Ông Lee Kun-hee. Ảnh: Newsweek. |
Trong nhiều thập kỷ qua, những huyền thoại cùng những bê bối tài chính đi kèm đã gần như trở thành quy luật nghiệt ngã với các tập đoàn công nghiệp tên tuổi của Hàn Quốc như Hyundai, Daewoo và hiện nay là Samsung. Những nhà sáng lập hoặc có công tạo dựng được một thương hiệu nổi tiếng này gần như đều khởi đầu từ con số không nhưng sau khi lên đến đỉnh cao lại gặp rắc rối với pháp luật.
Trên thực tế, những tập đoàn công nghiệp mạnh của Hàn Quốc đều nhận được sự ủng hộ rất nhiều từ chính phủ nhằm tạo ra những ngành công nghiệp sống còn cho đất nước. Trong thời kỳ 1960 - 1970, Tổng thống Park Chung-hee đã thực thi chính sách ưu đãi gần như tuyệt đối cho công ty trong nước. Khi đó, hàng hóa bên ngoài, đặc biệt là hàng điện tử, ôtô gần như bị cấm nhập khẩu vào Hàn Quốc; nhà đầu tư nước ngoài được khuyến khích chuyển giao công nghệ. Quan điểm này vẫn tồn tại đến ngày nay.
Tuy nhiên, khi được bảo trợ, lãnh đạo các tập đoàn này đã lạm dụng quyền ưu đãi dẫn đến những bê bối sau khi họ đã trên đỉnh vinh quang. Ngày 5/10 vừa qua, Samsung chính thức bị tố cáo hối lộ, lập quỹ đen với số tiền lên tới cả tỷ USD. Theo tố cáo của cựu Trưởng ban cố vấn pháp lý của Samsung Kim Yong-cheol - tập đoàn này đã lập ra khoảng 1.000 tài khoản do các nhân viên tin cậy đứng tên. Cũng theo tố cáo, Samsung đã hối lộ hàng chục quan chức (trong đó có người của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế quốc gia) để thoát được những vụ bê bối tài chính trước đây với số tiền hàng nghìn USD mỗi lần. Samsung phủ nhận tố cáo của ông Kim. Tuy nhiên, vào hôm qua, Viện Kiểm sát Seoul đã vào cuộc điều tra vụ bê bối quỹ đen của Samsung.
Đây không phải là vụ việc đầu tiên của Samsung cũng như Chủ tịch Lee Kun-hee. Năm 2002, Samsung cũng đã bị tố cáo lập nhiều quỹ đen với tổng số tiền hàng tỷ won dưới dạng trái phiếu nhưng sau đó cuộc điều tra đã bị đình lại vì số tiền trên là một phần trong quỹ cá nhân của Chủ tịch Lee. Năm 2005, Samsung bị pháp luật xử vì tội đã nâng giá ảo với chip máy tính trong thời kỳ 1999 - 2002 để thu lợi bất chính và hòng bóp chết các đối thủ cạnh tranh. Samsung đã bị phạt 345 triệu USD.
Đến năm 2005, tai họa dồn dập đổ xuống gia đình họ Lee, Chủ tịch Lee bị Cơ quan Tình báo quốc gia (NIS) tố cáo đã tài trợ bất hợp pháp 5 triệu USD cho ứng cử viên tổng thống Lee Hoi-chang trong cuộc bầu cử 1997. Tuy nhiên, cuộc điều tra đã không được mở vì vụ án đã hết thời hiệu truy cứu. Tiếp đó, Lee lại bị tố cáo đã chuyển bất hợp pháp một khối lượng khổng lồ tài sản của Samsung cho con trai là Lee Jae-yong. Chuyện này đã xảy ra vào tháng 10/1996 khi Samsung Everland, khu giải trí lớn nhất Hàn Quốc, phát hành 1,28 triệu bản khế ước thay đổi với giá 7.700 won một khế ước. Trong khi giá trên thị trường là 85.000 won một cổ phần.
Người con trai Lee Jae-yong đã mua gần như trọn gói số khế ước này và nhanh chóng chuyển thành cổ phiếu để trở thành cổ đông chính của Samsung Everland với số vốn khoảng 52%. Đến tháng 3/1997, Samsung Electronics cũng phát hành 60 tỷ won khế ước và gia đình Chủ tịch Lee cũng kiếm được 45 tỷ ( tương đương với 45 triệu USD) bằng con đường tương tự.
Tháng 9/2005, do không chịu nổi áp lực của dư luận, Chủ tịch Lee đã sang Mỹ với lý do chữa bệnh và tới tháng 2.2006 mới trở về quê hương. Trong thời gian này, khi cô con gái Lee Yoon-huyn chết (được công bố là tự tử), ông Lee cũng không thể về Hàn Quốc để đưa tang con.
Điều mà người ta quan tâm nhất hiện nay là liệu Samsung có sụp đổ nếu như gia đình Chủ tịch Lee vướng vào vòng lao lý vì những cáo buộc tham nhũng, hối lộ vừa qua. Đến thời điểm hiện nay, theo xếp hạng của Tạp chí Forbes, tài sản của gia đình Chủ tịch Samsung có khoảng 3,4 tỷ USD, xếp hạng thứ 314 trong số những người giàu nhất thế giới (2007). Điều đáng nói là tương lai của gia đình Chủ tịch Samsung có vẻ sẽ không ổn không phải chỉ vì chuyện tố cáo vừa qua mà lại là chuyện tài chính.
Hiện tại, Samsung hoạt động trên 7 lĩnh vực chính là điện tử, chứng khoán, bảo hiểm, hóa dầu, công nghiệp nặng, cơ khí máy móc và giải trí. Trong số các lĩnh vực này, Samsung Everland (công viên giải trí) trên danh nghĩa là một chi nhánh của Samsung nhưng thực chất là công ty của gia đình Chủ tịch Lee Kun-hee.
Trong Samsung Electronics, tổng tài sản của gia đình họ Lee chỉ chiếm 3,3%, nhưng thông qua Everland, gia đình này đã nắm đến 16% cổ phần bởi vòng tròn khép kín trong các hoạt động tài chính, kinh doanh của Samsung: Samsung Everland có 19% cổ phần trong Samsung Life (bảo hiểm), mà công ty này lại có 34,5% cổ phần trong Samsung Credit, 7,2% trong Samsung Electronics.
Tiếp đó, Samsung Electronics lại là nhà đầu tư chủ yếu cho Samsung Credit, rồi công ty này lại quay lại đầu tư 25% vốn cho Samsung Everland. Do vậy, nếu trong hệ thống này có một công ty gặp sự cố thì sẽ ảnh hưởng đến cả hệ thống. Điểm yếu này của Samsung đã được James P.Rooney, CEO của Công ty đầu tư Market Force, nhận xét: "Một số công ty của Samsung hoạt động rất tốt. Tuy nhiên, toàn bộ hệ thống của Samsung đang ở trong tình trạng rất nguy hiểm khi chúng đang được treo trên những sợi dây hết sức mong manh".
Từ năm 1994, Chủ tịch Lee Kun-hee đã bỏ ít nhất 3 tỷ USD cho một dự án liên doanh sản xuất ôtô. Tuy nhiên, liên doanh này gần như bị phá sản bởi cơn khủng hoảng tài chính - tiền tệ khu vực năm 1997. Năm 1999, để trả 2,5 tỷ USD nợ cho dự án ôtô này (hiện vào khoảng 4,7 tỷ USD cả gốc lẫn lãi), Lee đã phải bán 3,5 triệu cổ phần trong Samsung Life cho các chủ nợ. Tháng 12/2005, các chủ nợ (sở hữu 17% Samsung Life) đã kiện Chủ tịch Lee và 22 công ty con khác của Samsung vì cam kết trước đây. Với những "tai họa" liên miên như thế, tổng tài sản của gia đình Lee Kun-hee sẽ không còn được bao nhiêu sau khi trừ đi món nợ này.
Hiện tại, Chính phủ Hàn Quốc đang xem xét đến việc hạn chế việc đầu tư của các công ty tài chính vào các tập đoàn công nghiệp. Theo một dự luật mới đây thì các công ty tài chính Hàn Quốc sẽ không được nắm quá 5% cổ phần trong các tập đoàn công nghiệp. Nếu dự luật được thông qua, Sumsung Life sẽ phải bán bớt 30% trong tổng số cổ phần của họ tại Samsung Electronics. Nếu vậy, khó khăn sẽ lại nối tiếp khó khăn.
(Theo Thanh Niên)