E-510 là một trong hai mẫu D-SLR giá rẻ mới nhất của Olympus. |
Giờ đây, khi việc sử dụng máy ảnh compact đã trở nên quá dễ dàng và quen thuộc, nhiều người quyết định chuyển sang dùng máy ảnh số ống kính đơn (D-SLR) nhằm nâng cao tay nghề và có được những bức ảnh đẹp hơn. Tuy nhiên, những người mới "chơi" D-SLR thường gặp không ít khó khăn, bởi loại máy mới có thiết kế và cách vận hành khác rất nhiều so với loại máy du lịch mà họ đã từng dùng. Nắm bắt được nỗi băn khoăn này, các nhà sản xuất máy ảnh gần đây đã có cách tiếp cận khác đối với những khách hàng tiềm năng của các dòng D-SLR đời thấp.
Cách mà Olympus làm với hai dòng D-SLR mới nhất, E-410 và E-510, là trang bị cho chúng chế độ ngắm ảnh sống LiveView thông qua màn hình LCD, khiến chúng trở nên quen thuộc hơn với những người đã quen sử dụng máy ảnh compact. Thêm vào đó, cả hai mẫu D-SLR đời thấp này đều được trang bị khá nhiều chế độ cảnh mặc định, giúp cho những người chưa thạo chỉnh tay vẫn có thể chụp được những bức ảnh đẹp. Dĩ nhiên, ngoài những chế độ mặc định sẵn, Olympus E-510 vẫn được cung cấp đầy đủ các tính năng chỉnh tay giống như ở những dòng D-SLR khác.
Thiết kế
Thân máy E-510 đồ sộ hơn so với E-410. Ảnh: Dpreview. |
Olympus xếp E-510 cao hơn một chút so với E-410, nhưng cả hai đều được xem là sự lựa chọn lý tưởng cho những người mới chuyển sang dùng D-SLR. Thông thường, những đối tượng khách hàng này thích được sở hữu một chiếc D-SLR có thiết kế đậm tính truyền thống. Khác với thiết kế gần giống máy compact của E-410, E-510 lại có phần tay cầm nhô lên khá cao, khiến thân hình trở nên to lớn, đồ sộ hơn. Không chỉ vậy, E-510 còn được trang bị một hệ thống ổn định ảnh kiểu cơ, hoạt động theo cơ chế dịch chuyển cảm biến, thứ mà E-410 còn thiếu.
Thông thường thì những chiếc máy ảnh số ống kính đơn được trang bị thêm một màn hình LCD con để hiển thị những thông số như tốc độ trập, độ mở và độ nhạy sáng. Tuy nhiên, giống như hầu hết những mẫu D-SLR đời thấp mới ra, Olympus E-510 không được trang bị màn hình con này. Thay vào đó, người sử dụng chỉ có thể biết được những thông tin trên thông qua màn hình LCD chính duy nhất. Tuy nhiên, như để bù đắp cho sự thiếu thốn đó, giao diện của E-510 được thiết kế rất hợp lý, giúp người sử dụng có thể thay đổi những thông số mặc định một cách hết sức nhanh chóng và dễ dàng.
E-510 chỉ có duy nhất một màn hình LCD. Ảnh: Dpreview. |
Ngoài ra, Olympus E-510 còn cung cấp cho người dùng đầy đủ những phím bấm trực tiếp giúp thay đổi những cài đặt chung, như độ nhạy sáng, chế độ cân bằng trắng và chế độ tự động lấy nét. Cách bố trí các nút điều khiển trên bề mặt máy cũng khá hợp lý, khiến cho người dùng cảm thấy vô cùng thoải mái khi vận hành. Mặc dù vậy, giống với hầu hết những mẫu D-SLR đời thấp khác, E-510 có thân máy khá ngắn, khiến cho ngón tay út của người sử dụng thường bị thừa ra khi cầm máy.
Tính năng
Các tin liên quan |
*Olympus Mju 770SW chống sốc và chống nước |
*Olympus SP 550UZ - zoom 'khủng' |
*Olympus Mju 780 tăng 'nội lực' |
Hiệu quả của chế độ ngắm ảnh sống LiveView trong E-510 khá cao, nhưng vẫn không thể sánh với khi sử dụng kính ngắm quang, hoặc thậm chí là khi ngắm qua màn hình ở những chiếc máy compact. Cơ chế vận hành chế độ LiveView ở chiếc D-SLR này khá phức tạp, do đó, tốc độ hoạt động chậm và bị nhiễu khá nhiều.
Bên cạnh đó, nếu muốn máy có thể tự động lấy nét trong khi đang ở trong chế độ LiveView, người dùng phải giữ phím AEL/AFL để kích hoạt, khiến tốc độ chụp cũng bị giảm xuống đáng kể. Còn nếu muốn lấy nét bằng tay, người chụp có thể zoom vào vật thể để lấy nét. Người chụp có thể lựa chọn khu vực mà mình muốn phóng đại để lấy nét hoặc để máy tự động lấy nét tại khu vực đó bằng cách: bấm nút INFO, sau khi màn hình hiện lên một ô nhỏ màu xanh, người chụp sẽ di chuyển ô vuông đó xung quanh khung hình nhờ các những phím định hướng, rồi lựa chọn khu vực lấy nét ưng ý.
E-510 có khá nhiều lựa chọn về ống kính. Ảnh: Popphoto. |
Do cảm biến LiveMOS 10 Megapixel của E-510 được mặc định ở tỷ lệ khung hình 4:3 nên chiếc camera này được trang bị thêm một hệ thống giúp nhân đôi hệ số tiêu cự của ống kính. Ví dụ, ống kính 14 - 42 mm, f3,5 - f5,6 có thể hoạt động như một chiếc ống kính 28 - 84 mm. Hoặc chiếc ống kính 40 - 150 mm, f4,0 - f5,6, nhờ có hệ thống nhân đôi tiêu cự, sẽ có hiệu quả hoạt động ngang ngửa ống kính 80 - 300 mm. Đây quả là một dải tiêu cự đáng mơ ước đối với một chiếc D-SLR đời thấp.
Olympus cũng bán kèm với E-510 một chiếc ống kính thẳng không phải dạng mắt cá, có dải tiêu cự 7 - 14 mm, khẩu độ f4,0, nhưng giá thành của nó gần bằng với giá của thân máy. Trong khi đó, chiếc ống kính 11 - 22 mm, f2,8 - f3,5 có giá chưa đến một nửa so với chiếc 7 - 14 mm.
Mặc dù có đích nhắm đến là những người mới chuyển sang dùng máy ảnh số ống kính đơn nhưng E-510 vẫn được trang bị những tính năng chỉnh tay hết sức hấp dẫn. Ví dụ, người chụp có thể sử dụng phím Fn để quản lý một loạt những chức năng khác nhau của máy, trong đó có những tính năng hết sức hấp dẫn, như tự thiết lập một chế độ chụp mặc định riêng (My Mode) bằng cách lưu lại những thông số cài đặt tùy thích.
Hoạt động
E-510 có tốc độ hoạt động khá cao. Ảnh: Cnet. |
Olympus E-510 hoạt động khá tốt trong những lần chụp thử nghiệm. Chỉ mất 1,3 giây, máy đã khởi động xong và hoàn tất bức ảnh đầu tiên. Trong những lần chụp sau đó, E-510 đạt tốc độ 0,6 giây/bức ảnh khi tắt flash, còn nếu bật flash, thời gian chờ trung bình giữa hai lần chụp là 0,9 giây. Với định dạng ảnh RAW, tốc độ chụp trung bình của máy là 0,8 giây/bức ảnh trong điều kiện không sử dụng flash.
Màn trập chỉ mất 0,4 giây để đóng trong điều kiện chụp có nhiều ánh sáng, độ tương phản cao. Ngược lại, trong điều kiện độ nhạy sáng thấp, thời gian đóng cửa trập lên tới 1,3 giây. Trong chế độ chụp liên tiếp, E-510 có tốc độ trung bình 3,1 khung hình/giây đối với cỡ ảnh nhỏ nhất. Còn với những bức ảnh để ở mặc định độ phân giải tối đa, tốc độ chụp liên tiếp của máy là 2,9 khung hình/giây.
Chất lượng ảnh
Ảnh chụp bởi E-510 vẫn gặp một số vấn đề như ở E-410. Ảnh: Cnet. |
Mặc dù có thể chụp được những bức ảnh chất lượng rất cao, nhưng Olympus E-510 vẫn gặp phải một số vấn đề như đã từng thấy ở E-410. Trong chế độ Program và ở phiên bản firmware 1.0, ảnh chụp bởi E-510 sau khi in ra cho cảm giác như ảnh phim rửa non hoặc ảnh chụp bị mờ. Nếu chuyển bộ lọc nhiễu sang mức "Low" hoặc mức "Off", hoặc sử dụng máy ở một chế độ khác không phải chế độ Program, những vấn đề nêu trên sẽ được giải quyết một cách ổn thỏa.
Khi chụp trong điều kiện ánh sáng rực rỡ, hệ thống cân bằng trắng của E-510 có xu hướng làm cho bức ảnh trở nên quá nóng. Tình hình có thể sẽ khá khẩm hơn nếu chuyển sang chế độ chụp mặc định dưới ánh sáng đèn vonfram được cài sẵn trong máy, hoặc tốt nhất chuyển sang chế độ cân bằng trắng chỉnh tay. Nhiều người có lẽ sẽ cảm thấy ngạc nhiên pha chút thất vọng, khi biết rằng dòng máy rẻ tiền FE cũng của Olympus có khả năng tự động điều chỉnh độ cân bằng trắng khá tốt.
E-510 kiểm soát tốt lượng nhiễu gây ra do độ nhạy sáng. Ảnh: Popphoto. |
Tuy nhiên, bù lại, E-510 có thể kiểm soát tốt lượng nhiễu gây ra do độ nhạy sáng cao. Dù cho nhiễu bắt đầu xuất hiện nhiều ở ISO 800 và trở nên rõ ràng hơn ở mức ISO cao nhất là 1.600, người sử dụng vẫn có thể in ra những bức ảnh với chất lượng khá cao. Tuy nhiên, độ nhạy sáng tối đa chỉ dừng ở mức ISO 1.600 lại được xem là một điều đáng tiếc ở E-510, khi mà hầu hết những mẫu máy D-SLR đời thấp khác đều có độ nhạy sáng tối đa lên đến ISO 3.200.
Tuy không thể sánh với Nikon D40x về chất lượng ảnh, nhưng nếu cảm thấy thích thú với chế độ ngắm ảnh sống thông qua màn hình LCD hoặc hệ thống ổn định ảnh quang, những thứ mà nhiều đối thủ (trong đó có Nikon D40x) vẫn còn thiếu, thì Olympus E-510 vẫn là một lựa chọn đáng để suy nghĩ.
Giá tham khảo tại Việt Nam cho bộ kit gồm thân máy và 2 ống kính 14 - 22 mm và 40 - 150 mm là 689 USD (chưa bao gồm VAT).
Anh Linh (theo Cnet)