Thứ hai, 12/2/2018, 08:45 (GMT+7)

Ngày Tết của những công nhân 'dư tiền'

Tết của giới công nhân không chỉ có những thở than. Ở mảng sáng của bức tranh kinh tế, có cả những người “dư tiền”.

"Lo mất Tết", "phát khóc", "đình công", "công nhân phản ứng",... cặp từ khóa "thưởng Tết" và "công nhân" trên Google những ngày cuối năm âm lịch dễ gây ấn tượng về một bức tranh nhiều mảng tối.

Nhưng trong một năm kinh tế tăng trưởng tốt, ở mảng sáng của bức tranh, vẫn có thể tìm thấy sự phấn khởi trong đời sống của những người lao động phổ thông. 

Cuộc cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt với thị trường quốc tế không chỉ có những bàn thua. Một khảo sát tại TP HCM cuối tháng 12/2017 cho thấy hầu hết các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chỉ thưởng Tết dương lịch. Và Tết Nguyên đán là cơ hội để các doanh nghiệp Việt "ghi bàn".

Trại Cồn Bần có bốn nghìn ba trăm gốc mai.

Giữa dòng Hàm Luông mênh mông, trên cồn sông, là trại nuôi cá tra 20 héc ta, ngôi nhà thứ hai của gần 40 con người. Đường duy nhất để đến Cồn Bần, là đi đò qua sông. Những công nhân nuôi cá chỉ thỉnh thoảng vào bờ để về thăm nhà, hay mua thịt lợn, gạo, mắm. Ở mái nhà đó, họ trồng hơn bốn nghìn gốc mai, trồng hoa kiểng, biến bờ ao nuôi cá thành một công viên đầy hoa.

Bốn nghìn gốc mai cùng trổ hoa vàng vào ngày 20 tháng Chạp. Những công nhân Cồn Bần đã chọn thời điểm bứt lá để cây ra hoa đúng ngày ấy: ngày họ nhận thưởng Tết và tổ chức tất niên.

Trước khi đến trại Cồn Bần, cha con ông Nguyễn Xuân Nam đi biển. Đến một ngày, họ nhận ra đi đánh cá dù vất vả cũng không đủ sống nữa. Tết Tân Mão 2011, gia đình ông Nam đón một cái Tết túng thiếu, trong căn nhà cũ nát không có tiền sang sửa. “Khi đó còn vay mượn người ta mười bốn mười lăm triệu. Đuối lắm chú”.

Phủ quanh các ao cá tại Cồn Bần là hơn bốn nghìn gốc mai

Tết của cha con ông Nam giờ đã khác. Công nhân nhận thưởng Tết cao nhất của trại Cồn Bần năm nay “ôm” về hơn 21 triệu. Mức trung bình của các thành viên trại dao động trong khoảng từ 15 đến 17 triệu/người. Đó là một nguyên tắc của công ty Aquatex Bến Tre, doanh nghiệp sở hữu trại cá: thưởng Tết của nhân viên bằng 20-25% tổng lương của 12 tháng.

“Lỗ tôi cũng thưởng Tết 20% thu nhập trong năm” – ông giám đốc Đặng Kiết Tường tuyên bố. Ông Tường hay tự hào vì mình từng là nông dân, và ông tin rằng thành quả của công ty hoàn toàn là của người lao động.

Sáu cái Tết ở trại Cồn Bần, ông Nam đã nâng cấp nhà tới 5 lần. Sơn nhà, lót gạch bông, gì ông cũng làm rồi. Năm nay, nhận mười mấy triệu thưởng Tết, ông còn không biết tiêu tiền cho việc gì. Ở Cồn Bần có nhiều người như thế. Như anh Thọ, từng đi nuôi tôm 14 năm, bây giờ đã xây cái nhà hết trăm mấy chục triệu, là loại “ở quê vậy to lắm rồi á”. Năm nay, anh Thọ lại nhận 15 triệu mấy, rơi vào cảnh dư tiền. 

Anh Trần Minh Tấn trại trưởng lý giải rằng ở đây chẳng có dịp gì để tiêu tiền. Mỗi tháng, “ai ăn sang lắm thì hết 350.000 đồng”. Họ được quyền bắt các loại không phải cá tra dưới ao, nên chỉ dùng tiền để mua gạo, thịt lợn và nước mắm. Tính ra, “bị” sống trên một cồn đất giữa dòng Hàm Luông lại trở thành lợi thế của những người đàn ông này: không có khả năng hoang phí, họ để dành được gần như toàn bộ đồng lương – mỗi năm cầm về đưa vợ con cả trăm triệu đồng.

Công nhân trại Cồn Bần đang tự nấu bữa tiệc tất niên

Ngày Tất niên trở thành cơ hội tiêu tiền đáng kể nhất của trại Cồn Bần. Họ cùng đặt một con bò xẻ lấy 60 cân thịt, tự xắt gừng, làm lòng, xào nấu liên hoan. Bốn nghìn ba gốc mai bung cánh vàng rực.

Nhưng đằng sau “trại hoa vàng” của những người công nhân có cuộc sống đơn giản thật ra là một bức tranh lớn của thị trường thế giới.

Năm 1977, khi Công ty Xuất khẩu thủy sản Bến Tre ra đời, xuất khẩu cá trên toàn cầu chỉ đạt khoảng 8 tỷ USD. Cho đến năm 2014, con số này đã lên tới 148 tỷ USD. Và lần đầu tiên trong lịch sử, vào năm ngoái, theo báo cáo của Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO), tiêu thụ cá trên đầu người đã vượt mốc 20 kg/năm.

Nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam tất nhiên song hành cùng cuộc tăng tốc đó. Năm 2017, Aquatex Bến Tre, với tư cách thành viên của PAN Group đạt doanh thu thuần 384 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 31,9 tỷ đồng. Riêng trong quý IV, nhờ giá bán cá tra tăng, công ty này báo lãi tăng 52% cùng kỳ.

Trang trại nuôi cá tra Cồn Bần
 
 
Khung cảnh trại Cồn Bần

Và đằng sau những gốc mai vàng không chỉ là sở thích của những công nhân sống xa nhà: chúng là một triết lý của thị trường. Dù sống trên ốc đảo, nhưng công nhân ở đây biết rằng cá của họ sẽ được bán tới EU và Nhật Bản. Những khách hàng quốc tế thường xuyên đi đò qua dòng Hàm Luông để tới thăm quan trang trại trước khi ký hợp đồng. “Trại mình bẩn thỉu rác rến thì người ta làm sao tin mình nuôi cá sạch” – anh Tấn trưởng trại nói. Từ khóa “sạch” đang trở thành nhân tố quan trọng bậc nhất trong cuộc chinh phục của nông nghiệp Việt Nam, cũng như là ngành thủy sản nói riêng với thị trường thế giới.

Hỏi những công nhân ở đây, rằng “e-u” thật ra là những quốc gia nào, họ không phân định được. Nhưng họ biết một điều đơn giản, rằng những vị khách Tây rất mê khung cảnh của trại Cồn Bần – vốn đã được cải tạo thành một vườn hoa mướt mắt. “Họ suốt ngày kêu tôi biến Cồn Bần thành khu du lịch sinh thái” – ông Tường giám đốc tâm sự. Khách thích, là bán được cá, là có tiền.

Những cánh mai vàng trồng trên một ốc đảo nhỏ xíu giữa bản đồ Việt Nam, bỗng trở thành một nhân tố thúc đẩy kinh tế trong thời đại toàn cầu hóa.

Thưởng Tết của Nhân năm nay là một bộ xếp hình lớn.

Nhân sinh năm 1994, nộp đơn vào làm việc tại nhà máy PAN Food ở Long An chưa đầy một năm trước. Ở thời điểm đó, Nhân và nhà máy có một mẫu số chung: họ đều là con số 0. Nhà máy là một bãi đất trống, còn Nhân vừa tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP HCM. Trước mắt cậu trai trẻ là nhiệm vụ tham gia thiết lập một dây chuyền sản xuất bánh có công suất 3600 tấn/năm từ bãi đất trống đó.

Trong khi các bạn cùng lớp trong ngành công nghệ thực phẩm, đi làm ở các nhà máy mà dây chuyền đã vận hành, thì Nhân được tham gia vào một dự án mới. Cậu tự ví mình với một đứa trẻ ngồi chơi một “bộ đồ xếp hình thiệt bự”, cân chỉnh từng chút một, tháo ra lắp lại cho đến khi vừa ý. Bộ đồ chơi được các nhà đầu tư nhập về từ châu Âu, lắp đặt và đi vào sản xuất chỉ sau 5 tháng, nhờ nỗ lực suốt ngày đêm của những người trẻ như Nhân.

Tết của Nhân, cũng như của rất nhiều nhân công ngành thực phẩm Việt Nam, bắt đầu từ cuối năm dương lịch: đó là thời điểm mà các dây chuyền phải chạy hết công suất để phục vụ cho thị trường hàng Tết. Nhà máy của Nhân bắt đầu cuộc marathon từ cuối tháng 11/2017 – thời điểm mà “bộ xếp hình bự” của cậu vừa bắt đầu thành hình.

Dây chuyền bánh ướt của nhà máy PAN Food tại Long An

Máy đóng gói lệch. Máy cắt không chuẩn. Kem không đạt trạng thái về chất lượng. Thất bại, điều chỉnh, lại chạy thử. Các kỹ sư của nhà máy PAN Food đã tiêu tốn hàng chục tấn nguyên liệu trong hơn một tháng để thực hiện các cuộc chạy thử cho đến khi bánh của họ ra đời.

“Tuổi trẻ không có gì giá trị bằng việc là được khởi nghiệp bằng tiền của người khác” – Nhân thành thật - “Mình được phép sai lầm mà không phải trả giá quá đắt”.

Thị trường bánh kẹo, mặc dù không chứng kiến những kỷ lục ấn tượng như thủy sản, vẫn hàm chứa một sự lạc quan lớn. Hiện mức tiêu thụ bánh kẹo bình quân đầu người tại Việt Nam mới chỉ là 2 kg/người/năm, thấp hơn hẳn so với trung bình thế giới là 2,8kg/người mỗi năm. Các công ty nội dẫn đầu thị trường, đơn cử như Bibica, vẫn đang đặt tham vọng cao, đầu tư thêm hàng trăm tỷ cho dây chuyền mới và đặt mục tiêu tăng trưởng hai con số hàng năm.

Ngày Tết của họ có gì khác? Nhân từ chối tiết lộ thưởng Tết của mình. Nhưng đằng sau dây chuyền bánh tại Long An, vốn đã là một mảng khác của bức tranh khu chế xuất tại Việt Nam.

Gương mặt rạng rỡ của kỹ sư Nhân khi nói về tương lai

Trong khi cảnh công nhân nghỉ việc hàng loạt tại các khu chế xuất và khu công nghiệp, các tấm băng rôn tuyển người phủ kín cánh cổng các doanh nghiệp FDI, là một khung cảnh quen thuộc sau ngày Tết Nguyên đán, các lãnh đạo của PAN Food không nhìn thấy viễn cảnh đó.

“Họ hỏi thẳng về môi trường lao động, bảo hộ và điều kiện làm việc từ lúc tuyển dụng” – anh Thành, quản lý sản xuất của nhà máy PAN Food tâm sự về quá trình xây dựng dây chuyền. Cùng với đòi hỏi khắt khe của thị trường, các doanh nghiệp thực phẩm tại Việt Nam đang trong một cuộc cạnh tranh khốc liệt về trang bị. Công nhân ngành này, theo những người trong cuộc, cũng bắt đầu ý thức được vai trò và đưa ra những đòi hỏi về điều kiện làm việc.

Nghiên cứu của Business Monitor International dự báo ngành thực phẩm Việt Nam sẽ tăng trưởng kép 11% mỗi năm trong giai đoạn 2017-2019. Dư địa phát triển lớn, khi lượng tiêu thụ của thị trường trong nước tăng trưởng đều đặn 2 con số, và thị trường thế giới mở rộng với việc các Hiệp định thương mại tự do quan trọng đang được xúc tiến hoặc chuẩn bị có hiệu lực (đơn cử, EVFTA).

Sự phát đạt và nguồn đầu tư lớn vào ngành này tạo ra cơ hội thay đổi cuộc đời cho nhiều nhân công; không chỉ thuần túy ở khía cạnh mưu sinh.

Nhân, chàng trí thức trẻ, không thuần túy mơ ước về một cuộc sống no ấm như những công nhân nuôi cá ở Cồn Bần. Cậu mơ ước về một ngày được làm chủ dây chuyền sản xuất thực phẩm của riêng mình. "Nho nhỏ thôi anh, thị trường cần gì em sẽ làm đó, đồ hộp hay bánh kẹo" - chàng trai 23 tuổi mô tả giấc mơ trong quãng nghỉ giữa ca.

Và chàng kỹ sư mơ thành công chủ, không xét đến thu nhập, đang "dư tiền" để thực hiện giấc mộng đó: khối trang thiết bị hiện đại nhất thế giới mà chủ đầu tư nhà máy đang chạy hết công suất ở Long An, trở thành trường học cho anh.

Bài: Hiền Nguyễn
Ảnh: Hải Tần