5 thành viên cũ của Hội đồng quản trị Sacombank đã được chấp thuận đơn từ nhiệm tại Đại hội cổ đông thường niên sáng 26/5. Ban quản trị của nhà băng này chỉ còn lại hai thành viên cũ, là hai cha con ông Đặng Văn Thành và Đặng Hồng Anh.
Theo quy định, HĐQT nhiệm kỳ mới có tối đa 10 thành viên. Do vậy, Sacombank đã xin ý kiến cổ đông bầu bổ sung 8 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2011 - 2015.
Đại hội cổ đông Sacombank. Ảnh: Lệ Chi |
Trong số 8 ứng viên mới, có 4 người đến từ Ngân hàng Phương Nam (Southernbank) gồm ông Trầm Bê, nguyên là Phó chủ tịch; ông Trầm Khải Hòa là con trai ông Trầm Bê, hiện là Chủ tịch Công ty Chứng khoán Phương Nam (PNS). Ông Phan Huy Khang, nguyên Tổng giám đốc, kiêm bí thư đảng bộ Ngân hàng Phương Nam và bà Dương Hoàng Quỳnh Như, nguyên là thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc Thường trực Ngân hàng Phương Nam cũng có mặt trong danh sách.
Hai thành viên đến từ Eximbank gồm ông Phạm Hữu Phú (Chủ tịch EximLand) và ông Nguyễn Miên Tuấn.
Đáng chú ý, Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới của Sacombank còn có sự góp mặt của ông Kiều Hữu Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ Các ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước).
Nhiều cổ đông đặt vấn đề liệu thời gian tới có xảy ra sự sáp nhập giữa hai ngân hàng Sacombank và Southernbank. Ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch hội đồng quản trị Eximbank, đại diện cho nhóm cổ đông lớn chia sẻ rằng, hiện nay, Hội đồng quản trị Sacombank mới chỉ xin ý kiến cổ đông cho phép được chủ động tiếp xúc, tìm hiểu, phân tích khả năng sáp nhập, mua bán ngân hàng.
"Chúng tôi sẽ lựa chọn để trao đổi thông tin với các ngân hàng được cho là phù hợp với mình nhất và trong đó cũng không loại trừ Ngân hàng Phương Nam", ông nói.
Phương Nam là một ngân hàng quy mô nhỏ, hiệu quả hoạt động không thuộc tốp đầu trong khối cổ phần. Điều này khiến một số cổ đông e ngại về năng lực lãnh đạo. Ông Lê Hùng Dũng cho rằng, quản trị ngân hàng không chỉ nằm trong thành viên ban quản trị mà còn có sự góp sức của một bộ máy giúp việc. "Và câu trả lời thỏa đáng nhất về năng lực lãnh đạo sẽ nằm ở kết quả kinh doanh của năm 2012 mà chúng tôi sẽ báo cáo với cổ đông trong kỳ đại hội tới", ông nói.
Sacombank nguy cơ bị thâu tóm là câu chuyện thu hút sự quan tâm của dư luận suốt nhiều tháng nay, nhất là khi đây lại là ngân hàng quy mô lớn và hoạt động hiệu quả nhất nhì khối cổ phần. Hồi tháng 2, thị trường ngân hàng ồn ào bởi thông tin Eximbank đòi bầu lại Hội đồng quản trị Sacombank. Gần đây, thị trường lại rộ lên tin Sacombank có thể sáp nhập với Phương Nam, một ngân hàng hoạt động kém hiệu quả hơn nhiều Sacombank và quy mô vốn điều lệ cũng chưa bằng một phần năm.
Trong lời phát biểu của mình, ông Đặng Văn Thành cũng nhấn mạnh rằng, đây là đại hội chuyển giao quan trọng. Ông mong những nhân sự được bầu tham gia Hội đồng Quản trị sẽ tiếp tục điều hành và hướng tới mục tiêu chung của Sacombank đúng như chiến lược phát triển 2011 - 2015 và tầm nhìn 2020 đã được đại hội đồng thường niên thông qua vào năm 2010.
Trao đổi với báo giới bên hành lang đại hội, ông Thành cho rằng, khi tham gia thị trường ngày một sâu rộng, hội nhập thị trường thế giới và ra biển lớn, việc thay đổi cơ cấu vốn và Hội đồng Quản trị là hết sức bình thường. Ông cũng cho biết, sau 4 tháng đầu năm, hoạt động kinh doanh của Sacombank tăng trưởng khả quan, lợi nhuận đã hoàn thành khoảng 37% kế hoạch năm.
Tại đại hội, Sacombank cũng trình cổ đông thông qua phương án phát hành khoảng 200 triệu USD trái phiếu quốc tế không chuyển đổi, không có đảm bảo. Trái phiếu có kỳ hạn 5 năm và sẽ được niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore (SGX-ST). Thời gian dự kiến phát hành là quý II hoặc quý III năm nay.
Đến cuối năm nay, Sacombank dự kiến đưa tổng vốn điều lệ lên hơn 15.600 tỷ đồng, tức tăng hơn 3.400 tỷ đồng, trong đó đầu tư vào tài sản cố định 800 tỷ, bổ sung vốn và thành lập mới các đơn vị trực thuộc 600 tỷ đồng, còn lại hơn 2.000 tỷ đồng đưa vào kinh doanh sinh lời.
Lệ Chi