Theo đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011- 2015" vừa được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định phê duyệt, các ngân hàng được phân làm 3 nhóm gồm lành mạnh, thiếu thanh khoản tạm thời và yếu kém. Tiêu chí phân nhóm là thực trạng tài chính, hoạt động, quản trị, chất lượng tài sản, công nợ, vốn tự có và mức độ an toàn.
![]() |
Ngân hàng yếu thanh khoản sẽ phải sáp nhập, hợp nhất bắt buộc nếu không tự nguyện được. Ảnh minh họa: Hoàng Hà. |
Đề án cũng nêu rõ, những đơn vị thiếu thanh khoản có thể được Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn trên cơ sở hồ sơ tín dụng có chất lượng tốt. Mức tái cấp vốn nhiều nhất tương đương với vốn điều lệ của tổ chức tín dụng đó.
Đổi lại, các ngân hàng yếu thanh khoản cũng phải chịu giám sát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước về quản trị, điều hành, tài chính và hoạt động. Sau khi đảm bảo khả năng chi trả, Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các đơn vị hợp nhất, mua bán, sáp nhập tự nguyện. Nếu không thể tự nguyện, cơ quan này sẽ áp dụng các biện pháp bắt buộc.
Cũng theo nội dung của đề án, các tổ chức tín dụng nói chung cần có phương án lành mạnh hóa tài chính, cơ cấu lại hoạt động, hệ thống quản trị, pháp nhân, sở hữu phù hợp với mức độ rủi ro, yếu kém và điệu kiện cụ thể.
Vị thế của các ngân hàng thương mại Nhà nước vẫn được khẳng định. Từ nay đến 2015, phấn đấu có 1 - 2 ngân hàng thương mại Nhà nước có quy mô, quản trị, công nghệ và khả năng cạnh tranh đạt trình độ khu vực. Tiến trình cổ phần hóa các ngân hàng này vẫn được đẩy mạnh, đảm bảo Ngân hàng Nhà nước nắm cổ phần chi phối.
Đến năm 2015, các ngân hàng giảm tỷ lệ dư nợ tín dụng so với huy động vốn về dưới 90%, đa dạng hóa hình thức huy động vốn, kiểm soát quy mô, tăng trưởng, kỳ hạn cho vay phù hợp nguồn vốn. Đồng thời, tỷ lệ nợ xấu được đưa về dưới 3% theo tiêu chuẩn kế toán Việt Nam.
Ngân hàng Nhà nước là cơ quan chịu trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, Bộ, ngành để thực hiện tái cơ cấu.
Trước 1/7/2012, Ngân hàng Nhà nước và các đơn vị liên quan phải xây dựng và trình Chính phủ quyết định về quy định về góp vốn, mua cổ phần của mình theo Luật các tổ chức tín dụng.
Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trình phương án xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng và tăng vốn điều lệ của ngân hàng thương mại Nhà nước.
Lộ trình tái cơ cấu: 2011 - 2012: Đánh giá nợ xấu, phân loại tổ chức tín dụng, tập trung hỗ trợ thanh khoản, xây dựng phương án tái cơ cấu lại các tổ chức yếu kém. 2013: Loại bỏ nguy cơ đổ vỡ hệ thống bằng xử lý nợ xấu, tăng vốn điều lệ, cơ cấu hoạt động, quản trị của ngân hàng cũng như sở hữu, pháp nhân các ngân hàng yếu kém. 2014: Hoàn thành căn bản cơ cấu tài chính các ngân hàng, sáp nhập, hợp nhất và mua lại trên nguyên tắc tự nguyện. 2015: Hoàn thành cơ cấu hoạt động và quản trị. |
Tuệ Minh