Hôm qua, một ngân hàng cổ phần đã có thông báo trực tiếp tới các khách hàng thân thiết vừa đáo hạn tiền gửi về mức khuyến mại lãi suất lên tới 3% một năm. Theo đó, mức lãi suất tổng cộng dành cho khách hàng tái gửi tiền tại nhà băng này sẽ là 17% một năm cho kỳ hạn một tháng. Trước đó, một nhà băng lớn cũng đưa ra mức lãi suất tương tự cho khách hàng "ruột" của mình.
Lãnh đạo cấp cao một nhà băng cổ phần vừa đưa ra mức lãi suất tiết kiệm 17% một năm cho biết: “Không ai muốn tăng lãi suất lên cao như vậy cả nhưng bởi thị trường buộc mình phải làm như vậy mà thôi”.
Một số ngân hàng cổ phần đã tăng lãi suất tiết kiệm lên 17% một năm. Ảnh minh họa: Hoàng Hà |
Vị này phân tích, tỷ giá và lạm phát cùng tăng cao là nguyên nhân khiến lãi suất cũng phải lên theo. Bên cạnh đó, việc Ngân hàng Nhà nước thu lại hơn 30.000 tỷ đồng bơm ra từ trước Tết cũng khiến các nhà băng phải gia tăng huy động vốn để đề phòng.
Trong khi đó, tổng giám đốc một nhà băng cổ phần lớn cho biết, thanh khoản hiện tại ở các tổ chức tín dụng lớn đang thừa. Tuy nhiên, nếu như các ngân hàng nhỏ đồng loạt tăng lãi suất huy động thì “ông lớn” cũng có thể buộc lòng phải dâng theo đễ giữ khách.
Chuyên gia tiền tệ này phân tích, vài ngày trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã rút về hơn 30.000 tỷ đồng cho những tổ chức tín dụng vay hồi trước tết làm cho những ngân hàng nhỏ phải tìm cách bù đắp khoản vốn đã bị thu hồi. Trong ngày 28/2, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng qua thị trường mở là 26.000 tỷ đồng nhưng chỉ có thời hạn một tuần. Vì thế, dự báo trong 7 ngày tới, tình hình thanh khoản tại nhiều nhà băng có thể gặp khó khăn nếu nguồn vốn từ thị trường mở không tiếp tục được bơm ra.
“Với tình hình lạm phát và tỷ giá tăng cao, kèm theo việc Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cùng khẳng định thông điệp về chống lạm phát thì những nhà băng nhỏ phải tìm cách phòng ngừa rủi ro thanh khoản. Đây là lý do họ nâng lãi suất lên cao để hút vốn vào phòng khi khó khăn sẽ trở tay không kịp, chứ không thể trông chờ vào nguồn cứu trợ khẩn cấp từ Ngân hàng Nhà nước”, ông này nhận xét.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Văn Giàu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, thanh khoản trong toàn hệ thống ngân hàng hiện vẫn tốt, bởi nhu cầu thanh toán sau Tết không còn căng thẳng. Nếu ngân hàng nào đó tăng lãi suất lên 17% một năm có thể là tình hình hoạt động của riêng họ có vấn đề. Ngân hàng Nhà nước sẽ xử phạt mạnh tay với những trường hợp như vậy, thậm chí tính tới cả việc đóng cửa phòng giao dịch hoặc chi nhánh nơi áp dụng lãi suất cao.
Theo ông Giàu, mục tiêu ưu tiên hàng đầu mà Chính phủ nêu ra trong nghị quyết vừa rồi là chống lạm phát. Tuy nhiên không vì thế mà ngân hàng thương mại đẩy lãi suất lên quá cao so với khả năng chấp nhận của thị trường. Về lâu dài, khi lạm phát được đẩy lùi, lãi suất sẽ tự điều chỉnh giảm.
Vào hồi giữa tháng 12/2010, Techcombank là ngân hàng đầu tiên công khai chương trình khuyến mại với lãi suất “khủng” 17% một năm. Ngay sau đó, hàng loạt nhà băng khác cũng đồng loạt tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm lên mức này, thậm chí có nơi lên tới 18% một năm cho kỳ hạn một tháng như Seabank. Ngay sau đó, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấn chỉnh và mặt bằng lãi suất huy động đã được đưa về 14% một năm.
Hoàng Ly - Song Linh