Bị các sản phẩm đối thủ nhiều hào quang như Pioneer PDP-5000EX (đại diện cho TV Plasma) hay Sony Bravia X (tiêu biểu cho TV LCD) làm lu mờ, máy chiếu đang cố gắng làm mới mình để níu kéo các "thượng đế" trước nguy cơ bị thất sủng hoàn toàn. Nếu như các hãng TV mỏng đang nâng dần mật độ TV Full HD, thì thế giới máy chiếu cũng đạt được hình ảnh siêu nét nhờ độ phân giải 2 triệu điểm ảnh tương đương. Thiết bị hiển thị đầy cơ động này còn có hai thế mạnh nữa là khả năng cho khung hình cực lớn (300 inch) và cảm giác cùng các hiệu ứng như xem phim ngoài rạp.
Các bài liên quan |
*Thị trường máy chiếu 'hết nhiệt' |
*Toshiba ET20 - rạp 'xi-nê' di động |
*Máy chiếu Panasonic PT-AX100 |
Trong nhánh máy chiếu công nghệ SXRD (một biến thể của công nghệ LCoS), có máy chiếu VPL-VW50 mới nhất của Sony, còn có tên thân mật là Ngọc trai (Pearl). Có bộ tính năng gần giống bậc tiền bối cao cấp hơn VW100, máy chiếu độ nét cao 1080p "Ngọc trai" chỉ khác là sử dụng đèn chiếu Xenon độc đáo (tìm thấy trong đèn pha xe hơi) thay vì đèn công suất cao (UHP) truyền thống. Nhỏ gọn hơn và cũng không kém phần quyến rũ, Ngọc trai rinh ngay vị trí á quân trong khi giá bán 5.090 USD khá cạnh tranh so với các màn hình đối thủ LCD và DLP loại Full HD màn hình lớn.
Đại diện cho phe công nghệ DLP là chiếc BenQ W10000 ra mắt từ triển lãm công nghệ thông tin Computex 2006. Một trong những nét mới của V10000 là chip DarkChip3 mới nhất của Texas Instrument giúp nó có một chân trong danh sách này. Cạnh tranh với viên "Ngọc trai" của Sony, BenQ cũng đề xuất mức giá bán y hệt.
Máy chiếu HD81 của Optpma cũng sử dụng công nghệ xử lý ánh sáng số DLP và chip mới nhất của TI. Tuy nhiên, nét khác biệt là Optoma đã tách mạch xử lý video ra khỏi thân máy với một cáp nối trung gian duy nhất, tránh hiện tượng quá tải cáp nối vừa vướng víu vừa lãng phí. HD81 còn hỗ trợ đồng thời nối với 3 thiết bị nguồn dùng cổng ra HDMI và 4 thiết bị khác theo cổng nối có độ nét cao thứ nhì, component-video.
Gần với giá bán của một TV LCD 42" Full HD là chiếc máy chiếu sử dụng công nghệ trùng tên Mitsubishi HC5000, giá khoảng 4.200 USD. Sử dụng chip xử lý ảnh D6 LCD của Epson, máy chiếu này đứng ngang hàng với máy chiếu Sony SXRD về hệ số tương phản (10.000:1). Thế mạnh của máy chiếu Mitsubishi còn nằm ở bộ xử lý chuyên nghiệp HQV và khả năng dịch ống kính linh hoạt. Nếu bạn cần nhiều cổng kết nối hơn, hãy để ý đến chiếc Panasonic PT-AE1000 với hai cổng HDMI.
Nếu như bạn chưa cần thiết phải trang bị các máy chiếu Full-HD đắt đỏ cho rạp phim tại gia, máy chiếu chỉ tương thích HD ví như chiếc Epson EMP-TW1000 cũng là một ứng viên thay thế không tồi. Còn nếu bạn khăng khăng muốn đón đầu thời đại, dưới đây là danh sách 6 máy chiếu 1080p đầu bảng.
1. Sony VPL-VW100
![]() |
VW100 được coi là viên ngọc Ruby của Sony. |
Thế mạnh của VW100 là cho chất lượng video đứng đầu, bộ thông số, tính năng thời thượng, kết nối dễ dàng, thiết kế đẹp phong cách, chỉnh zoom, lấy nét, dịch ống kính linh hoạt nhờ động cơ, menu dễ hiểu, có mẫu thử tích hợp sẵn và hỗ trợ nối mạng. Nó chỉ bị phàn nàn vì độ sáng 800:1 lumen là mức trung bình và ngoại hình hơi quá khổ.
Điểm đánh giá: 8,3/10.
2. Sony VPL-VW50
VW50 ăn điểm nhờ giá thành khá thấp với một máy chiếu 1080p; giải mã màu khá tốt, độ sáng khá cao, cho hình ảnh 1080p chi tiết, hình ảnh có thể điều chỉnh ở mức chuyên sâu và phong phú các lựa chọn kết nối. Máy chiếu SXRD này bị trừ điểm vì màu sắc các màu sơ cấp và thứ cấp chưa hoàn hảo. Mặc dù chất lượng hình ảnh của Sony VPL-VW50 chưa phải là đầu bảng, nó vẫn là một trong những máy chiếu 1080p đáng đồng tiền bát gạo.
Điểm đánh giá: 7,5/10.
3. BenQ W10000
![]() |
W10000 đạt độ tương phản 10.000:1 và độ sáng 1.200 lumen, thích nghi hiển thị cả trong phòng có ánh sáng mạnh. |
Như đã nói ở trên W10000 được trang bị chip xử lý ảnh mới nhất DarkChip3 của Texas Instrument, cho phép đạt độ tương phản 10.000:1 và độ sáng lên tới 1.200 lumen, cao với một máy chiếu phim tại gia. Độ sáng cao cho phép W10000 thích nghi hiển thị trong phòng có nguồn sáng mạnh.
4. Optoma HD81
![]() |
HD81 được trang bị 3 cổng HDMI và 4 cổng component. |
Độ phân giải 1080p sớm lan nhanh sang thế giới máy chiếu màn hình lớn. Nối gót sản phẩm đoạt giải thiết kế Sony Ruby đứng đầu phe công nghệ SXRD, Mitsubishi MC-5000, BenQ W10000 và Optoma HD81 là những đại diện cho hai công nghệ còn lại (DLP và LCD). Trong đó, HD81 là một máy chiếu DLP gọn gàng thú vị, bởi cùng đạt độ phân giải Full HD, lại có tới 3 cổng HDMI. Tính năng độc đáo khác ở máy chiếu này là mạch xử lý tín hiệu video được tách riêng bên ngoài, và kết nối với thân máy qua một cáp HDMI duy nhất khiến hình ảnh luôn mượt và máy chiếu khá gọn gàng.
5. Mitsubishi HC5000
![]() |
HC5000 cho hình ảnh trong trẻo, sắc nét dù ngoại hình không mấy ấn tượng. |
HC5000 cho hình ảnh trong trẻo hiếm thấy, tương thích với nguồn chất lượng cao nhất, 1080p, có cổng PC kỹ thuật số DVI và bộ xử lý video cao cấp. Điểm yếu của sản phẩm là thiết kế ngoại hình đơn điệu nhàm chán, menu thiếu thân thiện, các chức năng sử dụng động cơ thay đổi thất thường. Nhìn chung, Mitsubish HC5000 không được liệt vào hàng ngũ máy chiếu 1080p xinh xắn nhất, nhưng lại xuất sắc trên tiêu chí cốt yếu là chất lượng ảnh.
Điểm đánh giá: 8/10.
6. Panasonic PT-AE1000
![]() |
AE1000 là máy chiếu Full HD đầu tiên của Panasonic. |
Trong quá khứ, Panasonic từng rất thành công với nhánh sản phẩm máy chiếu cho rạp hát tại gia. Một trong những sản phẩm mà hãng "để đời" (đoạt danh hiệu Editors' Choice danh giá của Cnet) là PT-AE700 và chiếc AX100 mới hơn. Với bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết bị hiển thị, hãng đến từ xứ hoa anh đào gần đây tung ra khá nhiều sản phẩm đáng chú ý. Trong số đó phải kể tới PT-AE1000, chip 3LCD độ phân giải 1080p, là máy chiếu full-HD đầu tiên của Panasonic.
T.B. (theo Cnet)
Ảnh: Cnet