Hệ thống ổn định ảnh quang học là một trong các phương pháp chống mờ ảnh do lỗi rung máy. Trong hình là chiếc siêu zoom Canon S3 IS. Ảnh: iphoto. |
Ổn định ảnh là địa chỉ của một trong những chức năng chống mờ ảnh do lỗi rung máy đặc biệt là do người dùng hay bị run tay. Trước đây, nhiều người nghĩ tằng ảnh mờ là do ống kính không tốt hoặc đổ lỗi cho hệ thống cơ khí tự động lấy nét, nhưng một phần có thể tay bạn không cầm chắc máy.
Rung máy là vấn đề thường gặp ở hầu hết những nhiếp ảnh gia dù chuyên hay không chuyên, nhất là khi bạn phải chụp trong điều kiện thiếu sáng hoặc phải chỉnh zoom ống kính đến mốc giới hạn. Nếu trong điều kiện này, bạn cần phải cài đặt tốc độ mở cửa trập chậm hơn và yêu cầu cầm máy chờ lâu hơn. Sử dụng ống kính zoom xa để phóng đại chủ thể cũng gây ra những dao động nhỏ của cổ tay, khiến cho máy bị dịch chuyển, mất ổn định.
Một bí quyết gần đúng giúp tạo ảnh nét trong trường hợp này là tăng tốc độ mở cửa trập, thông thường nên để nhanh hơn nghịch đảo của độ dài tiêu cự. Chẳng hạn nếu bạn muốn chụp ảnh nét ở tiêu cự 300mm, cần phải đặt tốc độ mở cửa trập nhanh hơn 1/300 giây...
*Máy ảnh bán chạy tháng 12/2006 |
*Máy ảnh số 'hot' nhất 2006 |
*5 camera số bán chuyên đắt hàng |
Bạn cũng có thể tránh lỗi ảnh mờ do run tay bằng cách sử dụng chân đế nhưng phương án này không phải lúc nào cũng khả thi vì thiếu tính cơ động. Các máy ảnh được trang bị hệ thống ổn định ảnh là cách khác để tự động bù lại những dịch chuyển của máy. Hầu hết là sử dụng hệ thống ổn định ảnh quang học (dịch ống kính), một kiểu để ống kính lơ lửng kết nối với một con quay hồi chuyển để phát hiện các động tác run của bàn tay. Khi tay bị rung, hệ thống tự động dịch chuyển theo hướng duy trì sự ổn định của hình trên cảm biến ảnh.
Nguyên lý ổn định ảnh quang học đang được sử dụng trong các máy ảnh và ống kính gắn hậu tố IS (Image stabilization) của Canon, ống kính VR (Vibration Reduction) của Nikon và dòng máy ảnh với chức năng Mega OIS (Mega Optical Image stabilization) của Panasonic...
Một vài hệ thống khác đạt được tác dụng tương tự nhưng sử dụng nguyên lý dịch cảm biến thay vì dịch ống kính, nhưng cách này hay được dùng trong máy ảnh chuyên nghiệp. Chẳng hạn hệ thống Anti-Shake của Konica Minolta, và công nghệ này đang được sử dụng cho máy ảnh D-SLR đầu tay của Sony Alpha 100.
Hệ thống ổn định ảnh không phải là phương thuốc duy nhất dành cho tất cả các căn bệnh rung máy, nhưng hữu ích khi chụp ảnh trong tình huống cần "câu giờ" như trong điều kiện thiếu sáng mà không được phép sử dụng flash, hoặc đẩy ống kính siêu zoom ra mức xa nhất để chụp thế giới động vật hoang dã mà không làm kinh động tới chúng. Chức năng này để bạn giảm tốc độ mở cửa trập từ hai đến 3 lần, tức là thay vì cần tốc độ mở cửa trập 1/1.000 giây, bạn có thể để tốc độ chớp sáng 1/250 giây hoặc thậm chí 1/125 giây.
Canon Digital IXUS 850 IS (553 USD)
Ixus 850 IS quyến rũ bởi cảm biến nhiều chấm ống kính chụp góc rộng và hệ thống ổn định ảnh kiểu dịch ống kính. Ảnh: Details.zol. |
Với cảm biến ảnh nhiều điểm ảnh hơn, ống kính chụp góc rộng và hệ thống ổn định ảnh quang học, Canon Digital Ixus 850 IS được coi là sự tiếp nối đầy hứa hẹn của "bậc tiền bối" ra mắt từ mùa xuân, có thiết kế đã khá hoàn hảo và vẫn đang được chuộng là Ixus 800 IS.
Trong thực thi, 850 IS tỏ ra khá nhanh nhẹn hoạt bát. Tuy nhiên, sản phẩm bị phàn nàn vì ít các chức năng chỉnh tay và cho ảnh nhiễu ở mức nhạy sáng ISO 1.600. Tóm lại, thân hình quyến rũ, ống kính góc rộng, cho ảnh cực tốt và thực thi nhanh chóng khiến Canon Digital Ixus 850 IS trở thành máy ảnh point-and-shoot "hot" nhất hiện nay.
Điểm đánh giá: 7,8/10
Canon PowerShot S3 IS (10,2 triệu đồng)
Máy ảnh siêu zoom S3 IS nổi bật với zoom quang 12x và hệ thống ổn định ảnh quang học. Ảnh: Cnet. |
Máy ảnh siêu zoom S3 IS nhận được những lời ca ngợi về thiết kế thoải mái tiện dụng, zoom quang lên tới 12x cùng với hệ thống ổn định quang học, đáp ứng khá nhanh ở mọi ứng dụng, có chế độ chụp liên tiếp không giới hạn số lượng ở tốc độ 1,5 hình/giây; chụp siêu cận cảnh 0 cm; và hỗ trợ cả phương án sử dụng pin khô AA.
S3 IS chỉ bị phàn nàn về nắp ống kính khó lắp, màn hình LCD 2" là hơi nhỏ, không hỗ trợ định dạng file ảnh RAW; chụp ảnh ở mức ISO 800 không nét. Nói chung, như sản phẩm đời trước, Canon PowerShot S3 IS là một món hời dành cho các tay máy bán chuyên chuộng ống kính zoom quang 12x và khả năng thể hiện đầy ấn tượng. Điểm đánh giá: 7,6/10.
Panasonic Lumix DMC-FX01 (5,2 triệu đồng)
FX01 có ống kính chụp góc rộng và hệ thống ổn định ảnh hai chức năng. Ảnh: ifoto. |
Máy ảnh này được trang bị ống kính chụp góc rộng 28 mm; khả năng quay video định dạng rộng 30 hình/giây; bộ ổn định ảnh hai chức năng; màn hình LCD góc nhìn rộng; có thể sử dụng pin và bộ nạp giống FX9 và FX8.
Tuy nhiên, FX01 bị chê là thiếu các chức năng chỉnh tay hay ống ngắm quang học; nhiễu đường viền đáng kể với ống kính chụp góc rộng 28 mm; quang sai màu ở viền ảnh; không thể chọn độ nhạy sáng theo sở thích ở chế độ nhạy sáng cao - High Sensitivity mode. Tóm lại, Lumix FX01 tự hào là một máy ảnh gọn nhẹ hiện thân mức cao của đời trước cả về thiết kế và tính năng mặc dù điểm tổng thể cho chất lượng ảnh lại có phần đuối hơn.
Điểm đánh giá: 7,8/10.
Sony Cyber-shot DSC-T10 (6,2 triệu đồng)
Sony T10 nổi tiếng về kiểu dáng mảnh mai, thiết kế đẹp quyến rũ. Ảnh: Sony-style. |
Thế mạnh của T10 chính là ngoại hình nhỏ nhắn với thiết kế quyến rũ, hệ thống ổn định ảnh quang học giúp chống nhoà hình và khả năng thực thi nhanh chóng.
Nhược điểm của sản phẩm là ống kính tác động chơi chậm chạp lại không rộng lắm với độ mở F3.5 và khoảng tiêu cự 38 mm (quy đổi theo máy ảnh phim 35 mm). Tuy nhiên, Sony Cyber-shot DSC-T10 hướng về người dùng nghiệp dư cần một máy ảnh số tự động loại bỏ túi xinh xắn như trang sức với nhiều màu vỏ trẻ trung để lựa chọn trong khi chất lượng ảnh chụp cũng khá tươm tất.
Điểm đánh giá: 7,8/10
Sony Cyber-shot DSC-T50 (6,99 triệu đồng)
Máy ảnh thời trang điệu đà 7 "chấm" T50 là bản nâng cấp của T30 với màn hình cảm ứng rộng 3". Ảnh: Popphoto. |
T50 có hệ thống ổn định ảnh hiệu quả, chất lượng ảnh khả quan, bộ nhớ trong khá dồi dào 58 MB. Máy ảnh 7 chấm này chỉ bị phàn nàn về khẩu độ mở tối đa F3.5 của ống kính thực thi chậm chạp, quá lệ thuộc vào màn hình cảm ứng 3". Tóm lại, Sony Cyber-shot DSC-T50 giữ lại những tính năng ưu việt của DSC-T30, nhưng thêm giao diện màn hình cảm ứng khiến nó trở thành kén khách, bởi tầm giá vừa đội lên mà không phải ai cũng thích hoặc quen dùng giao diện điều khiển loại này.
Điểm đánh giá: 7,6/10
T.B. (theo Cnet)