Trong lần đầu tiên đánh giá khả năng trả nợ vốn ngoại tệ của 4 ngân hàng Việt Nam, Fitch đưa ra điểm B, đồng thời giữ nguyên đánh giá thận trọng với định mức tín nhiệm chung của các nhà băng này.
> 2 ngân hàng hàng đầu Việt Nam tụt hạng tín dụng / Fitch hạ xếp hạng VN
Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch vừa công bố đánh giá đối với khả năng trả nợ vốn vay ngoại tệ dài hạn (LTFC IDR) của 4 ngân hàng Việt Nam là Nông nghiệp (Agribank), Á Châu (ACB), Công thương (Vietinbank) và Sài Gòn Thương tín (Sacombank). Theo đó, cả 4 nhà băng đều nhận điểm B với triển vọng ổn định.
Đây là lần đầu tiên Fitch quan tâm tới khả năng trả nợ tín dụng ngoại tệ dài hạn của các ngân hàng Việt Nam.
![]() |
Fitch cho rằng nhiều ngân hàng Việt Nam đang gặp khó khăn về thanh khoản. Ảnh: Hoàng Hà |
Ngoài đánh giá này, Fitch cũng giữ nguyên định mức tín nhiệm chung đối với các ngân hàng này (được công bố hồi tháng 9/2010). Trong đó, ACB, Sacombank. Vietinbank, cùng với Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), được đánh giá ở mức D/E (ngưỡng tiệm cận rủi ro). Riêng Agribank nhận điểm E (có rủi ro).
Theo diễn giải của Fitch, điểm số đối với 2 ngân hàng cổ phần là ACB và Sacombank ghi nhận sự cải thiện sức khỏe tài chính cũng như hệ thống quản lý. Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn chung của thị trường tài chính, hoạt động của các nhà băng này vẫn gặp nhiều khó khó khăn.
Trong khi đó, nếu chỉ xét riêng những yếu tố nêu trên, Agribank và Vietinbank có phần “yếu thế” hơn do phải đảm nhận nhiều chương trình cho vay theo chính sách. Tuy nhiên, cũng do là ngân hàng quốc doanh hoặc có phần lớn cổ phần vẫn thuộc sở hữu Nhà nước, Fitch cho rằng 2 nhà băng nói trên có khả năng nhận được sự hỗ trợ ở mức cao hơn từ Chính phủ trong những trường hợp khó khăn. Do vậy, cả 4 ngân hàng đều được xếp đồng hạng B về khả năng trả nợ tín dụng ngoại tệ dài hạn.
Riêng về mức đánh giá chung, việc Fitch tiếp tục giữ mức D/E và E cho thấy sự quan ngại của hãng đối với thị trường ngân hàng Việt Nam, đặc biệt là vấn đề minh bạch và thanh khoản. Theo đó, áp lực tụt hạng sâu hơn có thể gia tăng đối với các ngân hàng nói trên nếu tình trạng khó khăn hiện nay kéo dài.
Việt Nam vẫn giữ được nhịp tăng trưởng mạnh trong vòng 4 năm trở lại đây, nhưng tỷ lệ cấp tín dụng so với GDP cũng ở mức rất cao (120% vào năm 2010). Cùng với những biểu hiện lạm phát và bong bóng tài sản tăng cao, thanh khoản đang là vấn đề cực kỳ cấp bách đối với các ngân hàng, đặc biệt là những nhà băng có tỷ lệ cấp tín dụng do với huy động tiến gần tới mức 100%.
Tuy nhiên, điểm tích cực là những chính sách thắt chặt tiền tệ mà Chính phủ thực hiện từ đầu năm, đặc biệt là giới hạn tăng trưởng tín dụng năm nay xuống dưới 20%, điều chỉnh tỷ giá tiền đồng… đang bắt đầu phát huy tác dụng. Theo Fitch, nếu sự cân bằng giữa tăng trưởng và ổn định kinh tế tiếp tục được duy trì, thị trường tiền tệ sẽ có xu hướng tốt dần lên. Các ngân hàng, qua đó, cũng có cơ hội để cải thiện sức khỏe tài chính của mình.
Nhật Minh