Ông Trần Xuân Giá. |
"Cả đời làm việc, giờ sao có thể 'lui về ở ẩn' nghỉ ngơi thoải mái được. Tôi làm việc không vì thiếu tiền, cơ bản là cảm thấy mình có ích, được trọng dụng và còn khả năng cống hiến", ông Trần Xuân Giá, nguyên bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư tâm sự.
Bước sang tuổi 70, ông vẫn giữ nét cương nghị, quyết đoán của một vị "tướng" từng đảm đương nhiều trọng trách trên chính trường, song phảng phất đâu đó là dáng dấp một doanh nhân thời hiện đại, bặt thiệp, cởi mở và chân tình. 6 năm trên cương vị Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, đến 2002 ông tiếp tục góp sức cho đất nước trong vai trò cố vấn cấp cao của Thủ tướng, rồi ủy viên Hội đồng Quốc gia về giáo dục.
Không chỉ được biết đến là một nhà lãnh đạo vui tính, thân thiện với đồng nghiệp, ông Giá còn được giới doanh nhân trong và ngoài nước biết đến với quan điểm khá mới: "Doanh nghiệp nuôi Nhà nước chứ không phải Nhà nước nuôi doanh nghiệp". Quan điểm này của ông được các chuyên gia kinh tế đánh giá là một bước tiến mới đưa doanh nhân trong nước tiếp cận vào đường ray của nền kinh tế. Còn bản thân ông thì nhìn nhận: "Tôi tin đường ray này sẽ không bị đổi hướng, còn họ đi nhanh, chậm là việc khác".
Khi nhận quyết định nghỉ hưu, hồi tháng 1 năm nay, ông Giá tâm niệm sẽ lui về hậu trường nhường chỗ cho thế hệ trẻ tiếp tục sự nghiệp. Nhưng chính nhờ tư tưởng đổi mới, cộng với kho kinh nghiệm quý giá của người từng kinh qua nhiều vị trí quan trọng, ông trở thành của quý với các doanh nghiệp.
Ông nghỉ hưu chưa đầy 1 tuần, hơn 15 tập đoàn, doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ không ngừng săn đón. Ông chẳng thiếu tiền. Vinh quang, danh tiếng cũng đã có. Nhưng khi nghỉ rồi, người cứ đờ ra không thể chịu được. Thế là ông gật đầu về làm thành viên trong ban cố vấn Hội đồng quản trị của Ngân hàng thương mại cổ phần ACB rồi kiêm luôn chức Chủ tịch danh dự quỹ từ thiện Unilever.
Vậy là hằng ngày, ông già ở tuổi xưa nay hiếm vẫn cắp cặp đến công sở, họp hành, tranh luận rồi ngày đêm đèn sách nghiên cứu. Tiếp xúc với lớp người trẻ, ông cảm thấy mình khỏe khoắn và tư duy tươi mới hơn. Mỗi người một nghề, cách suy nghĩ, lựa chọn cũng khác nhau. Có người làm việc để vui, người muốn tăng thu nhập dựa trên khả năng của mình. Còn ông muốn dấn thân vào thương trường bằng cách chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức mình đang có để giúp doanh nghiệp phát triển.
Ở vị trí mới - ban cố vấn cho Hội đồng quản trị ACB - ông Giá hy vọng có thể thực hiện được tâm nguyện của mình là thành lập Hiệp hội các thành viên Hội đồng quản trị độc lập. Các thành viên này không ăn lương của doanh nghiệp mà có vai trò giám sát, cố vấn và hài hòa lợi ích của các cổ đông. Theo ông, vai trò của các cá nhân này rất được coi trọng ở các nước trên thế giới và các doanh nghiệp cổ phần hóa của VN sau này cũng sẽ rất cần. "Tôi tin mình sẽ thực hiện được ý nguyện nếu tiếp tục được làm việc, được cống hiến", ông nói.
Nguyên phó tổng giám đốc Liên hiệp đường sắt VN Nguyễn Trọng Bách nghỉ hưu từ năm 2001, nhưng giờ vẫn bận rộn như thời còn đương chức. Gần 50 năm gắn bó với ngành cầu đường ông có thể tạm hài lòng khi ước mơ của cậu sinh viên Bách Khoa ngày nào đã thành hiện thực. Yêu nghề từ khi ngồi trên giảng đường Đại học Bách Khoa - ngành cầu đường, ông đã từ chối rất nhiều cơ hội ở các lĩnh vực khác để từ từ tiến thân bằng chính khả năng của mình. Từ chỗ chỉ là anh cán bộ kỹ thuật xây dựng cầu ngày đêm theo các dự án lên tận vùng núi xa xôi, anh kỹ sư đảm bảo giao thông và bảo dưỡng cầu đường... khi nhận chức Phó tổng giám đốc ông vẫn tiếp tục nhiệm vụ của một kỹ sư thiết kế và quản lý cầu đường. Công việc ấy, ông vẫn làm cho đến tận khi nghỉ hưu.
Ở cái tuổi gần 70 lẽ ra ông Bách có quyền hài lòng với những gì đạt được để an phận tuổi già. Nhưng người kỹ sư cầu đường này vẫn ngày ngày cặm cụi đèn sách, đọc các bản thiết kế để bắt lỗi, tìm tòi điểm được và không được của các dự án. Ông còn luyện ngoại ngữ, cập nhật kiến thức mới, kỹ thuật mới. Tuy không tham gia quản lý trực tiếp, song với vai trò cố vấn, ông cũng đóng góp không ít vào các dự án cải thạo giao thông đường bộ và đường sắt, theo lời mời của các doanh nghiệp.
Không muốn nói nhiều về bản thân nên khi bạn bè trong nhóm hưu trí thắc mắc chuyện ông vẫn ngày đêm đèn sách, ông chỉ cười: "Chơi lắm cũng chán, đôi lúc làm chút văn nghệ cho vui". Thế nhưng chia sẻ với VnExpress ông Bách tâm sự làm việc cũng là cách để khẳng định mình vẫn tồn tại và có ích cho xã hội. Ông tâm niệm giao thông là lĩnh vực khó, liên quan đến an toàn và tính mạng con người, do vậy đã nhận làm là phải có trách nhiệm, coi đó là việc chính của mình, không thể chỉ làm cốt để cho vui. "Nhất là với các dự án giao thông, hay ngành được sắt đòi hỏi kỹ thuật và chuyên môn cao nếu không cẩn thận suy xét sẽ làm thất thoát tiền của của Nhà nước", ông Bách nói.
Sau khi tư vấn cho một số dự án lớn của các công ty trong ngành, ông rút ra một điều: "Áp dụng kinh nghiệm của thế hệ mình vào cuộc sống hiện đại không phải lúc nào cũng đúng. Có những dự án phải mày mò, nghiên cứu nhiều đêm để phát hiện lỗi những chi tiết cần chỉnh sửa. Khi làm được việc rồi mới thấy đáng quý và không đồng lương, phần thưởng nào bằng".
Gần 40 năm gắn bó với nghề, ông Bách thấu hiểu được những khó khăn và thách thức của một cán bộ ngành cầu đường, cũng trăn trở, đau xót khi vụ PMU18 chôn vùi hàng tỷ đồng tiền của Nhà nước... nên ông luôn dành rất nhiều thời gian tìm tòi học hỏi trước mỗi dự án mà doanh nghiệp nhờ tư vấn.
Ông Mai Liêm Trực. |
Vài năm trước, tên tuổi nguyên thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, nguyên chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam Mai Liêm Trực được báo chí không ngừng nhắc đến. Sinh năm 1944 tại Bình Định, ông mang trong mình những nét tính cách của người con đất võ. Chả thế mà ở tuổi 63, ông vẫn đều đặn tham gia các hoạt động thể dục thể thao như bóng đá, chạy bộ...
Tháng 10/2005, ông nhận quyết định nghỉ hưu như cầm một giấy nghỉ phép dài hạn sau cả quãng thời gian cống hiến cho sự nghiệp công nghệ thông tin nước nhà. Ông vui vẻ lui vào hậu trường, ngày ngày đọc sách, dạy dỗ cháu học ngoại ngữ và chăm lo việc nhà cùng bà xã .
"Thế hệ chúng tôi già rồi, giờ thì nhường chỗ cho lớp trẻ. Tôi tin dưới bàn tay chèo lái của họ thị trường viễn thông sẽ cực kỳ phát triển trong thời gian tới. Tôi rất happy với công việc hiện tại. Cả đời làm việc, nghỉ hưu là lúc tôi được hoàn thiện mình và có thời gian chăm lo gia đình nhiều hơn", ông chia sẻ với VnExpress.
Nhiều cơ quan, doanh nghiệp đã ngỏ lời mời ông về làm cố vấn. Có đại học dân lập còn đặt vấn đề mời ông về làm hiệu trưởng. Thậm chí, Chủ tịch Tập đoàn tài chính Hàn Quốc Golden Bridge Lý Tường Tuấn - hậu duệ đời thứ 36 của vua Lý Thái Tổ, còn đích thân đến mời ông về quản lý hoạt động của chi nhánh văn phòng tại Hà Nội. "Đây là lời mời khiến tôi phải suy nghĩ rất nhiều. Khi ấy ông Tuấn có nói với tôi cuối đời ông ấy rất muốn về quê cha đất tổ để gây dựng sự nghiệp. Thật khó khăn khi tôi phải nói lời từ chối", ông Trực cho biết.
Giờ ông chưa nhận lời đến làm việc tại bất cứ cơ quan nào. Song doanh nghiệp nào cần tư vấn, đến với ông đều được chỉ bảo tận tình.
Bà Phạm Chi Lan. |
Theo bà Phạm Chi Lan - từng là thành viên trong Ban cố vấn của Thủ tướng - các sếp khi về hưu tiếp tục làm việc cũng là chuyện bình thường của các nước trên thế giới.
"Việc đi làm đối với những người đã đến tuổi nghỉ hưu phần nhiều xuất phát từ nhu cầu tự lập về mặt kinh tế và đặc biệt là xã hội vẫn đang cần đến họ. Được trọng dụng cũng là cách thể hiện họ là những người thực tài. Bởi ngay cả những người giữ chức vụ cao nhưng nếu không do tài năng thực sự thì dù có muốn cũng không có tổ chức nào đứng ra mời chào", bà Lan nhấn mạnh.
Phan Linh Anh