Giới giàu mới nổi tại Trung Quốc lại đang rục rịch học tập kinh nghiệm của phương Tây. Tuy nhiên, lần này, họ không muốn học cách kiếm tiền, mà là cách tiêu tiền. Zhang Xin, CEO kiêm đồng sáng lập Soho China - Tập đoàn bất động sản hàng đầu nước này, cho biết khi mới làm từ thiện, bà không có chiến lược cụ thể nào.
Zhang kể lại: "Những ngày đầu, khi thành lập Quỹ Soho China, tôi chẳng có kế hoạch nào cả. Chúng tôi chỉ chi tiền xây một trường học và trường mẫu giáo ở đây, sau đó giúp những người bị ảnh hưởng vì sóng thần mà thôi".
Zhang Xin - nhà sáng lập Quỹ từ thiện Soho China. Ảnh: Forbes |
Tuy nhiên, sau đó bà nhận ra điều quan trọng là phải tìm ra những vấn đề xã hội đang nóng tại đây, sau đó chọn một lĩnh vực cần đầu tư tiền và nhân lực lớn. Vì vậy, nữ tỷ phú này đã thành lập dự án mang tên Teach for China, tập trung đào tạo giáo viên tại các trường nông thôn ở tỉnh Cam Túc, Trung Quốc. 6 năm trước, đây là một trong những tỉnh nghèo nhất nước này. Bà cho biết: "Teach for China là mô hình chúng tôi học được từ một quỹ của Mỹ".
Tháng 8 năm nay, vào ngày sinh nhật của mình, Buffett cũng đưa 3 tỷ USD cổ phiếu vào ba quỹ từ thiện mà các con ông đang quản lý. Việc này đã thôi thúc Peter Buffett - con trai ông, tìm hiểu sâu hơn các vấn đề xã hội, và sau đó cùng vợ thành lập NoVo, quỹ hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới.
Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair cũng nói rằng ông như có "một cuộc sống mới" khi bắt đầu làm từ thiện. Sau khi rời chính trường, ông đã hoạt động từ thiện rất tích cực, đặc biệt là tại châu Phi. Blair tin rằng việc này sẽ tạo ra một xã hội lành mạnh và tươi đẹp, thậm chí còn có hiệu quả hơn nhiều so với chính phủ.
Cheng Gang - Chủ tịch China Foundation Center, một cổng thông tin hàng đầu cho các quỹ từ thiện, cho biết ngày càng có nhiều doanh nhân thành đạt tại Trung Quốc bắt đầu lập các quỹ gia đình. Cheng nói: "Sau nhiều năm tích lũy tài sản, nhiều người giàu Trung Quốc bắt đầu suy nghĩ làm thế nào với số tiền khổng lồ khi họ đã già, và không cần chi tiêu nhiều cho bản thân. Các quỹ từ thiện gia đình cho phép họ dùng tiền thông minh hơn, và tạo ra nhiều giá trị xã hội hơn". Việc này cũng cho phép người giàu bảo tồn giá trị cốt lõi và truyền lại cho thế hệ sau, Cheng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, hoạt động này vẫn chưa phổ biến tại Trung Quốc. Cheng cho biết, chỉ có gần 50 gia đình giàu có tại đây lập quỹ từ thiện, chiếm 1% tổng cả nước. Hàng năm, số tiền mà các quỹ này chi ra cũng chỉ chiếm tỷ lệ 2%.
Theo ông, nguyên nhân là chính sách giảm thuế của nước này vẫn chưa thực sự khuyến khích được người giàu làm từ thiện. Lu Dezhi, nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc Huamin Charity Foundation, phàn nàn ông không được miễn thuế khi thành lập quỹ, thậm chí còn phải mất phí 20 triệu NDT (3,21 triệu USD) vì nộp thuế muộn.
Lu cho biết luật đòi hỏi mọi người trả thuế TNCN mỗi lần đóng góp. Tuy nhiên, vì mức thuế cho từng thành phố khác nhau, ông đã không trả đủ trong một lần. Công ty của Lu ở Thâm Quyến, trong khi quỹ từ thiện lại hoạt động ở Bắc Kinh.
Thùy Linh (theo China Daily)