Thứ tư, 3/1/2018, 05:00 (GMT+7)

5 năm vực dậy ngân hàng của 'ông Phú Doji'

Lấn sân làm ngân hàng đúng lúc không còn "sốt dẻo" nhưng ông Đỗ Minh Phú vẫn đưa nhà băng yếu kém hồi phục bằng những tố chất hiếm có của một "ông trùm" kinh doanh vàng.

"Kể ra nếu có phép thần nào mà thành lập một ngân hàng mới ngay từ đầu thay vì phải đi giải cứu thế này, chắc chắn tôi sẽ đi nhanh hơn", ông Đỗ Minh Phú đã nói như vậy trong cuộc toạ đàm Leader Talk cuối năm với các nhân viên của Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) và Công ty Vàng bạc đá quý DOJI.

Người đàn ông sinh năm 1953, xuất thân từ một gia đình nhiều đời làm doanh nhân, tự cho mình là kẻ không may mắn lắm trong kinh doanh. Ông nói không may bởi cả vàng lẫn ngân hàng, ông đều bước chân vào với rất nhiều khó khăn, thậm chí khi thị trường đang gần như khủng hoảng chứ không phải được "dọn sẵn mâm cao cỗ đầy".

Nếu với vàng, DOJI ra đời những năm 2000, sau các công ty đàn anh khác, có tên tuổi trên thị trường tới cả chục năm. Lúc đó, thói quen mua vàng của Công ty SJC (trước đây) đã ăn sâu vào tâm trí người dân.

Ông Đỗ Minh Phú trong cuộc họp Đại hội cổ đông đầu tiên với TPBank kể từ khi nhận tái cơ cấu.

Tương tự, với ngân hàng, bài "sát hạch" đầu tiên cho ông Đỗ Minh Phú để bước chân vào lĩnh vực này lại là TienPhongBank (tên cũ của TPBank), một trong những nhà băng bị "liệt" vào danh sách "yếu kém", buộc phải tự cơ cấu. Quyết định làm ngân hàng, khởi đầu cùng với TienPhongBank ông Phú gọi là "lao đầu vào đá" với những nhiệm vụ rất khó khả thi. "TienPhongBank lúc ấy đang có 3 thứ mà tôi gọi là 3 'không': Không có cách chuẩn để phát triển một ngân hàng thương mại; Không có đội ngũ lãnh đạo đủ năng lực và Không có công nghệ nào", ông Phú nói.

Theo tôi, may mắn không thể thiếu trong kinh doanh. Thế nhưng, may mắn không làm thay cho tất cả. Nếu nó đến đúng lúc có những yếu tố khác cộng hưởng, sẽ tạo nên thành công ngoài tưởng tượng. Nhưng đến sai thời điểm, có thể làm chúng ta dễ dàng hài lòng với chính mình.

Mồ hôi 5 năm và 10% cân nặng với TPBank

Năm 2012, ông Đỗ Minh Phú chính thức bắt tay tái cơ cấu TPBank. Năm tháng ấy, ông vẫn béo tốt, có da có thịt và chưa một lần phải bước chân vào bệnh viện.

"Thế mà sau 5 năm, tôi đã mất 10% trọng lượng cơ thể. Thời gian ở TPBank không chỉ đơn thuần là mồ hôi, nước mắt mà còn có nhiều sự đánh đổi lớn", ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch TPBank nhớ lại.

Ông kể, 5 năm chưa có lúc nào lên được giường trước 12h đêm. Từ chỗ chưa bao giờ vào viện, ông có đợt phải trải qua cuộc phẫu thuật dạ dày với 12 ngày nằm bất động không ăn không uống. Đồng thời, 5 năm tái cơ cấu TPBank là thời gian "ông Phú DOJI" sau này mới thừa nhận với các nhân viên DOJI, chỉ dành một phần ba thời gian làm việc ở doanh nghiệp vàng, còn lại ông đổ phần lớn tâm huyết để đưa TPBank hồi phục, trở lại đường đua.

Chất banker trong ông trùm buôn vàng

Trong giới ngân hàng không thiếu những ông chủ "tay ngang", vốn không xuất phát từ dân tài chính ngân hàng thành danh. Nhưng "gã" tay ngang thành công với khởi đầu từ một ngân hàng yếu kém, có lẽ mới có "ông Phú DOJI".

Thực tế, ông Phú làm ngân hàng bằng chính những tố chất hiếm có của một người kinh doanh vàng sừng sỏ. Hơn hai mươi năm làm vàng, ông Phú quá hiểu người kinh doanh vàng hay tiền không nên chạy theo cảm xúc. Chứng kiến những đợt sóng lên xuống của vàng nhiều năm, ông rèn luyện được tố chất không quá nôn nóng với thị trường nhưng cũng không được chai lỳ với mọi biến động về giá.

Ông Đỗ Minh Phú: Đừng cố bắt đáy, dò đỉnh khi kinh doanh vàng!

"Bạn phải biết trong tay đang có bao nhiêu vàng, bao nhiêu tiền để làm những nghiệp vụ kinh doanh đó. Đừng bao giờ bán tất cả số vàng đang có trong két. Cũng đừng cố đón đỉnh hay bắt đáy làm gì bởi rất khó biết chúng đang ở đâu", ông Phú nêu một vài nguyên tắc.

Chính ông cũng từng một lần thất bại vì những quyết định kinh doanh "cảm xúc". Bố mẹ người Hà Nội nhưng ít ai biết nơi ông Phú chào đời chính là tại một xã nghèo tên Minh Phú ở Yên Bái. Trong lần trở lại nơi "chôn rau cắt rốn", ông đã quyết định sẽ khai thác đá quý Ruby tại đây. 

"Hồi ấy tôi quyết làm, hoàn toàn theo con tim, cảm xúc cá nhân chỉ lối trong khi tài nguyên ở khu vực đó thú thật quá phân tán, có khi rửa cả quả đồi mà chưa chắc ra được nổi một viên đá quý. Chưa kể, nếu có thấy, viên đá quý nặng 1 kg ở đó chưa chắc đã giá trị bằng một viên đá khác bé như hạt ngô", ông kể.

Và ông Phú thất bại, ngay tại mảnh đất mình được sinh ra. "Giờ nhìn lại tôi càng thấy chính lần thất bại ấy đã dạy cho tôi những lối đi. Đến lúc làm ngân hàng, tôi càng thấm việc không để cảm xúc chi phối", người đàn ông tóc muối tiêu đã quá "trải" với sự lấp lánh của vàng nói.

Ông Đỗ Minh Phú chia sẻ với nhân viên về quan niệm sống, triết lý kinh doanh

Ông Đỗ Minh Phú nói về triết lý kinh doanh
 
 

Làm ngân hàng, theo ông Phú, sự lý trí sẽ giúp từ chối những cám dỗ. "Ngày nào cũng nhìn thấy tiền, rút tiền ra quá dễ và những sai lầm có chủ ý chứ không phải vô tình ngày càng xảy ra khá phổ biến ở những nơi tuân thủ kém. Để tránh tâm lý bất an, tôi nghĩ những người làm ngân hàng trước tiên nên tự tạo vòng kim cô trên đầu cho mình, cứ làm nghiêm túc và đúng quy trình", ông nói.

Tương tự, kinh nghiệm thương thảo giá đá quý thời làm DOJI với những thương nhân "máu mặt" nhất từ Ấn Độ, Israel cũng là chìa khoá giúp ông có những thắng lợi trên bàn đàm phán cho các thương vụ cho TPBank sau này. Theo ông Phú, trước khi đàm phán cần biết mình muốn gì và tìm hiểu kỹ đối tác là ai. Ngoài ra, ông cho rằng nên biết lợi thế của bản thân khi đàm phán, kể cả khi TPBank đang gặp khó khăn 5 năm trước, ông cũng nhìn ra những lợi thế của nó để thuyết phục đối tác.

Chuyện DOJI và TPBank

Trong suốt buổi Leader Talk trực tuyến kéo dài hơn 4 tiếng đồng hồ với hàng chục nghìn nhân viên hai đơn vị, ông Phú khá nhiều lần nhận được những câu hỏi đầy tính so sánh của hai bên. Kiểu như, "Giữa TPBank và DOJI, ông đổ mồ hôi cho bên nào hơn" hay "nhân viên của DOJI có được ưu đãi khi mua cổ phiếu TPBank"... Câu nào ông Phú cũng sẵn sàng trả lời thẳng thắn, ngay cả với chuyện thu nhập của nhân sự hai bên. Ông không ngần ngại nói rằng, chế độ lương ở TPBank cao hơn DOJI, ngay cả khi ở cùng một vị trí.

Dù cùng một ông chủ nhưng lương của nhân viên TPBank cao hơn DOJI.

Ông giải thích, cơ chế trả lương của DOJI và TPBank về cơ bản đáp ứng nguyên tắc 4P: Performance - hoạt động như nào, hiệu quả ra sao. Position - vị trí ở đâu, xếp hạng ở đâu trong hệ thống nhân sự. Profession - khả năng, bằng cấp, trình độ. Place – vùng miền khác nhau. Tuy nhiên, riêng hệ thống TPBank, ông Phú còn đưa ra một tiêu chí "P" khác là Protection bởi đặc thù khốc liệt, rủi ro của ngành này.

"Tôi không đánh giá anh em TPBank làm áp lực hơn DOJI đâu, vì anh chị em khối doanh nghiệp cũng có trách nhiệm như thế, thậm chí cao hơn. Nhưng cạnh tranh của thị trường lao động ngân hàng quả là khốc liệt hơn. Hình như trong cặp đi làm của các nhân viên ngân hàng lúc nào cũng có sẵn bộ CV xin việc vào đâu đó", ông Phú giải thích.

Vì vậy, với TPBank, ông trả lương cao hơn để bảo vệ và bù đắp cho họ trước những câu kéo của thị trường lao động ở ngân hàng trước những rủi ro, khốc liệt để giữ chân họ.

Quyết định ở lại TPBank

Từ tháng 4/2018, sau khi Đại hội cổ đông thường niên của TPBank được tổ chức, ông Đỗ Minh Phú sẽ chính thức thôi chức Chủ tịch HĐQT DOJI, để đáp ứng yêu cầu của Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi mới có hiệu lực từ đầu năm nay. Theo đó, Chủ tịch HĐQT của một ngân hàng không còn được kiêm nhiệm vị trí Chủ tịch tại một doanh nghiệp khác. 

Và mới đây, ông Phú đã trực tiếp chia sẻ quyết định của mình với cán bộ nhân viên của DOJI và TPBank. 

Dù DOJI là nơi tạo nên tên tuổi cũng như phong cách doanh nhân nhưng ông Đỗ Minh Phú cho rằng TPBank - với chặng đường sắp tới có thể "bớt phẳng phiu hơn DOJI" sẽ cần mình hơn. Dẫu vậy, ông khẳng định, niềm đam mê, tình yêu với DOJI hay trang sức vẫn y nguyên như ngày đầu. 

"Người ta vẫn nói rằng con người có thể thay đổi nhiều bộ trang phục khác nhau nhưng chiếc áo lót mình sẽ luôn ở bên họ", ông Phú ví von khi nói về cả hai "đứa con tinh thần" DOJI, TPBank.

Thanh Thanh Lan