Sau mỗi sự kiện lớn, chương trình văn nghệ, thì chúng ta lại thấy mọi người xả rác tràn ngập. Gần đây nhất, sau chương trình bắn pháo hoa nghệ thuật đón giao thừa, các con đường trung tâm những thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM lại "chìm trong biển rác".
Vấn đề là do đâu? Hầu hết mọi người đều nói: Do giáo dục. Tôi vẫn nhớ khi tôi học mẫu giáo - tức là 5 tuổi, cô giáo đã chỉ cho chúng tôi một hình và nói: "Đó là thùng đựng rác, khi các con ăn kẹo xong, các con phải bỏ vỏ kẹo vào thùng này, các con nhớ chưa?" và cả lớp thưa: "Dạ nhớ rồi ạ".
(Xem thêm: Pháo hoa đêm giao thừa là món ăn tinh thần của người nghèo)
Và 12 năm học phổ thông, 4 năm đại học, mọi nơi, mọi năm học đều có hướng dẫn bỏ rác vào đúng nơi quy định, lớn lên thì biết rác có thể được phân loại, nếu có thể thì hãy phân loại và bỏ vào các thùng riêng. Sau này còn được nhắc đi ra ngoài nếu không có thùng rác thì chịu khó cầm về bỏ vào đúng nơi quy định.
Và cứ như thế bao nhiêu năm nay tôi luôn bỏ rác vào thùng rác. Và cũng như việc vứt rác, việc tham gia giao thông phải tuân thủ luật giao thông, không vượt đèn đỏ, phải đội mũ bảo hiểm, học phân loại các loại biển báo, khi thi lấy bằng thì có dạy về các nguyên tắc khi sang đường, vượt xe... nói chung, trong nhà trường tôi và tin rằng mọi người đều được dạy cả.
Vậy tại sao khi các vấn đề vứt rác bừa bãi, không tuân thủ luật giao thông... đều đã được dạy đầy đủ, nhưng mọi người không làm theo. Khi hiện trạng xảy ra thì mọi người lại đổ lỗi cho giáo dục? Chuyện giáo dục nặng nề, dạy nhiều, cần cải cách... là việc giáo dục đã và đang cố gắng làm tốt hơn, nhưng những vấn đề trên đều đã được dạy cả rồi sao lại đổ cho giáo dục?
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.