Mở đầu buổi thảo luận, lãnh đạo Công ty TNHH Ba Huân, chuyên kinh doanh trứng và chăn nuôi gia cầm cho biết, hiện nay các khoản vay cũ của doanh nghiệp bà đã được nhà băng giảm xuống15%. Riêng những khoản vay mới, Ba Huân được ngân hàng chào mời lãi suất cho vay trung dài hạn dưới 15%, còn ngắn hạn dưới 13%. "Đó là những sự hỗ trợ kịp thời từ phía ngân hàng giúp chúng tôi an tâm làm ăn", bà nói.
Tuy nhiên, ông Văn Đức Mười, Chủ tịch Hiệp hội lương thực thực phẩm TP HCM, Tổng giám đốc Vissan cho rằng, những doanh nghiệp như Ba Huân hiện nay không nhiều. Nhìn trong diện rộng thì phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện còn gặp nhiều khó khăn. Việc Ngân hàng Nhà nước từ đầu năm đến nay đã 4 lần giảm lãi suất thể hiện quyết tâm lớn của ngành ngân hàng, nhưng khi triển khai trong thực tế còn nhiều bất cập.
![]() |
Thống đốc trao đổi với doanh nghiệp bên lề hội nghị. Ảnh: Lệ Chi |
Bởi theo ông Mười, trong số mấy chục doanh nghiệp thực phẩm của hội tham gia thị trường hiện nay, số được nhà băng rà soát, hỗ trợ lãi suất rất nhỏ. "Nếu so với mặt bằng chung của các nước Đông Nam Á, Việt Nam đang có mức lãi suất cao nhất. Do đó, cần phải đưa xuống 10% theo lộ trình để doanh nghiệp có thể ổn định, phát triển", ông Mười nói.
Ngoài ra, theo Tổng giám đốc Vissan, bên cạnh vấn đề vốn, lãi suất thì khó khăn hiện nay của doanh nghiệp phải kể đến tình trạng hàng tồn kho nhiều. "Chúng ta cần có chính sách đồng bộ để giải quyết. Chẳng hạn, phía ngân hàng thì mạnh dạn khoanh nợ, giãn nợ, còn Nhà nước thì giãn VAT cho doanh nghiệp để họ có giá thành sản phẩm tốt nhất nhằm kích thích thị trường", ông đề xuất.
Giám đốc Công ty Túi sách Minh Tiến, ông Nguyễn Trí Kiên cũng thông tin, hiện lãi suất các khoản nợ cũ đã được giảm xuống 15%. Nhưng điều làm ông băn khoăn là các ngân hàng hiện vẫn còn nhìn doanh nghiệp với một sự khắt khe.
Ông cho biết, 2 năm vừa rồi dù tình hình kinh tế khó khăn nhưng công ty đã phát triển được 2 xưởng sản xuất và tạo ra những sản phẩm cặp học sinh, va li kéo bán chạy trên thị trường. Hiện nay, Minh Tiến muốn mở rộng thêm sản xuất nhưng không có vốn. Mỗi năm, công ty cần khoảng 40 tỷ đồng để sản xuất 400.000 sản phẩm cặp học sinh nhằm đáp ứng nhu cầu cho 23 triệu đối tượng đang cắp sách đến trường.
"Thế nhưng, khổ nỗi doanh nghiệp chỉ có tài sản thế chấp 6,5 tỷ đồng cộng với hàng tồn kho và phương án sản xuất, nên các ngân hàng đều từ chối cho vay", ông Kiên bày tỏ.
Cũng theo ông Kiên, các ngân hàng hiện nay quá thụ động. Nếu chủ động, linh hoạt hơn thì doanh nghiệp có thể đã được giải tỏa rất nhiều chứ không như bây giờ.
"Mặc dù chúng ta đã giảm lãi suất, nhưng ngân hàng cần chủ động hơn nữa trong việc phân tích khả năng phát triển của doanh nghiệp để hỗ trợ kịp thời chứ không nên chỉ chăm chăm căn cứ vào tài sản thế chấp", ông Kiên bức xúc nói.
Về phía ngân hàng, lần lượt các "ông lớn" gồm quốc doanh và cổ phần như BIDV, Vietcombank, Eximbank, Sacombank, DongA Bank...cũng lần lượt tham gia chia sẻ tại hội nghị.
Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á, Trần Phương Bình cho rằng, sau khi Thống đốc kêu gọi các nhà băng giảm lãi vay cũ về 15%, bản thân mỗi ngân hàng cũng nên nghiêm túc nhìn lại mình. Và trên thực tế, theo ông Bình, đã có nhiều ngân hàng chấp nhận giảm lợi nhuận để giảm lãi cho doanh nghiệp. Do đó, năm nay nhiều nhà băng sẽ khó lòng đạt chỉ tiêu về lợi nhuận 2012.
Riêng tìm kiếm các khách hàng mới, Đông Á đã mời các hội viên Hội doanh nhân trẻ (900 hội viên), khởi động chương trình 1.000 tỷ đồng và trong đó cho vay tín chấp 100 tỷ, nhưng đến nay đã giải ngân 50 tỷ, còn các hồ sơ đang xem xét chiếm 300 tỷ.
Ông Bình cũng thẳng thắn đề nghị các doanh nghiệp cần đề cập đến từng ngân hàng mà mình đang giao dịch đã gặp phải khó khăn gì chứ không nên gộp chung cho toàn ngành ngân hàng. Khi đó, lãnh đạo từng nhà băng mới biết được khó khăn của từng khách hàng mình và tìm cách tháo gỡ.Tổng giám đốc Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín Phan Huy Khang cũng cho biết, ngay sau khi Thống đốc chỉ đạo, toàn bộ hệ thống Sacombank đã được chỉ đạo rà soát lại các khoản vay cũ (đặc biệt là tại TP HCM) để cơ cấu lại nợ, giãn nợ cho khách hàng.
Đến nay, ông Khang cho biết, Sacombank đã cơ cấu nợ đạt hơn 1.500 tỷ. Riêng khoản cho vay cũ đã điều chỉnh về mức 15% với tổng dư nợ hơn 8.000 tỷ. Ngoài ra, hôm 10/7, nhà băng cũng đã hỗ trợ gói tín dụng 2.000 tỷ đồng với lãi suất 13%. Ngày 26/7, Sacombank vừa qua triển khai tiếp 1.000 tỷ đến hết năm nay với lãi suất 13-14% một năm chủ yếu hỗ trợ vốn cho các nhà phân phối để giải quyết hàng tồn kho của các doanh nghiệp.
Cũng theo ông Khang, nhiều khi các lãnh đạo chi nhánh chưa hiểu hết, nên từ chối giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. "Nhưng nếu các doanh nghiệp trao đổi thẳng thắn, cởi mở với lãnh đạo ngân hàng. Chúng tôi sẽ xem lại vấn đề này và chỉ đạo các chi nhánh để làm sao hỗ trợ được một cách tốt nhất, nếu không cũng phải giải thích hợp tình hợp lý hoặc tư vấn các doanh nghiệp cần điều chỉnh gì để được ngân hàng hỗ trợ", ông Khang chia sẻ.
Ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank còn dẫn chứng bằng những con số thống kê do chính nhà băng thực hiện. Theo ông, trong số 42% doanh nghiệp trên địa bàn có vay vốn của Eximbank thì tất cả đều có hàng tồn kho gấp đôi so với ngành. Và trong 100 đồng tồn kho thì có 27 đồng lưu chuyển còn 73% là bất động.
Do đó, nợ xấu của ngân hàng cũng bắt nguồn từ sức cầu sa sút, nếu không xóa được tảng băng này thì cả doanh nghiệp và ngân hàng đều khó. Và đây là vấn đề vĩ mô chứ không phải của riêng của TP HCM.
Hiện Eximbank đã khoanh nợ và cơ cấu lại cho 630 doanh nghiệp với 3.863 tỷ đồng, điều chỉnh 45% dư nợ cũ về 15%. Và theo ông, hiện nay nhiều người nhầm lẫn trong thống kê giữa lãi suất danh nghĩa và chi phí vốn. Mọi người cho rằng huy động 9%, cho vay 15% là nhà băng đã có lãi biên 6%. Điều này không chính xác. Bởi lẽ, ngoài chi phí 9% thì còn có dự trữ bắt buộc, bảo hiểm tiền gửi, dự phòng chung, chi phí thuê văn phòng, khấu hao điện nước…. tức rất nhiều loại chi phí khác. Do đó, khoản chênh lệch lãi suất mà ngân hàng được hưởng hiện nay rất thấp.
Ông cũng bộc bạch thêm, nghề ngân hàng là huy động vốn để cho vay. Nhưng vì đây là tiền của cổ đông, của dân nên phải có trách nhiệm bảo quản và không dám hạ chuẩn cho vay. "Tuy nhiên chúng tôi sẽ làm tất cả để chia sẻ cùng doanh nghiệp", ông nói.
Hai ông lớn quốc doanh là BIDV và Vietcombank cũng cho biết, hiện nay gần như họ đã đưa 100% dư nợ cũ về 15%. Ông Phạm Quang Tùng, Phó tổng giám đốc BIDV chia sẻ thêm, nhà băng này luôn sẵn sàng chủ động tư vấn cung cấp vốn cho doanh nghiệp chứ không phải ngồi thụ động chờ doanh nghiệp tự tìm đến. Nhưng theo ông, trong bối cảnh hội nhập này thì mức canh trang cũng rất khốc liệt. Do đó, bản thân doanh nghiệp phải tăng tính cạnh tranh để phát triển.
Sau hơn 3 tiếng thảo luận sôi nổi, thẳng thắng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đánh giá cao tinh thần 2 bên.
Thống đốc cho rằng, lãi suất mặc dù còn chưa đáp ứng 100% nhu cầu doanh nghiệp nhưng đã có chiều hướng giảm. Bản thân tổ chức tín dụng cũng rất tâm huyết trên tinh thần tự nguyện, đồng hành cùng doanh nghiệp để triển khai các gói hỗ trợ; chủ động tái cơ cấu lại nợ ... để giúp giảm tỷ lệ nợ xấu, tạo cơ hội để doanh nghiệp duy trì sản xuất để trả lãi ngân hàng.
Theo Thống đốc, lãi suất đã giảm dưới 15%, đây là con số trong mơ của doanh nghiệp trước đây. Tuy nhiên, ông cũng tán thành quan điểm, để ổn định, bền vững thì phải xuống 10% mới phát triền tốt và cạnh tranh được với doanh nghiệp trong khu vực.
"Tôi đồng ý với mong muốn này, nhưng thời gian qua do bất ổn kinh tế vĩ mô, lạm phát lúc cao lúc thấp, chính sách lúc chặt lúc lỏng…nên gây ra sự bất ổn khiến chúng ta cứ loay hoay", ông nói.
Nhưng theo Thống đốc, việc lãi suất xuống 10% có thực hiện được không phải tùy vào điều kiện kinh tế vĩ mô. Vì nếu Việt Nam giảm mạnh quá thì sợ VND kém hấp dẫn khiến USD bị biến động mạnh. Khi đó, ngân hàng sẽ khó huy động được tiền đồng để cho nền kinh tế vay mà còn chao đảo thị trường ngoại tệ.
Tuy nhiên, ông Bình cho hay, nếu kinh tế vĩ mô của Việt Nam thời gian tới ổn định có thể giảm lãi suất xuống thêm 1%. "Sang năm 2013, nếu lạm phát xuống 4-6%, huy động khoảng 7%, khi đó lãi suất cho vay hoàn toàn có thể xuống 10%", ông Bình nói.
Riêng trường hợp Công ty may túi xách Minh Tiến cần 40 tỷ nhưng chỉ cho vay 6 tỷ, Thống đốc đề nghị doanh nghiệp này nếu không được ngân hàng thương mại xử lý thì đến gặp Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, hoặc Ngân hàng trung ương để được giải quyết; nhưng với điều kiện tình hình tài chính phải tốt và dự án kinh doanh khả thi.
Cuối cùng, Thống đốc nhấn mạnh, việc chỉ đạo ngân hàng thương mại đưa lãi vay cũ xuống 15% chỉ là một lời hiệu triệu, nhưng sau gần 2 tuần triển khai đã có hơn 50% khoản vay cũ được giảm lãi suất xuống 15%. "Đây là một nỗ lực lớn của các ngân hàng thương mại và cần phát huy trong thời gian tới", ông Bình nói.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó chủ tịch UBND TP HCM đề nghị các nhà băng sớm đưa những gói kích cầu này thực sự đi vào cuộc sống, đi vào sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Đây là lần thứ hai liên tiếp trong vòng một tuần qua, Thống đốc Bình chủ trì đối thoại doanh nghiệp - ngân hàng về tình hình lãi suất và tín dụng. Tại buổi đối thoại với doanh nghiệp Hà Nội hôm 20/7, ông đã đưa ra nhiều cam kết như ổn định lãi suất cho vay 15% trong vòng ít nhất một năm; không để tín dụng tăng đột biến, cả năm nay chỉ 8-10%; nới tín dụng với bất động sản trừ mảng khu công nghiệp, chưa áp dụng quy định hạn chế cho vay ngoại tệ với xuất nhập khẩu. Cam kết của ông đang được doanh nghiệp dõi theo để xây dựng kế hoạch kinh doanh của mình. Bản thân người đứng đầu ngành ngân hàng cũng kêu gọi: "Hãy tin và làm theo lời Thống đốc".
Lệ Chi