Ngày 13/3, Thủ tướng vừa quyết định thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành triển khai Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015". Theo đó, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh là trưởng ban chỉ đạo liên ngành đề án Tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và Thống đốc Nguyễn Văn Bình làm phó Trưởng ban thường trực.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh làm trưởng ban chỉ đạo và Thống đốc Nguyễn Văn Bình làm phó ban. Ảnh: Hoàng Hà. |
Các thành viên còn lại gồm Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Văn Phượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quỹ Doãn, Thứ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh. Ngoài ra, còn có Thứ trưởng các Bộ như Công thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp và Phó Chủ tịch UBND Hà Nội, TP HCM.
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ tham mưu, đề xuất phương hướng giúp Thủ tướng chỉ đạo triển khai các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo có vai trò giúp Thủ tướng điều hòa, phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương trong quá trình triển khai thực hiện Đề án. Kinh phí hoạt động của Ban chỉ đạo do ngân sách Nhà nước bảo đảm và bố trí trong hoạt động thường xuyên của Ngân hàng Nhà nước.
Ngày 14/3, Ngân hàng Nhà nước cũng vừa ban hành Thông tư 07 về việc kiểm soát đặc biệt đối với các ngân hàng. Thông tư này cũng nêu rõ Ngân hàng Nhà nước sẽ công khai danh tính đơn vị thuộc diện kiểm soát đặc biệt - bị đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước do có nguy cơ mất khả năng chi trả, nguy cơ mất an toàn hoạt động. Theo đó, ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt có thể bị bắt buộc phải sáp nhập, hợp nhất nếu không đủ khả năng tăng vốn điều lệ.
Đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng đã được Thủ tướng phê duyệt trong năm 2012. Đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã cơ bản xử lý hoặc có phương án tái cơ cấu với 9 ngân hàng thuộc diện yếu kém.
Ngân Hà