Tại một cuộc họp của Vinashin gần đây, đại diện Tập đoàn này cho biết, vào thời kỳ cao điểm năm 2007, tổng số lao động của Vinashin lên tới 70.000 người. Đến đầu năm 2010 chỉ còn 54.000 người và vào 8/2012, chỉ còn 30.000 người. Như vậy, mỗi năm tập đoàn này phải cắt giảm tới gần 6.000 người.
Hầu hết các tổng công ty, công ty trong tập đoàn đều trong điều kiện thiếu việc làm, thu nhập thấp, nợ lương, nợ bảo hiểm. Doanh nghiệp mẹ và tập đoàn rất khó khăn trong việc đảm bảo thực hiện chính sách, thu hút nhân tài, giữ chân lao động giỏi.
Trung bình mỗi tháng Vinashin cắt giảm 6.000 nhân sự. Ảnh: AFP |
Tình hình sản xuất kinh doanh của Vinashin tiếp tục sụt giảm, không hoàn thành kế hoạch năm. Tập đoàn chưa ký kết được thêm các hợp đồng mới với các chủ tàu nước ngoài. Bên cạnh đó, do thị trường vận tải biển ảm đạm nên rất ít đơn đặt hàng mới, dẫn đến sự cạnh tranh ngày một khốc liệt.
Để “vượt cơn sóng dữ”, trong bối cảnh hiện nay, Vinashin chủ yếu tập trung hoàn thành các đơn hàng còn dang dở. Tái cơ cấu bộ máy, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm song song cùng nhiệm vụ sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, tập đoàn đã hoàn thành tái cơ cấu 35/259 doanh nghiệp, chủ yếu là đơn vị có thủ tục không quá phức tạp, chưa phát sinh các nghĩa vụ tài chính. Tuy nhiên, vấn đề tái cơ cấu thời gian tới dự báo nhiều phức tạp, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến thanh tra, điều tra các sai phạm đang được các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục xử lý làm rõ.
Hiện tại, đang còn hàng trăm dự án dở dang, sai phạm nhiều về quy trình thủ tục, vướng mắc. Cùng với tái cơ cấu là vấn đề bán, chuyển nhượng, giải thể doanh nghiệp, tinh giản bộ máy lao động phát sinh. Lãnh đạo Vinashin thừa nhận, càng đi sâu vào quá trình tái cơ cấu, tập đoàn càng đứng trước khó khăn lớn.
Theo VnEconomy