TV LCD Bravia tại Sony Center Hoàn Kiếm, đường Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ảnh: Thanh Vân |
Plasma và LCD chứa đựng những ưu điểm vốn lại là nhược điểm cố hữu của CRT: đó là kiểu dáng mảnh mai, trọng lượng siêu nhẹ, trong khi CRT vừa to lớn lại cồng kềnh. Các TV Plasma và LCD nếu trước đây vẫn còn bị chê bai là tuổi thọ màn hình thấp, góc nhìn hẹp, hình ảnh, màu sắc thiếu trung thực (LCD)... thì giờ đây các điểm yếu này đã được cải thiện đáng kể. Giá thành của sản phẩm cũng không còn là trở ngại quá lớn, đặc biệt là TV LCD. Ngoài ưu điểm về hình dáng, TV mỏng còn có thể tăng trưởng kích thước màn hình lên đáng kể mà chiều dày và trọng lượng của chúng không tăng lên như với TV bóng đèn hình. Các TV mỏng hầu hết có thể được treo tường.
*Đế chế LCD |
*TV mỏng xuống thang |
*Thế giới 'TV mỏng' chạy đua |
*'Tam tấu' LCD của Mitsustar |
*Sony kỳ vọng vào Bravia |
Về kích thước, TV Plasma đã vượt qua rào cản 100. Samsung và LG cùng chế tạo thành công với các màn hình 102. Panasonic đầu năm nay cũng trình làng mẫu TV Plasma 103. LCD Samsung cũng đạt được kích thước 82. Và mới đây, LG còn tiết lộ xúc tiến phát triển mẫu TV LCD đường chéo đạt tròn 100 để trình làng tại triển lãm CeBit tháng 3 tới. Thế giới TV mỏng dần được hoàn thiện từng ngày bởi hàng loạt những sản phẩm với thông số độ phân giải, độ tương phản, góc nhìn, thời gian đáp ứng liên tục được tung ra trong năm qua.
Thay đổi cấu trúc nội thất
TV mỏng còn làm thay đổi bộ mặt của phòng khách hay rạp chiếu phim của mỗi gia đình ngày nay. Nếu như trước đây, căn phòng luôn cần hệ thống nội thất cồng kềnh, đặc biệt là chiếc bàn để TV luôn phải thật chắc chắn tương xứng với chiếc TV bóng đèn hình. TV có kích thước càng lớn chiếc bàn này càng phải có khả năng chịu tải tương đương, cho nên chiếm dụng nhiều không gian phòng khách. Nhưng ngày nay, chiếc bàn đó giờ chỉ còn quan trọng về chiều rộng, còn chiều sâu thu hẹp lại đáng kể. Nếu bạn chọn phương án treo tường, chiếc bàn để TV không còn vai trò gì nữa, nhất là khi mà cả dàn home theater cũng đã được đưa lên các giá và móc gắn tường để tiết kiệm không gian.
Chiếc bàn để TV mỏng cũng mảnh dẻ, chiếm dụng ít không gian hơn. (Cnet) |
Các hãng nước ngoài như Panasonic, Sharp, Toshiba, Pioneer, LG, Samsung, Sony đã bước vào thị trường Việt Nam từ vài năm nay, nhưng ban đầu không gây được ấn tượng với người Việt bởi công nghệ còn quá mới mẻ, chủng loại sản phẩm còn sơ sài, giá thành quá chênh lệch với TV truyền thống trong khi số lượng các đại lý giới thiệu sản phẩm chưa nhiều. Tuy nhiên, trong năm qua chủng loại mặt hàng này trở nên cực kỳ phong phú, mẫu mã ngày càng đẹp, mạng lưới đại lý rộng khắp cùng với sự xuất hiện ngày càng nhiều hãng tham gia, tạo nên cuộc chạy đua thực sự nóng bỏng. Tác dụng của cuộc đua tranh này là giá bán của chủng loại TV chảnh này đã giảm đi đáng kể, khoảng 30-50% so với thời gian đầu, đặc biệt là TV LCD.
Cuối năm qua, Sony đã tung vào thị trường Việt Nam một loạt TV LCD mang thương hiệu Bravia, mở màn cuộc chiến giá cả. Bravia có chất lượng Nhật nhưng giá chỉ tương đương với hàng Đài Loan và Hàn Quốc. Động thái này mở ra một cuộc chiến về giá đầy khốc liệt. Theo đó, nhất loạt các hãng TV mỏng nước ngoài đều buộc phải giảm giá để canh tranh, hòng tồn tại và gia tăng thị phần.
Theo một khảo sát của Số hoá trong 3 tuần (từ ngày 5/1/2006), 50,4% trên tổng số 1.145 độc giả được hỏi đều mong muốn trang bị cho phòng khách của họ TV LCD, trong khi đó có 373 người (32,6%) mơ ước TV Plasma. TV truyền thống chỉ nhận được 123 phiếu lựa chọn. Thật ngạc nhiên là loại hình TV máy chiếu có màn hình lớn, không lôi kéo được nhiều người dùng bởi số người bình chọn cho công nghệ này chỉ chiếm 3,3%.
SED là một công nghệ khá mới, và chưa có mặt rộng rãi trên các thị trường, cho nên việc không có nhiều người lựa chọn (1,9%) cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Số phiếu không chọn bất cứ phương án dùng TV nào trong các hạng mục trên chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, 1%.
Kết quả biểu quyết. |
Hàng nội nhập cuộc
Các hãng trong nước đã bắt tay vào cuộc khi nhận thấy tương lai rộng mở của TV mỏng. Mitsutar bước vào thị trường với tam tấu dòng H giá cực hấp dẫn. Trong đó phiên bản 32, model H26V6, có giá chỉ 25,9 triệu đồng. Viettronic Tân Bình cũng tung ra dòng TV LCD Lyra với các mẫu 26 và 32, trong khi tầm 26 có giá chỉ khoảng 21,5 triệu đồng. Công ty Minh Việt cũng giới thiệu dòng TV LCD Mvision với kích thước lớn nhất 37. Viettronic Biên Hoà cũng tuyên bố gia nhập thị trường này. Đây là động thái rất đáng khích lệ.
Mặc dù vậy, giá bán của TV mỏng của thị trường Việt Nam so với thị trường thế giới như Nhật, Mỹ, Đài Loan, Trung Quốc vẫn còn khá cao, kể cả hàng nội. Khoảng cách so với TV bóng đèn hình còn khá xa. Trong khi ở các nước nói trên, có nhiều mẫu TV mỏng chỉ nhỉnh hoặc ngang bằng với TV truyền thống.
H37V6 - Mẫu TV LCD 37" của công ty Mitsustar. (Mitsustar) |
Theo nhận định của tổng giám đốc Sony Việt Nam, năm nay thị trường Việt Nam sẽ tiêu thụ khoảng 30.000-40.000 chiếc TV LCD. Tuy nhiên, nếu nhìn vào nhu cầu của người dùng và một khi các hãng sản xuất trong và ngoài nước tích cực đẩy giá bán thân thiện với đại đa số người dùng, doanh số thực tế có thể sẽ lớn hơn rất nhiều.
Bảng giá một số mẫu TV LCD tầm 32":
Thương hiệu |
Tên sản phẩm |
Giá (đồng) |
Sharp |
LC-32G1M |
46.000.000 |
LG |
32LX2R |
29.900.000 |
Sony |
KLV-S32A10 |
39.900.000 |
JVC |
LTZ32SX4B |
49.900.000 |
Mitsustar |
H32V6 |
25.900.000 |
BenQ |
DV3250 |
32.000.000 |
Philips |
32PF9966 |
55.500.000 |
T.B.