Tái cơ cấu ngân hàng sẽ là chủ đề được đặc biệt quan tâm tại phiên chấn vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, dự kiến bắt đầu từ chiều nay. Là nhà đầu tư, cũng tham gia lĩnh vực ngân hàng từ đợt sốt 2006 đến nay, song ông Đặng Thành Tâm cho biết rất ủng hộ chủ trương tái cơ cấu toàn diện lĩnh vực này.
Ông Đặng Thành Tâm là đại biểu Quốc hội khóa XIII, hiện là Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn. Ảnh: Hoàng Hà |
- Là một đại biểu Quốc hội thuộc khối doanh nghiệp, ông đánh giá thế nào về chủ trương tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đang đặt ra hiện nay?
- Theo quy luật phát triển kinh tế, tất yếu luôn xảy ra quá trình tái cấu trúc, đơn vị nào yếu quá và kém quá sẽ bị đào thải, những đơn vị không thể tự sống một mình sẽ bị các đơn vị tốt hơn thâu tóm. Ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, không tránh khỏi các quy luật kinh tế này. Bản thân ngân hàng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn, vì nó là nơi điều tiết dòng tiền lưu thông trong toàn bộ nền kinh tế. Toàn bộ những vấn đề của nền kinh tế, nếu có, sẽ bộc lộ đầu tiên qua ngân hàng.
Thực tế thời gian qua cho thấy nền kinh tế đang có vấn đề mà hệ quả là vỡ tín dụng khá nhiều, kể cả tín dụng đen lẫn tín dụng chính thức của các ngân hàng. Do đó, tái cấu trúc và sáp nhập những ngân hàng yếu kém, để lành mạnh hóa hệ thống là chủ trương hết sức cần thiết và đúng đắn.
- Theo ông đâu là những điểm yếu lớn nhất của ngân hàng hiện nay?
- Ngân hàng có vai trò điều tiết và lưu thông dòng tiền đến đúng nơi đúng chỗ. Tuy vậy việc thực hiện vai trò này thời gian qua còn nhiều bất cập, và dòng tiền đôi khi đi chệch hướng. Ví dụ như cần đi vào sản xuất thì lại lắt léo và chui qua phi sản xuất. Dịch vụ ngân hàng lẽ ra cần mở rộng cho vay cộng đồng dân cư, đối tượng vay nhỏ và vừa, hộ gia đình cá thể, để đa dạng hóa khách hàng và phân tán rủi ro, thì một bộ phận vẫn tập trung vào luồn lách cho vay phi sản xuất. Nguy hiểm hơn nữa là một lượng rất lớn tín dụng đã dồn vào một số đối tượng nhất định, làm cho dòng tiền không dễ đến với những doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Một bất cập nữa là nguồn nhân lực ngân hàng. Sự thiếu hụt khá trầm trọng dịch vụ nhân lực ngân hàng và việc chưa hợp lý hóa trong các cấp lãnh đạo của một số ngân hàng cũng là vấn đề đáng xem xét. Từ chỗ nhân sự yếu mới dẫn đến hậu quả là quản lý, điều hành giảm đi sự minh bạch, thiếu đi sự chuyên nghiệp, mà lại vướng vào duy ý chí. Và do đó dòng vốn mới dễ dàng chuyển hướng một cách lệch lạc.
- Hệ quả của việc dòng vốn dịch chuyển lệch lạc đối với chính ngân hàng là gì, thưa ông?
- Dòng vốn đến không đúng địa chỉ, hoặc tập trung quá lớn vào một số đối tượng khách hàng, sẽ trở thành nguy cơ rất lớn. Chỉ cần đối tượng đó gặp khó khăn, ngân hàng cho vay ngay lập tức khó khăn theo.
Nợ xấu của ngành ngân hàng Việt Nam, nếu tính theo chuẩn Việt Nam, hiện vào khoảng 3%, tương đương 90.000 tỷ đồng. Nếu tính theo chuẩn quốc tế, con số này còn kinh khủng hơn thế nhiều lần. Đưa ra một ví dụ thế này, nếu một ngân hàng lớn tổng dư nợ 300.000 tỷ đồng thì đã coi như đã mất 9.000 tỷ đồng. Vốn điều lệ của ngân hàng đó cũng chỉ hơn 15.000 tỷ đồng, với tỷ lệ nợ xấu nói trên, nguy cơ họ mất trắng 50% vốn điều lệ, tức là đã vào trạng thái nguy hiểm.
- Theo ông, những đối tượng ngân hàng nào của Việt Nam hiện nay cần phải tái cấu trúc?
- Ngân hàng Nhà nước là người nắm rõ nhất ngân hàng nào yếu kém, tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy cơ đổ vỡ. Theo ý kiến các chuyên gia và theo tờ trình Quốc hội về các giải pháp kinh tế năm 2012, các ngân hàng yếu kém cần được sáp nhập. Đây là một trong những biện pháp để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Như vậy các ngân hàng yếu kém sẽ là đối tượng đầu tiên để tái cấu trúc. Nhưng theo tôi, toàn bộ hệ thống ngân hàng, công ty tài chính, tổ chức tín dụng đều cần tái cơ cấu. Ngay Ngân hàng Nhà nước cũng cần đổi mới cách thức điều hành và kiểm tra giám sát để chủ động ngăn chặn kịp thời những hành vi sai trái.
Nợ khó đòi, nợ xấu đang gia tăng, bất kể ngân hàng nào trong hệ thống cũng đều phải xem lại chính mình. Bước đầu tiên là cơ cấu tự nguyện, ngân hàng tự cứu mình trước khi trời cứu. Bước thứ hai, nếu không tự tái cấu trúc được, thì sẽ tự tìm những ngân hàng tốt hơn để xin sáp nhập với họ. Sáp nhập tự nguyện như vậy sẽ bớt cay đắng hơn. Bước thứ ba mới là Nhà nước can thiệp, bắt buộc sáp nhập những ông yếu kém vào ông mạnh hơn, có đầy đủ năng lực để làm cho quá trình sáp nhập thành công, nếu nhầm lẫn trong sáp nhập, ông yếu lại vào với ông yếu quá, thì càng gay go.
- Nhưng khi chủ trương tái cơ cấu được công bố, nhiều người nghĩ ngay tới việc phải xử lý các ngân hàng nhỏ, đặc biệt là các ngân hàng chuyển đổi từ nông thôn ra đô thị. Ông nghĩ sao?
- Nếu lắng nghe thật kỹ báo cáo của Thủ tướng về kế hoạch 2012, sẽ thấy các ngân hàng yếu kém mới là đối tượng phải sáp nhập. Các chuyên gia kinh tế như ông Trần Hoàng Ngân khi trả lời VnExpress cũng nói rất rõ về việc này, tái cơ cấu để ngân hàng làm đúng việc phù hợp với năng lực của mình, nhỏ làm việc nhỏ, nếu họ vẫn lành mạnh thì cần gì sáp nhập. Một khi ngân hàng yếu thì phải sáp nhập, không kể nó to hay nhỏ. Nếu cứng nhắc nói sáp nhập ngân hàng nhỏ là hoàn toàn không chuẩn xác và phạm luật.
Thực tế vừa qua, những trường hợp bị Ngân hàng Nhà nước phát hiện vượt trần lãi suất và xử phạt đều là ngân hàng cỡ trung bình trở lên.
- Quá trình tái cấu trúc ngân hàng cần lưu ý điều gì?
- Tái cấu trúc ngân hàng là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, cần làm quyết liệt, nhưng cũng hết sức thận trọng, minh bạch, bình đẳng giữa các đối tượng và theo đúng cam kết hội nhập WTO. Cũng cần kiên quyết xử lý bất kể đó là ai, ngân hàng lớn hay nhỏ, nhưng cũng cần đúng liều lượng, trong quá trình xử lý cần tiếp thu các phản hồi để không ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống. Nếu không khéo, người dân lo sợ sẽ rút tiền hàng loạt sẽ là vấn đề nghiêm trọng. Cũng cần tránh tối đa những bất cập hoặc là đưa ra chính sách duy ý chí, chưa phù hợp với cam kết hội nhập, trong đó có cả hội nhập về ngân hàng.
Thời gian qua, do nóng vội thực hiện chủ trương tái cấu trúc ngân hàng, đặc biệt là sáp nhập ngân hàng, có lúc chính sách thắt chặt tiền tệ gia tăng liều lượng, khiến lượng tiền trên thị trường liên ngân hàng khan hiếm, lãi suất bị đẩy lên cao, có nơi đến trên 25%. Rất nhiều người vay tiền không được giải ngân theo đúng hợp đồng đã ký. Vì thế mà đã có những rung động khá mạnh trên thị trường tiền tệ, một số ngân hàng tầm trung gặp khó khăn lớn một cách bất ngờ, đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước phải hỗ trợ. Cần điều chỉnh chỉnh chính sách một cách linh hoạt và phù hợp, nếu không người dân sẽ tiếp tục rút tiền mua vàng và đôla, làm thị trường tiền tệ thêm tiềm ẩn nguy cơ.
Quá trình tái cấu trúc, sáp nhập sẽ mất thời gian không ngắn, và bước đầu làm chi phí ngân hàng gia tăng. Nên trong ngắn hạn sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh và gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, tái cơ cấu và sáp nhập là quá trình tất yếu đối với những ngân hàng yếu kém, công ty yếu kém, dù đau thương cũng phải làm, để lành mạnh hóa hệ thống, giúp lành mạnh hóa nền kinh tế.
- Ông dự báo thế nào về tương lai của ngành ngân hàng khi nền kinh tế được tái cấu trúc toàn diện?
- Trước kia các nước phát triển đi theo mô hình coi trọng dịch vụ. Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong GDP là dịch vụ, mà đứng đầu là tài chính và bảo hiểm. Sau đó mới là công nghiệp và nông nghiệp đứng chót trong các lĩnh vực đóng góp vào GDP. Nhưng lịch sử phát triển kinh tế thế giới hàng chục năm nay cũng cho thấy các cuộc khủng hoảng từ trước đều xuất phát từ công nghiệp (khủng hoảng 1929-1933) và tài chính (2008-2012).
Như vậy cần xem lại mô hình tăng trưởng, nông nghiệp sẽ là mũi nhọn trong tương lai. Loài người hàng nghìn năm làm nông nghiệp nhưng trái đất vẫn bền vững, môi trường vẫn đảm bảo, và đặc biệt là chẳng có cuộc khủng hoảng thế giới nào.
Nước ta là nước nông nghiệp, trên 70% dân số ở trong nông nghiệp, vì vậy mô hình phát triển nông nghiệp cần được coi trọng. Tất nhiên cần đưa nông nghiệp vào giai đoạn phát triển mới, đó là giai đoạn nông nghiệp công nghệ cao, năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn.
Những ngành dịch vụ mà cốt lõi là ngân hàng dù vai trò rất quan trọng nhưng sẽ không "hot" như trước đây. Sẽ khó có thể tái diễn cảnh mọi người lao vào mua cổ phần ngân hàng cho dù ngân hàng vẫn đóng góp vai trò quan trọng cho nền kinh tế.
Song Linh