Sony triển lãm một loạt TV công nghệ OLED tại triển lãm CES diễn ra trong tháng 1. Ảnh: Engadget. |
OLED, gần đây đã sớm bước ra khỏi phòng thí nghiệm để trở thành thành phẩm thực tiễn, và xuất hiện khá nhiều tại triển lãm Điện tử tiêu dùng quốc tế CES tháng 1 năm nay. Công nghệ màn hình này hứa hẹn sẽ trở thành một thị trường mới có trị giá nhiều tỷ "đô". Ngay trong năm 2007 này, thị trường OLED được kỳ vọng sẽ đạt doanh thu 1,4 tỷ Mỹ kim.
Các bài liên quan |
*CMO triển lãm màn hình OLED 25" |
*5 công nghệ màn hình mới lạ |
*Samsung rót 450 triệu USD vào OLED |
Các màn hình sử dụng LED hữu cơ (organic light-emitting diode) được làm từ các tấm polymer cực mỏng có thể tự phát ra ánh sáng khi có dòng điện chạy qua. Công nghệ này đã được ứng dụng làm màn hình phụ của điện thoại di động dáng gập, một số mẫu máy nghe nhạc số MP3, dao cạo điện, và máy ảnh Kodak.
Kodak là một trong các hãng đầu tiên phát triển công nghệ hiển thị OLED. Hiện nay nhiều công ty khác như Sony, Samsung cũng bắt đầu ứng dụng OLED vào việc tạo ra các TV mỏng; còn hãng General Electric dùng công nghệ này để phát triển ra các loại thiết bị chiếu sáng trong nhà giúp tiết kiệm điện. Độ mỏng mảnh và khả năng tiết kiệm điện cũng làm OLED trở thành lựa chọn chế tạo ra các loại monitor cho máy tính để bàn và xách tay hiệu quả.
"OLED hấp dẫn tất cả các lĩnh vực thiết bị số cần tới màn hình: từ điện thoại di động, biển báo, máy tính, đến màn hình TV. Trước hết là bởi nó cho hình ảnh sáng đẹp và rực rỡ", ông Lawrence Gasman, một nhà phân tích kỳ cựu của NanoMarkets, cho hay.
Không những thế, OLED lại không cần tới đèn nền, trong khi ở công nghệ hiển thị LCD lại yêu cầu phải có. Thế mạnh tiết kiệm điện của OLED so với LCD cũng một phần nhờ đặc tính này mà có, theo ông Gasman.
Mẫu TV OLED mà Sony phát triển có đường chéo 27", đạt độ tương phản lên tới 1.000.000:1, tiếp nhận tín hiệu 1080p, và có dải màu > 100% dải màu của hệ truyền hình màu NTSC. Ảnh: Engadget. |
Mặt khác, OLED cũng hứa hẹn chi phí chế tạo thấp hơn. Hiện nay, việc sản xuất các màn hình OLED không quá phức tạp như màn hình tinh thể lỏng, mặc dù cũng phải trải qua các quá trình xử lý tương tự, Gasman cho biết.
Sony tiết lộ sang năm 2008 có thể hãng sẽ cho thương mại hóa một số mẫu TV OLED, nhưng chưa kỳ vọng TV này sẽ có mặt đại trà. Các công ty hiện nay đang rót nặng vốn vào các nhà máy LCD và không dễ gì có thể chuyển ngay sang công nghệ OLED, ông Gasman nhận định.
"Bất kỳ một công nghệ mới đến nào cũng cần một khoảng thời gian quá độ, nhất là với mặt hàng TV. Nếu như chu kỳ thay điện thoại di động của mọi người trung bình là 18 tháng thì với TV khoảng thời gian này lâu hơn rất nhiều", ông Gasman nói.
T.B. (theo Cnet)