|
Điện thoại Chocolate của LG (trái) và phiên bản hàng "Tàu". Ảnh: Chosunilbo. |
Khi hãng LG tung ra thị trường Trung Quốc loại điện thoại di động thời trang Chocolate hồi tháng 5, thì trên thực tế các bản sao đã xuất hiện trước đó một thời gian khá lâu. Sản phẩm này ban đầu được phát hành tại Hàn Quốc cuối tháng 11 năm ngoái nhưng nhà sản xuất bỏ thêm 3-4 tháng để phát triển một phiên bản khác nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng ở Trung Quốc. Tuy nhiên, có công ty ở nước này ngay lập tức tung ra một phiên bản bắt chước Chocolate trước khi hàng hiệu ra mắt thị trường nội địa. Nhiều người tiêu dùng thậm chí còn nghĩ chính LG sản xuất hàng giả, một đại diện thương mại của hãng điện tử Hàn Quốc nói. Chúng tôi thực sự kinh ngạc khi tận mắt nhìn thấy sản phẩm 'ăn theo' Chocolate: giống hệt cả về kiểu dáng và kết cấu.
|
Máy game di động PSP của Sony (trên) và sản phẩm do Trung Quốc làm. Ảnh: Chosunilbo. |
Những thông tin gần đây trên Internet xoay quanh sự ra đời của máy chơi game mang chức năng điện thoại cũng cho thấy đẳng cấp nhái hàng của Trung Quốc đã phát triển tới tầm cỡ nào. Khi trên mạng mới phong phanh xuất hiện dư luận cho rằng Sony đang thiết kế một phụ kiện dành cho máy chơi game di động PlayStation Portable (PSP) để cho phép thiết bị này thực hiện được chức năng hội thoại di động, thì trên thực tế đã có một công ty Trung Quốc phát hành sản phẩm đúng như ý tưởng này. Đáng nói là chiếc điện thoại/máy game made-in-China kia được bán với giá 650 USD, tức là đắt ngang với điện thoại cao cấp của Samsung hoặc Sony Ericsson.
*ĐTDĐ Trung Quốc tràn vào Việt Nam |
*Nhái mẫu Nokia, công ty Trung Quốc bị kiện |
*Điện thoại rởm tại Trung Quốc chỉ 25 USD |
Nhiều doanh nghiệp ở Trung Quốc cho biết họ gần như không thể làm được gì nhiều trong việc đương đầu với "ngành công nghiệp làm hàng ăn theo hùng mạnh" ở nước này. Hầu hết các đơn vị sản xuất đồ "nhái" thương hiệu nổi tiếng đều là những công ty nhỏ và nhà chức trách rất khó xử lý vì họ làm ăn theo kiểu du kích. Số công ty kiểu này khá đông và có chung đặc điểm là: thuê kỹ sư trình độ cao để làm hàng bắt chước với chất lượng không kém mấy so với hàng chính hiệu và phát hành sớm hơn 1-2 tháng. Mỗi hãng thường có đội ngũ khoảng 20-40 người chuyên sao chép bảng vi mạch ngay khi hàng "xịn" mới chỉ trưng bày giới thiệu. Sau đó mẫu này được chuyển tới cho một đơn vị sản xuất để làm ra khoảng 20.000-30.000 chiếc và rồi tất cả cùng biến mất.
Samsung gần đây đã phát hiện một tổ chức làm hàng như vậy sau khi xác định được kênh phân phối của họ. Công ty điện tử Hàn Quốc đã mời các nhà thiết kế "đồ nhái" tài năng ở đó về làm việc nhưng đã nhận được lời từ chối thẳng thừng. Các kỹ sư này cho biết họ có thể kiếm được 100-200 nghìn USD mỗi lần chế tạo thành công một mẫu sản phẩm bắt chước. Vì thế, mức lương tháng dù rất cao cũng không thể quyến rũ được họ.
Một đại diện của Samsung kết luận: Trước tình hình sản phẩm sao chép gia tăng mạnh như vậy, điều quan trọng nhất mà các nhà sản xuất phải thực hiện là đảm bảo tuyệt mật thông tin kỹ thuật và thiết kế của sản phẩm mới trước khi phát hành.
(Theo VnExpress)