Ông tâm sự với VnExpress tối 30/8, khi công ty vừa chốt kế hoạch trả nợ người nuôi cá từ 31/8 và chuẩn bị đón vợ Phạm Thị Diệu Hiền chữa bệnh tại Mỹ trở về. Hơn nửa năm thay vợ điều hành công ty, nay ông chính thức trở thành Tổng giám đốc và tiếp tục thực hiện theo đuổi tâm huyết của vợ, giữ con cá tra và tạo công ăn việc làm cho nông dân.
Công ty Bình An đã "hồi sinh" sau nửa năm sóng gió. Ảnh: Thiên Phước |
- Tình hình tài chính Bianfishco sau khi có cổ đông mới thế nào thưa ông?
- Dự kiến cuối năm nay, sau khi trả dứt nợ nông dân và hoàn thành báo cáo kiểm toán, Bình An sẽ đại hội cổ đông, nâng vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng lên 1.200 tỷ đồng và chuyển đổi thành tổng công ty. Đến nay, Bianfishco còn nợ khoảng 900 tỷ đồng, công tác tái cấu trúc toàn diện cũng khởi động với sự tham gia của Ngân hàng SHB, Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC).
Nói thật, lúc Bianfishco gặp khó khăn, tôi chưa biết DATC là gì. Sau khi Tổng giám đốc DATC Phạm Thanh Quang vào làm việc, đặt thẳng vấn đề bàn biện pháp tái cơ cấu doanh nghiệp thì tôi mới hình dung ra được lối thoát của Bianfishco trước nguy cơ có thể bị “thâu tóm”.
- Đại gia nào có ý định thâu tóm các công ty thủy sản miền Tây trong đó có Bianfishco thưa ông?
- Theo nhiều thông tin mà tôi nắm được thì có một doanh nghiệp ngoài nước vào Việt Nam đầu tư vốn rồi liên kết với doanh nghiệp trong nước mua lại các nhà máy thủy sản ở miền Tây. Đến nay có ít nhất 7 nhà máy thủy sản ở Cà Mau và Bạc Liêu bị doanh nghiệp này “thâu tóm” nhưng mua xong để đó, không tổ chức sản xuất. Vì vậy, khi thấy Bianfishco lâm vào cảnh nợ nần, đã có người đến gặp tôi đặt vấn đề “giải cứu” bằng cách mua lại Nhà máy thủy sản Bình An với giá cao để công ty có tiền trả nợ, nhưng tôi nhất quyết không bán. Nếu bán nhà máy chuyên sản xuất cá tra cho doanh nghiệp có ý đồ “thâu tóm” rồi lại để đó, không đưa vào hoạt động thì người nuôi cá tra ở miền Tây chắc chắn sẽ gặp khó khăn.
Tổng giám đốc SHB (trái) đóng vai trò điều hành quá trình tái cơ cấu Bianfishco. Ảnh: Thiên Phước |
- Đến giờ nhiều người vẫn không rõ lý do Bianfishco từ công ty thành đạt rồi lâm vào cảnh khó khăn đến nỗi suýt bị thâu tóm. Theo ông lý do đó là gì?
- Nhiều người “đoán non đoán già” là Bianfishco lấy tiền vay từ các hợp đồng tín dụng ngắn hạn để đầu tư vào lĩnh vực dài hạn, mà cụ thể là bất động sản. Tôi khẳng định điều đó không có. Đã là doanh nghiệp thì không riêng gì Bianfishco mà các công ty khác cũng vay vốn ngân hàng. Công ty Bình An hoạt động 5 năm nhưng tiền lãi đóng cho các ngân hàng lên đến gần 700 tỷ đồng vì có lúc lãi suất quá cao dẫn đến thua lỗ.
Thiếu sót của HĐQT Công ty Bình An trước đây là để nợ nông dân quá nhiều tiền mua cá. Đây chính là mấu chốt dẫn đến việc đòi nợ, kiện tụng, vây cổng nhà tôi... Nếu không nợ tiền nông dân mà chỉ nợ ngân hàng thì mọi chuyện sẽ được giải quyết êm đẹp.
Ngoài cái dở ấy, không thể phủ nhận vai trò của vợ tôi là Phạm Thị Diệu Hiền đã dồn hết tâm huyết vào con cá tra, xây dựng Bianfishco trở thành thương hiệu lớn, sản phẩm xuất khẩu đến thị trường hàng chục quốc gia.
- Khi xin nghỉ việc Nhà nước để thay vợ điều hành công ty riêng, ông chịu những áp lực gì?
- Áp lực lắm chứ, trăm dâu đổ đầu tằm mà, nhưng phải ráng chịu vì đây là công ty của vợ tôi. Vợ bệnh hiểm nghèo, chồng không lao vào cứu Bianfishco thì ai làm đây. Nói thật, muốn Bianfishco phá sản thì dễ lắm, chỉ tội cho người nuôi cá là không biết bao giờ mới lấy được tiền.
Hiện Bianfishco nợ 35 người nuôi cá tổng cộng 221 tỷ đồng và nợ các doanh nghiệp đối tác khoảng 100 tỷ đồng. Nợ ngân hàng bên ngoài khoảng 600 tỷ đồng đã có SHB bảo lãnh. Vì vậy, sau khi giải chấp hết tài sản, tôi đã giao cả bao giấy tờ cho SHB để vay tiền ngân hàng này theo hình thức thế chấp. Quá trình tái cấu trúc Bianfishco, SHB và DATC đã đàm phán với các chủ nợ để Công ty Bình An được khoanh nợ 3 năm.
Mục tiêu tham gia tái cấu trúc của toàn diện Bianfishco đối với DATC và SHB là vì thấy Công ty Bình An có thương hiệu, tạo được mối quan hệ tốt với nhiều khách hàng truyền thống và đặc biệt là tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, tạo ra công ăn việc làm cho người dân miền Tây.
Ngày 31/8, sau đi đóng xong khoản nợ viện phí gần 61.000 USD, đại gia Diệu Hiền làm thủ tục ra viện, bay về Việt Nam. Ảnh: Thiên Phước |
- Hiện Công ty Bình An tạm vượt qua sóng gió, trở về với hai chữ “bình an”. Ông dự định gì cho tương lai của Bianfishco?
- Con cá tra ở miền Tây đóng vai trò hết sức quan trọng đối với nông dân vùng này. Nhiệm vụ của Bianfishco tới đây là vừa làm kinh tế, vừa giúp nông dân làm giàu bằng con cá tra. Do đó, tôi đã tính đến phương án mua tạm trữ cá tra khi nông dân có cá quá lứa hoặc thị trường tiêu thụ bị chậm lại. Chỉ có cách này thì nông dân mới không bị ép giá, đảm bảo nuôi cá có lãi.
Mục tiêu phát triển của Công ty Bình An là vẫn giữ vững thị trường truyền thống, nhất là Mỹ. Nhiều hợp đồng xuất khẩu cá tra phi lê sang Mỹ đang được chúng tôi ký kết, song song đó là gia công nhiều mặt hàng thủy sản cho Nhật. Nhật đánh giá rất cao Bianfishco trong việc gia công hàng thủy sản vì yêu cầu đề ra đạt cao hơn các đối tác khác ở Châu Á.
Quá trình sản xuất kinh doanh tại Bianfishco đang dần ổn định. Từ năm 2013 bắt đầu cạnh tranh với các nước trong khu vực, dự kiến năm 2015 Bianfishco niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán.
- Sau khi về nước, bà Diệu Hiền dự định tham gia thế nào vào công việc của Bianfishco?
- Ngày 31/8 sau khi trả xong khoản nợ viện phí trên 60.000 USD trong tổng số tiền điều trị khoảng 457.000 USD, bác sĩ tiến hành kiểm tra sức khỏe và cho uống thuốc nhằm đảm bảo an toàn cho chuyến bay dài, Diệu Hiền sẽ rời Mỹ về nước đúng hẹn để ngày 2/9 có mặt tại Cần Thơ. Vợ tôi được bác sĩ đánh giá là không còn tự chủ, thiếu tập trung, khủng hoảng tâm lý do việc hóa trị ung thư. Chứng đột quỵ đã gây khó khăn cho vợ tôi trong việc đi lại và khả năng tự thể hiện cảm xúc bản thân.
Với tình trạng sức khỏe như vậy, Diệu Hiền về nước chỉ để an dưỡng với con cháu chứ không thể tham gia điều hành công việc tại Công ty Bình An.
Thiên Phước