tục được các đại biểu đào xới cho dù nội dung này đã được Quốc hội đề cập kỹ trong buổi chiều hôm qua. Ông Nguyễn Văn Bình khẳng định các nhà băng phải tự xử lý nợ xấu và không được trả cổ tức nếu chưa trích lập dự phòng rủi ro đủ theo yêu cầu.
Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước khẳng định, để xử lý nợ xấu thì vấn đề giải quyết hàng tồn kho có ý nghĩa rất quan trọng. Ngân hàng Nhà nước sẽ báo cáo các bộ ngành để cùng phối hợp giải quyết hàng tồn kho, đặc biệt là tồn kho trong bất động sản để khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp.
Dưới góc độ đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, nếu sản xuất chiếm 50% GDP, mà hàng hóa tồn kho chiếm khoảng 20% như một số báo cáo thì số hàng tồn kho sẽ tương đương tỷ lệ 4%.
"Nếu xử lý được số hàng tồn kho này thì nợ xấu đã xong được 4%. Còn nếu giải quyết được 93% nợ đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản (khoảng 90.000 tỷ đồng) thì sẽ giải quyết thêm được 2%. Do đó, tháo gỡ 2 vấn đề trên sẽ giúp tỷ lệ nợ xấu giảm được 6% nếu theo đúng báo cáo của Ngân hàng Nhà nước hiện nay là 8%", Thống đốc phân tích.
Ông Nguyễn Văn Bình cũng đề nghị các ngân hàng phải tự xử lý nợ xấu thay vì trông chờ quá nhiều vào các nguồn lực khác. Đại diện Ngân hàng Nhà nước từng thừa nhận việc các nhà băng tìm cách "né" việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Do đó, để giải quyết việc này, Thống đốc nhấn mạnh: "Kiên quyết đến cuối năm, ngân hàng nào không trích lập dự phòng rủi ro đủ, thì không được chia cổ tức. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước sẽ có biện pháp thanh tra cần thiết để đảm bảo lợi nhuận của ngân hàng trước tiên phải phục vụ cho xử lý vấn đề nợ xấu".
Thanh Thanh Lan