Tổng lợi nhuận toàn ngành ngân hàng năm 2012 giảm 48%, riêng địa bàn TP HCM giảm tới 96%, và nợ xấu có tốc độ tăng cao nhất qua các năm. Nhiều chuyên gia cho rằng năm nay tình hình có thể khả quan hơn nhưng các nhà băng chưa nên vội mừng bởi lợi nhuận có thể còn giảm thêm.
Theo ông Võ Tấn Hoàng Văn - Phó tổng giám đốc Ernst & Young Việt Nam, 2012 là năm các vấn đề bắt đầu "bục ra" chứ chưa phải là đã bắt đầu giải quyết nó. Do vậy, năm 2013 là thời điểm mà tất cả sẽ phải cùng xắn tay vào xử lý. "Quá trình này mất ít nhất khoảng 2 năm, giống như động cơ xe máy, khi sắp hết xăng, nó sẽ đi chậm, nhưng khi đã đủ nhiên liệu và khởi động thành công, nó sẽ nổ dần dần và dễ dàng vít ga tăng tốc sau đó", ông Văn ví von để nói về tình hình hiện nay của Việt Nam.
Lãnh đạo Ngân hàng Đông Á cũng dự báo, năm 2013 kinh tế thế giới phục hồi chậm, khó khăn thách thức vẫn còn nên sẽ có những tác động nhất định đến nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, Chính phủ vẫn tiếp tục chỉ đạo chính sách tiền tệ chặt chẽ để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo ông, dù hiện nay có những dự báo lạc quan nhưng 2013 được xem là năm mang tính thử thách nhất trong vòng 10 năm qua, đơn vị nào khỏe mạnh sẽ vượt qua được. Do đó, nhà băng này chủ trương giữ an toàn vốn và ổn định hoạt động, tăng cường sức mạnh nội lực. Còn lợi nhuận, mặc dù là nhiệm vụ của các cổ đông giao nhưng đặt ra trong lúc kinh tế khó khăn, hàng chục nghìn doanh nghiệp đóng cửa là chưa đúng lúc.
![]() |
Ngân hàng không đặt nặng chỉ tiêu lợi nhuận 2013. Ảnh: Hoàng Hà |
Đại diện một số nhà băng lớn như ACB, Techcombank,... cho biết, hiện nay ngành ngân hàng còn nhiều thách thức lớn cần giải quyết như nợ xấu, đầu ra cho dòng tiền khó, hệ thống quản trị có vấn đề... nên trong năm 2013 sẽ tập trung xử lý các điểm nghẽn này và sẽ không đặt nặng mục tiêu lợi nhuận.
Phần lớn chuyên gia cũng nhận xét triển vọng ngành ngân hàng năm nay trông chờ khá nhiều vào kết quả của việc dọn dẹp nợ xấu. Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, năm 2013 có 2 nhiệm vụ lớn cần phải làm. Một là cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém - việc mà theo ông, năm 2012 xử lý còn chậm. Thứ hai là phải xử lý được nợ xấu mặc dù vị chuyên gia này cũng lưu ý, trong bối cảnh kinh tế ngày một khó khăn thì công việc đó càng trở nên nan giải.
Cho rằng việc xử lý nợ xấu ở tầm quốc gia đáng lý ra phải được thực hiện mạnh mẽ hơn trong năm 2012 nhưng đến nay tiến trình vẫn chậm, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu kỳ vọng ngay trong quý I đề án thành lập Công ty mua bán nợ xấu quốc gia (VAMC) được chấp thuận để đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu.
Mặc dù nhìn nhận thị trường ngân hàng sẽ tiếp tục đối mặt với những câu chuyện lợi nhuận giảm, nợ xấu tăng, nhân sự biến động mạnh trong năm 2013 nhưng các chuyên gia nhấn mạnh, không nên quá bi quan. Bởi theo ông Võ Tấn Hoàng Văn - Phó tổng giám đốc Ernst & Young Việt Nam, năm 2013 nếu thị trường phục hồi thì ngân hàng sẽ dễ dàng đạt những chỉ số tốt. "Nên lưu ý, ngành ngân hàng có đặc thù là độ bật nảy rất lớn, có thể đi xuống nhanh nhưng ngược lại nó tăng bật trở lại cũng rất nhanh", ông Văn chia sẻ.
Về diễn biến lãi suất, chuyên gia Vũ Đình Ánh cho rằng khó giảm mạnh và nhiều như năm 2012. "Hiện nay dự báo lạm phát năm 2013 chưa rõ ràng. Cộng thêm việc xử lý nợ xấu còn khó nên dư địa giảm lãi suất sẽ rất khó. Do đó, khả quan nhất thì lãi suất huy động chỉ có thể giảm thêm một điểm phần trăm", ông Ánh dự báo.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng không quên khuyến cao việc điều hành lãi suất trong năm 2013 nên theo hướng tập trung vào lãi suất cho vay. "Làm sao kéo được lãi suất này xuống 11, 12% trên thực tế thì mới phù hợp", ông Ánh nói.
Lãnh đạo cấp cao của TrustBank cũng nhận xét, năm 2012 là khoảng thời gian rất khó khăn nên Việt Nam phần nào nhận ra được đang đau đớn chỗ nào. Do đó, năm 2013 Nhà nước bắt đầu có kinh nghiệm để điều phối như đưa ra giải pháp cứu bất động sản, có những chính sách phân loại ngân hàng yếu... để vực dậy thị trường.
Về vấn đề nợ xấu, vị lãnh đạo TrustBank cho rằng, bên cạnh việc tìm cách giải quyết cục nợ xấu đang tồn tại, các ngân hàng sẽ cẩn thận hơn trong việc cho vay, nhất là lĩnh vực tiêu dùng. Bởi ở phân khúc này, mặt trái là nếu vay dễ thì tiêu dễ và cũng dễ dẫn đến nợ xấu.
Thanh Lan - Lệ Chi