"Nếu ai đó không có bát cơm ăn thì người đầu tiên sẽ là tôi", tôi đã từng nói câu này trong những ngày khó khăn của cuộc khủng hoảng năm 2008 với người lao động tại Gạch Đồng Tâm. Giờ đây, khi nền kinh tế cũng đang trải qua những "cơn bão" bởi tác động từ nền kinh tế thế giới cũng như sức tăng trưởng thấp trong nội tại, thực sự, tôi vẫn muốn nói điều này với các nhân viên.
Ai cũng vậy thôi, điều hành doanh nghiệp bao nhiêu năm thì bấy nhiêu năm thấy khó khăn chứ không riêng gì ngày hôm nay mới thấy khó, thấy khổ. Làm doanh nhân thì chúng ta phải không ngừng sáng tạo, phải tính toán, phải sắp xếp cho phù hợp ở mỗi thời điểm. Tôi nghĩ không nên than thở trong lúc này. Mỗi người vượt khó một chút thì sẽ không ngại gì. Tôi có thể quả quyết là, nếu có sự đồng lòng của giới doanh nhân, của người lao động thì Việt Nam chắc chắn không sợ nghèo, không sợ lạc hậu.
Ông Võ Quốc Thắng luôn cho rằng doanh nhân cũng cơ cực bởi phải chịu nhiều áp lực. Ảnh: ĐH. |
Những người làm doanh nghiệp chúng tôi đã từng ngồi lại với nhau rất nhiều để nói về cái khó, cái khổ. Nhưng nói vậy đủ rồi. Khó khăn thì thực sự nó là của chung. Tuy nhiên, hơn bao giờ hết cái chúng tôi cần nhất là sự chia sẻ của cộng đồng. Ý chí của doanh nhân Việt Nam thì chúng tôi sẵn có nhưng vì vốn thì không có nhiều, đa số sử dụng bằng nguồn vốn vay nên khi thị trường gặp khó khăn thì doanh nhân Việt dễ bị tổn thương.
Hàng chục năm lăn lộn, buôn bán, từ những điều mắt thấy tai nghe, tôi cho rằng giới doanh nhân, nếu ai gần gũi, sẽ thấy họ rất "tội nghiệp". Ngoài lúc đi làm việc đông đúc, những lúc thăng trầm, họ đều thấy cô đơn. Làm doanh nhân đâu phải đơn giản. Bề ngoài có thể nhìn họ rất vui tươi, sang trọng, thậm chí sung sướng, bước lên, bước xuống xe hơi... Nhưng ai biết khi đó họ đang phải suy nghĩ những gì. Tôi gặp, và đã thấy nhiều người như vậy.
Nói thật, là các ông chủ nhưng tâm lý của chúng tôi đôi khi cũng không khác những nhân viên là mấy đâu. Giống như họ, tôi cũng "ngại" nhất ngày thứ 2, khi bước chân ra đường đi làm, biết bao áp lực đổ xuống. Làm sao ra được sản phẩm mới, làm sao để giá thành thấp hơn, rồi thu sao cho được tiền, trả nợ ngân hàng... Nửa đêm nhiều khi giật mình tỉnh dậy để lên phương án, ủ mưu. Nhiều lúc nhân viên bảo ông này hình như không ngủ vì gửi mail có lúc vào 1 - 2 giờ, thậm chí 5 giờ sáng rồi 6 giờ đã lại có mặt ở công ty.
Bản thân tôi đã hai mươi mấy năm rồi không biết đến chuyện đi xem phim rạp, cũng rất hiếm có một chuyến đi du lịch, nghỉ ngơi theo đúng nghĩa mặc dù muốn đi, khao khát được đi. Thế nhưng cứ đến ngày doanh nhân 13/10 là tôi lại tự thưởng cho mình được nghỉ một buổi chiều. Anh em trong công ty tôi cũng cho nghỉ vì nghĩ rằng ai ai trong số họ cũng là một doanh nhân.
Trong suốt những ngày tháng rong ruổi trên thương trường, điều khiến tôi tự hào là cái nhìn của bạn bè quốc tế về Việt Nam nay đã khác, được trân trọng hơn nhiều. Tôi có đủ tiền để mua vài chục căn nhà cho thuê với giá vài chục triệu đồng. Mỗi tháng có cả tỷ đồng mà không phải chịu rủi ro.
Nhưng không, chúng tôi vẫn chọn làm doanh nhân vì ước mơ sao cho nước mình bằng được nước bạn dù biết có thể gặp rủi ro trong làm ăn kinh doanh. Tôi và tất cả cộng đồng doanh nhân sẽ còn giữ triết lý này và đeo đuổi tới cùng tới cùng dù có gặp khó khăn đến đâu.
Võ Quốc Thắng