- Người ta biết đến Hà Dũng là một nhạc sĩ. Tại sao ông không dành nhiều thời gian cho âm nhạc mà lại chọn hàng không?
- Nó là duyên nợ đấy. Tôi tuổi Rồng mà (Nhâm Thìn) nên chỉ thích bay. Thực tế, tôi đã kinh qua rất nhiều nghề, lĩnh vực nhưng quanh đi quẩn lại vẫn quay về kinh doanh hàng không - đó chính là cái nghiệp.
Cách đây mười mấy năm khi còn là trợ lý của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tôi đã từng xin thành lập Công ty cổ phần Air Sài Gòn. Thời ấy do gặp khó khăn về nhân sự và thủ tục nên không được bay. Nhưng rồi, giấc mơ bay của tôi cũng thành hiện thực bằng sự ra đời của hãng hàng không tư nhân đầu tiên Indochina Airlines.
Nhạc sĩ Hà Dũng. Ảnh: thoitrang.
- Indochina Airlines cất cánh trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó, nhiều hãng hàng không trên thế giới phá sản. Ông tin mình sẽ thành công ở thị trường VN?- Tôi là người dám làm và luôn theo đuổi đến cùng mục tiêu đã lựa chọn. Hàng không là lĩnh vực khó và không dễ kiếm lời, đòi hỏi vốn trường và có sự am hiểu về nghề. Bạn biết tiền của các hãng hàng không nằm ở đâu không? Nó nằm ở chính dịch vụ bán cho khách hàng đấy. Chính vì thế các tổ chức tín dụng rất tin tưởng để bơm vốn vì họ nhìn thấy rõ độ rủi ro hay an toàn của đồng vốn.
Không hãng hàng không nào lại bỏ tiền túi ra mua máy bay hay các dịch vụ khác mà họ phải sử dụng vốn vay từ ngân hàng. Tôi nói ví dụ Vietnam Airlines vừa mua 10 chiếc ATR72 mấy chục triệu USD, tiền này họ cũng đi vay từ các tổ chức tín dụng. Chúng tôi cũng vậy, rất nhiều đối tác tin tưởng và đang cùng tham gia đầu tư với chúng tôi.
- Thời gian qua, Indochina Airlines liên tục bị nhà cung ứng nhiên liệu hàng không Vinapco đòi nợ tiền xăng với mỗi đợt lên tới vài chục tỷ đồng, ông giải thích sao về điều này?
- Trong kinh doanh, nợ nần là chuyện bình thường, lúc này ta nợ đối tác và lúc khác thì đối tác nợ ta. Bản thân trong đề án kinh doanh hàng không, chúng tôi cũng đưa ra kịch bản là lỗ trong 2 năm đầu. Hiện chúng tôi mới hoạt động được 7 tháng, giai đoạn đầu mà, có lúc nọ lúc kia, có lúc khó khăn, khi dư giả. Trên thực tế có hãng hàng không nợ tới hàng nghìn tỷ đồng đấy nhưng có ai nói gì đâu. Tôi cho rằng mình dở hơn người ta là số nợ của tôi quá ít so với họ thôi.
- Nhưng những "đôi co" về khoản nợ xăng đang khiến dư luận đặt câu hỏi phải chăng Indochina Airlines đang gặp khó khăn về mặt tài chính và có nguy cơ phá sản?
- Đây là những lời ác ý, đồn nhảm và tôi không bình luận. Tôi chỉ lấy làm lạ là một hãng hàng không mới ra đời trong đất nước gần 100 triệu dân mà mới có 7 triệu người có đủ điều kiện đi máy bay mà chúng ta không ủng hộ nhỉ? Lẽ ra khi người ta gặp khó khăn thì cần an ủi ít nhất về mặt tinh thần, đằng này cứ đồn thổi lung tung như thể muốn người ta chết cho nhanh.
Trước đây, chúng tôi từng ứng trước hơn 40 tỷ đồng cho phí nhiên liệu đấy thôi nhưng có thấy ai nói gì đâu. Trong khi đó, chúng tôi đang phải chi trả rất nhiều khoản như đào tạo phi công, tiếp viên, suất ăn, thuê máy bay, bảo dưỡng, kỹ thuật… xăng dầu chỉ là một trong số những khoản chi phí trên. Tôi cho rằng bất cứ một doanh nghiệp mới nào ra đời giai đoạn đầu cũng sẽ gặp khó khăn nhất định. Chúng tôi đang tập trung nguồn lực để xây dựng thương hiệu, hình ảnh công ty vì mục tiêu lâu dài chứ không phải trước mắt. Việc Vinapco dọa cắt xăng đã khiến chúng tôi thiệt hại rất nhiều, ảnh hưởng đến thương hiệu, khách hàng lo lắng hủy vé bay. Tôi không muốn đôi co mà cái này sẽ để cho lịch sử phán xét.
- Người ta biết đến ông không chỉ là doanh nhân mà còn là nhạc sĩ với rất nhiều “giai nhân” quanh mình, ông thích sự nổi tiếng nào trong hai vai trò ấy?
- Đúng là tôi từng sáng tác nhiều bài hát và cũng tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ nhưng tôi không phải là nghệ sĩ và cũng đừng gọi tôi là nhạc sĩ. Tôi là một người làm ăn và thích nghề kinh doanh. Tôi coi sáng tác nhạc chỉ là để cuộc sống thêm thi vị.
Kinh doanh đem lại cho tôi nhiều thành công song cũng không ít thất bại nhưng tôi luôn coi thất bại là bài học lớn nhất để thành công. Tôi không có thói quen ngồi gặm nhấm quá khứ hay nhẩm tính xem mình đã bao nhiêu lần thành công và bao nhiêu lần thất bại, chỉ biết rằng, tôi là một người tốt và luôn làm mọi việc theo đúng cái tâm của mình. Tôi đã từng mắc nợ một dự án, ấy là thời kỳ tham gia thành lập Tổng kho phân phối phân bón miền Nam. Dự án thất bại, tôi đối mặt với khoản nợ khổng lồ, bị giám sát trong 3 năm và yêu cầu trả đủ nợ. Nhưng phải 6 năm sau tôi mới trả hết. Sau cú sốc ấy tôi rút ra rất nhiều bài học kinh nghiệm trong kinh doanh.
- Trong mỗi con người có một “gót chân Asin”, vậy điểm yếu của ông là gì?
- Tôi không có điểm yếu và cũng chẳng sợ gì. Sống qua tuổi này, tôi thấy mình đã “quá lời”. Nỗi sợ lớn nhất của đời người là cái chết nhưng tôi chẳng bao giờ sợ chết vì tôi sống đến chừng này tuổi là quá đủ rồi.
Cũng phải nhìn nhận rằng ông trời cho tôi nhiều thứ nhưng tôi không bao giờ hưởng thụ một mình mà chia sẻ cho rất nhiều người. Đôi lúc tôi cảm thấy mình như trạm trung chuyển giữa trời và người - ông trời cho tôi nhiều thứ và tôi mang những thứ đó chia sẻ cho nhiều người. Tôi không phải là người mê tín nhưng luôn tin rằng có thế lực thứ 3 mà chúng ta chưa thể chạm tới hoặc không lý giải nổi. Tôn giáo từ đó mà ra và không phải vô duyên vô cớ mà có quá nhiều người tin và theo một tôn giáo, một đạo nào đó. Đôi khi ta đề ra nhiều kế hoạch nhưng không thể thực hiện được vì bàn tay của thế lực thứ ba lái theo chiều hướng khác.
Hồng Anh thực hiện