1.Margarita Louis-Dreyfus
Tổng tài sản: 6 tỷ USD
Quốc tịch: Thụy Sĩ
Nguồn thu nhập: Kinh doanh hàng hóa
Margarita Louis-Dreyfus tiếp quản vị trí chủ tịch của công ty cổ phần Louis Dreyfus, sau khi chủ tịch cũ là chồng bà qua đời năm 2009. Là một phụ nữ Nga ở tuổi 50, Margarita đã hướng công ty tập trung trở lại vào nông sản, cũng như huy động 350 triệu USD từ phát hành trái phiếu tại Singapore. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 160 năm, tập đoàn này huy động vốn trên thị trường tự do.
2. Renzo Rosso
Tổng tài sản: 3 tỷ USD
Quốc tịch: Italy
Nguồn thu nhập: Bán lẻ
Renzo Rosso đồng sáng lập hãng quần jeans Diesel 35 năm trước, ở tuổi 23. Từ đó, Diesel đã phát triển thành một thương hiệu phong cách sống với doanh thu 2 tỷ USD năm 2012. Thông qua một công ty cổ phẩn có tên Only The Brave, Rosso đã dành cả thập kỷ chiếm lĩnh cổ phần lớn trong các công ty thời trang nhỏ ở khắp châu Âu như Maison Martin Margiela tại Paris, Viktor & Rolf tại Amsterdam và gần đây nhất, vào tháng 12/2012 là Marni tại Milan.
3. Fernando Belmont
Tổng tài sản: 2,2 tỷ USD
Quốc tịch: Peru
Nguồn thu nhập: Mỹ phẩm
Là chủ nhân của Yanbal International, công ty mỹ phẩm tăng trưởng đột phá với doanh thu ước tính 720 triệu USD. Ông đã mở rộng công ty tới Tây Ban Nha và tám nước Mỹ La Tinh khác.
4. Domenico Dolce & Stefano Gabbana
Tổng tài sản: 2 tỷ USD mỗi người
Quốc tịch: Italy
Nguồn thu nhập: Hãng thời trang Dolce & Gabbana
Bộ đôi nhà thiết kế người Ý Domenico Dolce và Stefano Gabbana gia nhập danh sách tý phú nhờ doanh thu tăng mạnh của Dolce & Gabbana (đạt gần 1,5 tỷ USD năm 2011). Từ khi cặp đôi ra mắt công ty 28 năm trước, phong cách thời trang mạnh mẽ của thương hiệu này, với họa tiết in thú rừng hay lông thú màu hồng, đã trở thành tiêu điểm của các sàn diễn thời trang cũng như các buổi tiệc tùng. Năm 2012, Dolce & Gabbana đã tiến thêm một bước với dòng thời trang couture.
5. Michael Pieper
Tổng tài sản: 2 tỷ USD
Quốc tịch: Thụy Sĩ
Nguồn thu nhập: Dụng cụ nhà bếp
Michael Pieper là chủ tịch tập đoàn Artemis, bao gồm nhà sản xuất hệ thống nhà bếp Franke Artemis. Ông cũng là cổ đông lớn của tập đoàn Feintool, chuyên sản xuất dụng cụ cắt và công nghệ tự động. Thương hiệu Artemis công bố doanh thu 2,4 tỷ USD vào năm 2011.
6. Isabel dos Santos
Tổng tài sản: 2 tỷ USD
Quốc tịch: Angola
Nguồn thu nhập: Nhiều nguồn
Là con cả của vị tổng thống lâu đời Jose Eduardo dos Santos, Isabel dos Santos nắm cổ phần trong một số công ty tại Angola và Bồ Đào Nha. Cô là tỷ phú đầu tiên của nước này và là người phụ nữ giàu nhất châu Phi. Tài sản lớn nhất của cô với trị giá 1 tỷ USD là 25% cổ phần trong Unitel, một trong hai nhà mạng di động tại Angola, nơi cô là thành viên hội đồng quản trị.
7. Lei Jun
Tổng tài sản: 1,75 tỷ USD
Quốc tịch: Trung Quốc
Nguồn thu nhập: Điện thoại thông minh
Được xem như Steve Jobs của Trung Quốc, Lei Jun trở thành tỷ phú năm 2012 nhờ mức định giá tăng vọt của Xiaomi, một trong những công ty smartphone tăng trưởng nhanh nhất nước này. Lei là nhà đồng sáng lập, chủ tịch hội đồng quản trị và CEO của Xiaomi.
8. M.A. Yusuff Ali
Tổng tài sản: 1,5 tỷ USD
Quốc tịch: Ấn Độ
Nguồn thu nhập: Bán lẻ
Ông trùm bán lẻ tại Trung Đông lãnh đạo tập đoàn Lulu, có trụ sở tại Abu Dhabi. Tập đoàn này là chủ nhân của chuỗi cửa hàng bán lẻ Lulu với tổng doanh thu 4,25 tỷ USD, và đã được Deloitte xếp hạng trong số 10 thương hiệu bán lẻ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Ali sinh ra và học tập tại Ấn Độ, sau đó di cư tới Abu Dhabi vào những năm 1970 để tham gia hoạt động bán lẻ của gia đình.
9. Phạm Nhật Vượng
Tổng tài sản: 1,5 tỷ USD
Quốc tịch: Việt Nam
Nguồn thu nhập: Kinh doanh bất động sản
Người sáng lập tập đoàn bất động sản Vingroup là tỷ phú đầu tiên của Việt Nam ở tuổi 44. Ông đã khởi nghiệp từ một doanh nghiệp sản xuất mì ăn liền tại Ukraine.
10. Koh Wee Meng
Tổng tài sản: 1,4 tỷ USD
Quốc tịch: Singapore
Nguồn thu nhập: Bất động sản
Ông vua bất động sản và khách sạn Koh Wee Meng trở thành tỷ phú sau khi cổ phiếu tập đoàn Fragrance Group của ông tăng vọt trong năm ngoái.
Duy Tùng (Theo Forbes)