Lâu nay, người ta vẫn tưởng rằng ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Masan cùng nhiều cổ đông lớn khác là những Việt kiều Nga, còn Masan thì là công ty nước ngoài… Thế nhưng, sự thật Masan là một doanh nghiệp Việt và của những ông chủ người Việt sinh sống và làm việc tại VN.
Khi bắt đầu sản xuất mì ăn liền xuất khẩu sang thị trường Nga, ông Quang đã nghĩ rất khác với các doanh nghiệp cùng xuất khẩu mì ăn liền sang thị trường này. "Tại sao Masan lại chỉ sản xuất mì ăn liền cho cộng đồng 200.000 người Việt tại Nga mà bỏ quên đi một thị trường 150 triệu người Nga còn chưa được khai thác", là góc nhìn của ông Quang và những đồng nghiệp tại Masan.
Ông Nguyễn Đăng Quang - người ngoài cùng bên tai trái, tại buổi lễ niêm yết của Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (công ty con của Công ty cổ phần Masan) tại Sở giao dịch chứng khoán TP HCM. Ảnh: Nguyễn Linh. |
Ông Quang bộc bạch: "Chúng tôi thường nói với nhau về câu chuyện 2 người cùng được giao nhiệm vụ đi tìm thị trường cho giày da tại một nước rất lạc hậu ở châu Phi. Một người đi về rất thất vọng và báo cáo: ở đó chẳng có cơ hội nào cả bởi người dân ở đó không quen đi giầy. Người còn lại về thì hồ hởi thông báo: đó là một thị trường khổng lồ, tất cả mọi người đều có 2 chân và chưa ai bán được một đôi giày nào cho họ cả. Những người ở Masan thuộc mẫu thứ 2".
Cũng chính vì thế ông Quang cùng Masan tấn công vào thị trường mì ăn liền và sau đó là tương ớt dành cho người Nga (những người chưa quen ăn mì, tương ớt) chứ không chỉ nhắm vào thị trường người Việt đang sinh sống tại Nga. Kết quả là Masan là công ty Việt Nam thành công nhất về xuất khẩu sang thị trường Nga. Lúc cao điểm, doanh số xuất khẩu của Masan sang thị trường Nga đạt trên 100 triệu USD mỗi năm.
Thành công với thị trường Nga, ông Quang và những người bạn của mình có một bước ngoặt mang tính chiến lược khi xác định lại vị trí của thị trường Việt Nam. "Một công ty Việt Nam không thể trở nên hùng mạnh khi công ty đó không mạnh trên chính đất nước mình", ông Quang tâm sự. Đó cũng là lý do mà Masan tiếp tục triết lý "tất cả mọi người đều có 2 chân và chưa ai bán được một đôi giày nào cho họ cả" với thị trường Việt Nam.
Điểm khác là ông Quang cùng các đồng nghiệp của mình đi tìm những nhu cầu còn "đang nằm ngủ" của những mặt hàng thực phẩm đã có tại Việt Nam nhưng các doanh nghiệp khác chưa khai phá hoặc chưa tạo ra một văn hóa tiêu dùng mới. Nước tương, nước mắm, tương ớt cao cấp Chinsu, nước tương Tam Thái Tử, nước mắm cao cấp Nam Ngư, mì ăn liền cao cấp Omachi… là những sản phẩm tạo dấu ấn nổi bật của Masan trên thị trường.
Chỉ kinh doanh tại Nga một thời gian, chưa bao giờ là Việt kiều nhưng ông Quang cũng như nhiều cổ đông lớn tại Masan bị nhiều người nghĩ là Việt kiều Nga về Việt Nam kinh doanh. Masan là một công ty do những người Việt Nam làm chủ sở hữu lớn nhất (sau khi bán một phần cho các đối tác chiến lược nước ngoài, lúc đầu toàn bộ do người Việt Nam sở hữu) nhưng lại bị nhầm là công ty… nước ngoài.
Ông Quang tâm sự, ông khá tự ái và có phần hơi buồn khi nhiều người vẫn nghĩ Masan là một công ty được điều hành và sở hữu bởi người nước ngoài hoặc Việt kiều.
"Tại sao người ta lại cứ nghĩ rằng chỉ người nước ngoài hoặc Việt kiều thì mới có thể sở hữu và vận hành một công ty lớn thành công nhỉ? Tại sao lại không tin người Việt có thể làm được? Tại sao không nghĩ "Vietnam can do" (Việt Nam làm được) mà cứ nghĩ là Vietnam can't do? (Việt Nam không làm được)", ông Quang trăn trở.
Có lần khi được hỏi về chuyện có phải là Việt kiều Nga về nước kinh doanh không, ông Quang nói: "Không chỉ có tôi mà ở Masan các vị trí quan trọng toàn người Việt Nam, ai cũng có chứng minh thư nhân dân cả mà" và ông Quang cho xem luôn chứng minh thư nhân dân của mình.
Ông Quang ví tâm lý "Vietnam can't do" (người Việt Nam không làm được) như một "lời nguyền" mà ông và những đồng nghiệp của mình phải giúp tất cả những ai gia nhập Masan vượt qua.
Vị Chủ tịch HĐQT của Masan cho rằng: "Nhiều người Việt Nam không làm được, không thành công không bởi họ không có khả năng mà bởi chính vì họ cứ nghĩ rằng mình không làm được. Nếu suy nghĩ "Vietnam can do" (người Việt Nam có thể làm được) được cổ vũ mạnh mẽ như một tín điều và họ tin tưởng thực sự vào điều đó thì câu chuyện thành công của những người Việt Nam tại Masan có thể nhân rộng ở khắp mọi nơi".
Trong buổi lễ niêm yết cổ phiếu của Công ty cổ phần tập đoàn Masan (công ty con của công ty cổ phần Masan) tại Sở giao dịch chứng khoán TP HCM, ông Quang có bài phát biểu khá đặc biệt. Thay vì những phát biểu xã giao thường thấy ở các công ty mới niêm yết khác, ông Quang lại nói về "niềm tin mãnh liệt vào giá trị Việt Nam của những con người, những tài năng Việt”, và “tin rằng Người Việt Nam có thể chiến thắng, những người luôn nói “Được” và “Tìm cách để biến điều đó thành sự thực”, những người luôn yêu quý và tự hào vì Tổ quốc mình và luôn sẵn sàng làm tất cả để Vinh danh Việt Nam".
Giải thích về giá trị Việt Nam, ông Quang nói: "Nếu nhìn vào thị trường Việt Nam từ góc độ một đất nước mà GDP chỉ khoảng 100 tỷ USD thì không thể thấy được giá trị Việt Nam. Thế nhưng, nếu thấy rằng, thị trường Việt Nam có hơn 85 triệu người với rất nhiều nhu cầu chưa được thỏa mãn thì ở bất cứ ngành nghề nào chứ không riêng ngành thực phẩm mà Masan đang kinh doanh, người ta lại thấy một thị trường "tất cả mọi người đều có 2 chân và chưa ai bán được một đôi giày nào cho họ cả" và đây chính là một "mỏ vàng" cực lớn mà nếu biết kích đúng, bạn sẽ được tưởng thưởng rất xứng đáng".
Tâm sự về những phát biểu mang nặng tính dân tộc trong buổi lễ niêm yết ngày 5/11, ông Quang nói: "Thực ra tôi và những người bạn tại Masan cũng như tại Techcombank (ngân hàng mà các cổ đông lớn phần lớn đến từ Masan) luôn muốn cổ vũ cho suy nghĩ "Người Việt Nam làm được" ở nhiều nơi khác chứ không chỉ riêng tại Masan. Tại sao người Việt mình lại cứ phải là follower (người theo sau) mà không phải là leader (người dẫn đường)?".
Nhà doanh nghiệp luôn cháy bỏng niềm tự hào dân tộc này nói tiếp: “Công ty mạnh nhất trong Masan Group là Masan Food mới hoạt động trong vòng bán kính 1m quanh bà nội trợ ở nhà bếp. Chúng tôi cùng có chung mơ ước sẽ xây dựng Masan Food sẽ là công ty trị giá 1 tỷ USD trong vài năm tới; và những thương hiệu như Chinsu, Omachi… sẽ trở thành những thương hiệu quốc tế chứ không chỉ là những thương hiệu nổi tiếng tại Việt Nam”.
Rồi ông Quang hăng hái nói tiếp: “Một người Việt Nam có nhu cầu không hề ít hơn một người Mỹ nhưng vì những lý do nào đó, những nhu cầu đang còn nằm ngủ. Sứ mạng của những doanh nghiệp Việt Nam như Masan là phải đi tìm và đánh thức nó dậy. Cái này cũng tương tự như việc dân tộc Việt Nam có khả năng không kém bất cứ một dân tộc nào trên thế giới. Nhưng vấn đề là làm thế nào dể khơi dậy, cổ vũ và khiến cho khả năng đó thăng hoa. Tôi tin là người Việt Nam nói chung sẽ là những người luôn nói “Được” chứ không bao giờ cam chịu làm kẻ đi sau…”.
Khánh Linh