![]() |
Sự phát triển nhanh chóng của thị trường di động đang đặt ra những thách thức mới cho các nhà quản lý. |
Những vấn đề nóng bỏng trên đã được đưa ra bàn thảo tại buổi tọa đàm do CLB Nhà báo công nghệ thông tin tổ chức tại Hà Nội ngày 7/7 vừa qua với chủ đề: Bùng nổ thị trường thông tin di động và những vấn đề đặt ra.
Theo Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Trần Đức Lai, đến hết năm nay, Việt Nam sẽ đạt mật độ chung cho cả điện thoại cố định và di động khoảng 16-17% trong đó có khoảng 8-9% là di động.
Đến năm 2010, với tốc độ phát triển như hiện nay, dự báo mật độ điện thoại của Việt Nam sẽ đạt khoảng 40% trong đó di động đạt khoảng 25%. Riêng trong lĩnh vực thông tin di động, Việt Nam đang phát triển mỗi năm hơn 4 triệu thuê bao và dự báo sẽ đạt khoảng 25 triệu thuê bao vào năm 2010.
Ngay tại buổi tọa đàm, câu chuyện giải pháp cho vấn đề kết nối và đề nghị giảm cước di động của VNPT vẫn trở thành mối quan tâm của các doanh nghiệp và các nhà báo.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Viettel, nhấn mạnh: Câu chuyện kết nối đã xảy ra 5 năm rồi mà thực sự chúng ta không giải được câu chuyện này thì các doanh nghiệp mới sẽ không phát triển được. Bản chất ở đây là sự chênh lệch giữa thuê bao của doanh nghiệp cũ và doanh nghiệp mới. Tức là cứ khoảng 20 cuộc gọi di động của thuê bao Viettel thì có tới 19 cuộc gọi sang Vinaphone và MobiFone. Còn khi đã có số lượng thuê bao tương ứng thì chắc chuyện này đã không xảy ra.
Đại diện cho một doanh nghiệp mới khác là S-Fone - bà Trương Thị Tố Lan - cũng đề nghị: Nhà nước nên có lộ trình cụ thể về giảm giá cước đối với doanh nghiệp Nhà nước có thị phần khống chế để không ảnh hưởng tiêu cực tới các nhà khai thác mới. Hiện tại S-Fone đang bán giá dịch vụ dưới giá thành do chi phí thuê cơ sở hạ tầng và định phí còn quá cao.
Do đó, giá cước mới của VNPT đang trình lên Bộ nếu được phê duyệt sẽ đẩy doanh nghiệp mới vào khả năng mất thị trường, do không thể tiếp tục giảm giá và cũng không thể tiếp tục cuộc đua.
Đại diện cho VNPT, ông Bùi Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm Thông tin lại phản ứng: đáng lẽ Nhà nước phải có chính sách về thuế và đặc biệt là phí cấp phép và vấn đề tạo cơ sở hạ tầng cho doanh nghiệp chứ không phải là tìm mọi cách để doanh nghiệp lớn bé đi để doanh nghiệp bé to lên. Đây là quan điểm hoàn toàn ngược mà vấn đề là làm thế nào để các doanh nghiệp cùng phát triển. Đối với di động, chỉ từ 400.000 thuê bao trở lên là đã có lãi và vì vậy yêu cầu giảm giá là cần thiết.
Bình luận về mối quan hệ giữa doanh nghiệp cũ và doanh nghiệp mới, về vấn đề kết nối và đề nghị giảm cước của VNPT, ông Nguyễn Quang A - chuyên gia về công nghệ thông tin và viễn thông - cho rằng: Nếu chúng ta không khéo thì giống như đồng cỏ chung, mạnh ông nào ông ấy lùa, mà ra sức cạnh tranh, không lo cho đồng cỏ cho đến khi sạch cỏ thì chết hết. Chính vì vậy, vì quyền lợi của của người tiêu dùng, Bộ Bưu chính Viễn thông cần phải rất cứng tay trong việc kiểm soát chặt giá cước của doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế.
Với những gì đã và đang xảy ra trong sự bùng nổ của thị trường thông tin di động, trong vấn đề kết nối và giá cước, vai trò của Bộ Bưu chính Viễn thông càng trở nên nặng nề hơn, nhất là trong bối cảnh xuất hiện các doanh nghiệp mới và nhiều người vẫn còn quan niệm Bộ vẫn đỡ cho đứa con đẻ của mình là VNPT.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Trần Đức Lai khẳng định: chủ trương của Bộ là thúc đẩy cạnh tranh nhưng không khuyến khích các doanh nghiệp cạnh tranh nhau bằng giá cước. Nếu thả giá cước thì chắc chắn sẽ có sự tiêu diệt lẫn nhau và vì vậy, phải quản lý chặt giá cước của doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế.
Theo ông Lai, thực tế, Bộ cũng đã khống chế giá cước của VNPT và điều này cũng đã làm cho VNPT rất khó chịu với Bộ. Cũng vì vậy mà Bộ vẫn đang trong quá trình xem xét tờ trình giảm cước của VNPT.
Trong thời gian tới, Bộ Bưu chính Viễn thông sẽ tiếp tục chỉ đạo để giải tỏa các bức xúc của các doanh nghiệp. Trước hết, Bộ sẽ tiếp tục rà soát lại cơ chế nhất là về kết nối để ban hành đầy đủ và cập nhật hơn.
Đặc biệt, Bộ sẽ tăng cường giám sát việc kết nối bằng việc thành lập tổ đặc trách về vấn đề này, đồng thời cũng sẽ tiếp tục trình Chính phủ đề tháo gỡ về cơ chế thủ tục đầu tư.
(Theo TBKTVN)