Vấn đề xử lý nợ xấu và mua bán các loại nợ khó đòi đã được các chuyên gia tài chính quốc tế đưa ra phân tích ở hội thảo về xử lý nợ quá hạn do Công ty tài chính quốc tế (IFC) tổ chức hôm 15/1. Với kinh nghiệm hơn 25 năm tại các thị trường nợ dưới chuẩn - nợ khó đòi, ông Darryl Dong, chuyên gia tài chính cấp cao tại thị trường tài chính toàn cầu của IFC, cho rằng cơ chế xử lý nợ xấu tại Việt Nam chưa rõ ràng và khó xử lý nợ xấu ở Việt Nam.
Theo ông Darryl, thị trường mua bán nợ khó đòi chưa phát triển ở các thị trường mới nổi như Việt Nam. Hiện chưa nhà đầu tư nào có thể mua được nợ xấu Việt Nam trừ các Công ty quản lý tài sản (AMC) của mỗi ngân hàng, Công ty mua bán nợ của Bộ Tài chính (DATC) và Công ty mua bán nợ quốc gia (VAMC) có thể sắp thành lập.
"Nếu Chính phủ làm rõ được AMC của các ngân hàng, AMC của Nhà nước hay DATC của Bộ Tài chính làm gì và luật pháp sẽ sửa đổi theo hướng nào để khuyến khích việc mua bán tài sản, nợ xấu thì các nhà đầu tư mới tới và Việt Nam sẽ có được một thị trường nợ khó đòi hoàn hảo", ông Darryl phân tích.
Theo các chuyên gia, nếu ngồi trên đống nợ xấu mà không xử lý, các khoản nợ sẽ sẽ mất từ 20%-40% giá trị. Ảnh: Thanh Lan. |
Đề án thành lập công ty mua bán nợ quốc gia đã được Ngân hàng Nhà nước trình lên Thủ tướng và đang chờ trình Bộ Chính trị thông qua. Đến nay thị trường vẫn chưa được biết về các cơ chế vận hành mua - bán của công ty này. Ông Darryl cũng ví vai trò của Chính phủ, Nhà nước như một người sắp ra sân chơi hợp lý và đưa ra những giải pháp cụ thể để thúc đẩy thị trường như giảm thuế, cải cách thể chế để các giao dịch mua bán được diễn ra nhanh hơn.
Các đại diện đến từ những tổ chức tài chính quốc tế đều nhấn mạnh, tiến độ xử lý nợ xấu của Việt Nam cần được "thúc" nhanh hơn nữa. "Người Trung Quốc có ngạn ngữ, thời điểm tốt nhất để trồng cây là cách đây một năm, ý nói bây giờ dù đã muộn nhưng vẫn là lúc tốt nhất để làm. Tương tự với nợ xấu của Việt Nam, thời điểm tốt nhất để làm đã qua rồi và ngay bây giờ chúng ta phải xử lý nó", ông Darryl Dong đến từ IFC nói.
Dù không đưa ra bình luận cụ thể về ý tưởng công ty mua bán nợ quốc gia của Việt Nam nhưng ông Panos Varangis, Trưởng bộ phận doanh nghiệp vừa và nhỏ, Tiếp cận tài chính của IFC cũng thấy điều quan trọng nhất là phải hành động thật nhanh. "Tùy hoàn cảnh từng quốc gia sẽ chọn ra một giải pháp nhưng cần phải làm thật nhanh bởi cứ ngồi trên một đống nợ một năm nữa không làm gì thì khoản nợ sẽ mất từ 20-40% giá trị", ông Varangis lo ngại.
So sánh giữa các phương pháp xử lý nợ xấu trên bảng cân đối tài sản của các ngân hàng, ông Panos cho rằng xử lý qua công ty quản lý tài sản Nhà nước sẽ có nhiều ưu điểm về tính minh bạch và tích cực về mặt chính trị. Tuy nhiên, chuyên gia này nhấn mạnh, cần phải lập ra những điều khoản, cơ chế rõ ràng khi lựa chọn phương án này.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này nhấn mạnh việc lập công ty quản lý tài sản quốc gia là chưa đủ. "Việc chuyển nợ từ ngân hàng thương mại sang AMC thì vẫn chỉ là chuyển đống nợ từ người này sang người khác còn vấn đề của nền kinh tế chưa được giải quyết. Nên nhớ AMC chỉ là khởi đầu của giải pháp mà thôi", ông Panos Varangis khuyến cáo.
Đồng tình với quan điểm trên, bà Chui Sum Lee - Tổng giám đốc Công ty tư vấn tài chính PricewaterhouseCoopers Malaysia - cho rằng, Việt Nam cần có lộ trình rõ ràng về việc thành lập công ty mua bán nợ nhà nước để xử lý nợ xấu. Ngoài ra, theo bà cần có sự thay đổi về mặt luật pháp để hỗ trợ công ty AMC. Bà Chui Sum Lee dẫn chứng kinh nghiệm từ Trung Quốc. "Để thúc đẩy hoạt động mua bán nợ xấu, từ năm 2005, Trung Quốc cho phép khối ngoại đầu tư vào nợ xấu được phép chuyển lợi nhuận thu được về nước mình để khuyến khích", bà nói.
Đại diện đến từ Malaysia cũng nhắc đến các phương án hỗ trợ và khuyến khích thị trường mua bán nợ xấu liên quan đến thuế. Theo bà, tại Malaysia cũng như ở Thái Lan, khi muốn truy hồi nợ hay xóa nợ thì khoản nợ gốc chắc chắn không bị tính thuế. "Tuy nhiên, nếu một nhà đầu tư mua khoản nợ xấu với mức giáo 20 đồng, sau này thu về 40 đồng thì họ vẫn bị đánh thuế 20 đồng. Malaysia coi nợ xấu như chứng khoán thông thường và vẫn tính thuế", bà Chui Sum Lee thông tin thêm.
Thanh Thanh Lan