Tính tiện dụng mà máy ảnh số bình dân mang lại hiện nay quả thật khó có thể phủ nhận. Nhưng những người yêu thích nhiếp ảnh lại hay mơ đến những máy ảnh số cao cấp D-SLR có khả năng thay đổi ống kính. Vấn đề bây giờ là bạn phải xác định mình sẽ theo con đường nào của nhiếp ảnh để chọn đúng dòng máy mình cần.
Canon Powershot Pro 1. |
SLR và TTL là những thuật ngữ của máy ảnh cơ truyền thống trước đây và bắt đầu thông dụng đối với các dòng máy số cao cấp hiện nay. SLR (Single Lens Reflex - phản chiếu ống kính đơn) và TTL (Through The Lens - qua ống kính) phản ánh đúng nghĩa đen của nó về cơ chế ngắm ảnh. Khi bạn nhìn vào khuôn ngắm máy ảnh (view finder), bạn nhìn thấy cảnh vật trước mắt qua chính ống kính trên máy bạn đang cầm, đó là lý do cho thuật ngữ TTL. Cảnh vật sau khi đi qua ống kính, gặp một gương nghiêng 450 phản chiếu toàn bộ khung cảnh lên một lăng kính năm mặt (prism) nằm phía trên cùng của máy (thường ở ngay phía dưới của đế cắm đèn ngoài) rồi phản chiếu lại ra khuôn ngắm, đó chính là lý do cho SLR. Do vậy, máy cơ truyền thống còn được gọi là máy SLR, và những máy ảnh số chuyên nghiệp có thể thay thế ống kính như các máy SLR được gọi là D-SLR (D viết tắt của Digital).
Đối với các máy ống kính rời, hay D-SLR, do cơ chế TTL, hình ảnh bạn nhìn thấy trong khuôn ngắm chính là hình ảnh mà ống kính máy ảnh của bạn nhìn thấy nên bạn nhìn thấy gì thì cảnh vật đó sẽ xuất hiện trên ảnh, nói cách khác, tầm bao phủ (coverage) của khuôn ngắm so với hình ảnh cuối cùng đạt 100%.
Đối với những máy ống kính liền, khung cảnh bạn nhìn thấy qua khuôn ngắm không trùng khít với khung cảnh mà ống kính nhìn thấy do hai bộ phận này tách rời nhau. Do đó khi chụp ảnh, hình ảnh thực tế so với hình ảnh nhìn thấy thường là lệch hoặc thiếu hụt. Chính vì lý do đó thông số kỹ thuật của khuôn ngắm bao giờ cũng đề cập đến tầm bao phủ được bao nhiêu phần trăm của ảnh thực tế (thường là 80-90%).
Đối với những máy số ống kính liền hiện đại hơn (thường được gọi là prosumer, sự kết hợp của các tính năng chuyên nghiệp (professional) và giá cả lại hướng tới bình dân (consumer), khuôn ngắm của máy cũng có thể bao trùm được 100% ảnh thực tế. Do khuôn ngắm này cũng hiển thị những gì mà ống kính nhìn thấy nên đôi khi bạn có thể thấy người ta cũng gọi máy này thuộc dạng SLR. Tuy nhiên thực tế là khung cảnh sau khi đi qua ống kính, ngoài việc hiển thị lên màn LCD sau máy, sẽ hiển thị thêm một màn hình LCD nhỏ khác ở đúng vị trí của khuôn nhìn. Những máy này vì thế có khuôn ngắm điện tử EVF (Electronic View Finder) chứ không phải là SLR vì thực tế không có cái gì được phản chiếu (reflex) ở đây cả.
Dưới đây là những ưu và nhược điểm của cả máy số ống kính liền và máy số ống kính rời (D-SLR)
Máy số ống kính liền:
Ưu điểm:
- Rất đa dạng về chủng loại. Bạn có thể lựa chọn trong số vô vàn các loại máy có trên thị trường với mức giá, kiểu dạng, hình thức hay độ phân giải tùy ý bạn thích.
- Một số loại máy ống kính liền cao cấp (prosumer) cũng có nhiều chức năng tùy biến tiện dụng không kém các máy D-SLR (ví dụ Canon Powershot Pro1 hay Nikon Coolpix 8800).
- Các máy ống kính liền có thể có độ phân giải cao, ống kính zoom ngày càng lớn (hiện nay lên tới 15x, tương đương 28-420 mm) mà lại vẫn giữ được hình dáng tương đối gọn nhẹ, giúp bạn dễ dàng mang đi xa hơn.
- Những máy prosumer cũng cung cấp các adapter cho ống tele hay góc rộng hoặc các adapter cho các loại kính lọc, giúp bạn thỏa sức sáng tạo hơn.
Nhược điểm:
- Trừ những dòng máy prosumer, các máy số bình dân thường không có nhiều chức năng tiên tiến như các máy D-SLR.
- Những máy ống kính liền thường có chip cảm quang nhỏ hơn, điểm ảnh nhỏ hơn nên chất lượng ảnh ở cùng độ phân giải không thể bằng D-SLR, đặc biệt khi bạn đặt chế độ nhạy phim (ISO) cao và chụp trong điều kiện thiếu sáng.
- Kể cả những máy được trang bị các adapter tele hay góc rộng cũng không thể so sánh được với sự đa dạng của các loại ống kính sẵn có trên thị trường cho máy SLR.
- Khi chụp ảnh cận cảnh, do khuôn nhìn không phải là TTL nên để đạt được độ chính xác khuôn hình cần chụp, bạn phải dùng màn LCD. Hệ quả là máy sẽ tiêu tốn pin hơn và để nhìn được màn LCD, bạn phải để máy ra xa khỏi người, dễ bị rung hơn.
- Đối với những máy có khuôn nhìn điện tử EVF, khuôn hình có chính xác hơn nhưng do độ phân giải màn hình nhỏ này không cao nên khi căn nét sẽ nhìn khó khăn hơn. Mặt khác do là màn hiển thị điện tử nên không tránh khỏi hiện tượng trễ hình khi bấm máy, khiến cho việc căn đuổi theo đối tượng để chụp ảnh liên tục (như trong thể thao) cũng trở nên khó nhìn hơn.
Máy D-SLR:
Ưu điểm:
- Tốc độ khởi động nói chung bao giờ cũng nhanh hơn, gần như tức thời. Mặt khác không có độ trễ giữa lúc bấm máy và của trập nên bạn có thể chụp được những khoảnh khắc đáng nhớ (ví dụ như một nụ cười, một cái liếc mắt)
- Tốc độ lấy nét nhanh hơn và tốc độ chụp liên tục cũng nhanh hơn. Những máy prosumer hiện nay tuy cũng đã bắt đầu đuổi kịp về những thông số này, tuy nhiên nếu bạn là người hay chụp ảnh thể thao thì D-SLR vẫn là lựa chọn hàng đầu về tốc độ lấy nét và số khuôn hình/giây.
- Hệ thống lấy nét bằng tay (manual) chính xác và tiện dụng hơn nhiều (tuy nhiên một số máy ảnh đời mới như Samsung Pro815 cũng có thể canh nét bằng tay trên ống kính).
- Bạn có thể nhìn thấy chính xác bạn đang lấy nét ở điểm nào do toàn bộ khung hình bạn nhìn chính là do ống kính phản chiếu lại cho bạn. Điều này khó có thể thực hiện được với khuôn nhìn độc lập hay thậm chí cả EVF hay LCD do độ phân giải màn hình quá thấp.
- Một máy D-SLR 6 triệu điểm ảnh có thể có một tấm ảnh đẹp hơn cả máy ống kính liền 8 triệu điểm ảnh. Chính do chip cảm quang to hơn, điểm ảnh to hơn mà khi phóng ảnh cỡ lớn, ảnh do D-SLR chụp ít suy giảm về chất lượng, ít bị sạn, đặc biệt những ảnh chụp trong điều kiện ánh sáng yếu hoặc những ảnh cần độ nhạy ISO cao.
- Số lượng ống kính có thể thay thế của máy D-SLR nhiều vô kể, đủ các chủng loại từ siêu rộng (14 mm) tới siêu tele (1.000 mm) đủ phục vụ cho mọi nhu cầu nảy sinh của bạn. Điều này có được do các nhà sản xuất ống kính rời khác nhau (Canon, Nikon, Sigma, Tamron, Vivitar) đã có một lịch sử phục vụ đủ dài cho nhu cầu nhiếp ảnh của các máy cơ SLR từ nhiều năm nay.
Nhược điểm:
- Do kích cỡ thường cồng kềnh hơn, và nếu bạn lại muốn mang theo một số ống kính nữa thì đống máy ảnh sẽ lỉnh kỉnh hơn, khi đi xa bạn sẽ ngại mang đi hơn, như vậy ít có cơ hội chụp ảnh đẹp hơn.
- Các tính năng của máy do có quá nhiều tùy biến và nhiều tính năng tiên tiến nên lại khó dùng hơn.
- Trừ các máy D-SLR cao cấp, các máy D-SLR tầm trung mặc dù có chip cảm quang to hơn máy số thường nhưng vẫn bé hơn cỡ phim của máy cơ thường (24x36 mm). Điều này khiến cho nếu bạn lắp các ống kính của máy cơ sẽ phải nhân lên một tỷ lệ tiêu cự nhất định tùy hãng máy (Nikon D70 phải nhân với 1.5 chẳng hạn). Điều này tuy hay đối với những người thích chụp tele (vì ống có tiêu cự 400 ở máy thường thành tiêu cự 600 (400x1.5) ở máy D-SLR) nhưng đối với những người thích chụp góc rộng thì lại là một ác mộng (đang ống 28 trở thành ống 33, muốn có ống 28 bạn phải mua ống góc rộng tới 17 với một cái giá cắt cổ).
Như vậy, có thể thấy các máy số ống kính liền hiện thời đã bắt đầu dẫn trước với rất nhiều ưu điểm, cả về giá cả lẫn tính năng. Ngay cả đối với những người thích theo nghiệp nhiếp ảnh cũng có những dòng máy prosumer cao cấp đủ đáp ứng được nhiều yêu cầu khắt khe. Tuy nhiên máy D-SLR vẫn có một vị trí khó đánh bại do các khả năng điều chỉnh tùy biến nghười dùng cao, tính năng tiên tiến, độ tin cậy cao hơn và chất lượng hình ảnh thường tốt hơn. Tất nhiên là những lợi thế này còn phải tùy thuộc vào mục đích và túi tiền của bạn. Nếu bạn thực sự muốn theo đuổi và quyết gắn mình với nhiếp ảnh, hoặc những yêu cầu của bạn về chất lượng ảnh, độ trung thực ảnh rất khắt khe thì D-SLR là lựa chọn số một. Theo đuổi nó gắn liền với việc sẵn sàng móc hầu bao cho những nâng cấp mới theo thời gian: ống kính chất lượng cao hơn, đắt tiền hơn, kính lọc nhiều hơn...
Nhưng nếu như bạn không phải là người thích phóng ảnh to mỗi khi chụp, hay không thường xuyên chụp thể thao hay dưới điều kiện thiếu sáng, không yêu cầu quá khắt khe về ảnh, thích tính gọn nhẹ, thì một máy prosumer với một ống kính trong khoảng 28-200 mm hay 35-200 mm lại là một lựa chọn hợp lý hơn.
Nguyễn Hà