Ngày 20/1/2017, ông Donald Trump tuyên thệ nhậm chức, chính thức trở thành Tổng thống thứ 45 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
Ngày 20/1 năm nay, truyền thông thế giới đồng loạt đưa tin Chính phủ Liên bang đã tạm ngừng hoạt động. Luật sư Khanh, hiện đang làm việc tại Mỹ, chia sẻ một bài viết với độc giả VnExpress về vấn đề này.
Chỉ trong vòng 5 năm, chính phủ Mỹ đã đóng cửa hai lần. Lần trước, khi ông Obama (thuộc đảng Dân chủ) là tổng thống, còn quốc hội thì phe Cộng Hòa chiếm đa số. Lần này, khi ông Trump là đương kim tổng thống, Quốc hội vẫn "bị" phe Cộng Hoà chiếm đa số.
Mỗi năm chính phủ Mỹ hoạt động dựa vào ngân sách do quốc hội ban hành. Mỗi năm tài khóa của chính phủ Mỹ kết thúc vào tháng 10, một bản ngân sách do quốc hội chuẩn y được đưa lên Nhà trắng, tổng thống ký duyệt sẽ thành luật. Tiền sau đó được phân bổ cho các cơ quan.
Hồi tháng 10, Quốc hội Mỹ đã không đưa ra được một ngân sách cho cả năm. Họ chỉ có thể đồng ý về một bản ngân sách tạm thời. Ngân sách tạm thời đó đã hết hạn tối hôm 19/1 mà quốc hội vẫn chưa thông qua được ngân sách. Đúng như dự đoán của nhiều người: chính phủ Mỹ đã đóng cửa.
Các cơ quan có chức năng cần thiết vẫn hoạt động như thường: quân sự, điều khiển không phận, an toàn giao thông, bưu chính, hoạt động phòng chống bệnh tật, FBI và CIA, Tòa án, và cả Quốc hội sẽ tiếp tục làm việc.
Các cơ quan có chức năng không cần thiết sẽ bị đóng cửa. Ví dụ như công viên quốc gia, hoạt động cấp hộ chiếu, sở thuế, sở quản lý chứng khoán, NASA... Nhưng họ nghỉ làm thì những việc cần thiết vẫn diễn ra. Các phi hành gia vẫn ở trên không, ở dưới đất thì NASA vẫn có người trực để hỗ trợ. Người dân vẫn đóng thuế, chỉ có điều sở thuế sẽ không coi xét hồ sơ tới khi nào họ đi làm trở lại. Nói chung các hoạt động cần thiết vẫn diễn ra.

Tấm biển thông báo tất cả các công viên quốc gia đều ngừng hoạt động trong thời gian chính phủ Mỹ đóng cửa hồi năm 2013. Ảnh: AFP.
Đa số người dân vẫn bình chân như vại. Ở Mỹ, đa số người dân làm cho các cơ sở tư nhân. Nhân viên nhà nước thì một số lớn làm cho tiểu bang. Vì vậy chợ búa vẫn đầy người, thư vẫn được phát, và thứ hai tới thì đường vẫn sẽ kẹt. Tội phạm thì vẫn bị bắt, và thuế thì vẫn phải đóng. Cuộc sống của người dân vì vậy không ảnh hưởng nhiều.
Kịch bản lần này cũng y như lần trước. Phe thiểu số, tức phe Dân chủ, không chịu bầu cho bản ngân sách cho tới khi phe Cộng Hòa đáp lại yêu sách của họ là chịu tiếp tục chương trình DACA, một chính sách của cựu tổng thống Obama.
>>Cùng một tác giả: Chính phủ Mỹ đóng cửa: Quốc hội mãi 'không lớn nổi'
Ở Mỹ, di dân bất hợp pháp rất nhiều, ước tính lên tới 11 triệu người. Phần lớn trong số này là những người Mỹ Latin, họ tới từ Trung và Nam Mỹ. Đa phần là họ cứ đi qua biên giới ở chỗ hẻo lánh rồi kiếm sống bằng lao động tay chân. Nhiều người dẫn cả gia đình con cái đi theo. Luật DACA nói là những di dân bất hợp pháp tới Mỹ khi còn nhỏ thì được ở lại, không bị trục xuất, mặc dù họ vẫn không có thẻ xanh và tất nhiên là không được thi quốc tịch.
Phe Cộng hòa muốn bãi bỏ luật này còn phe Dân chủ thì muốn tiếp tục. Phe Cộng hòa bèn đáp trả bằng cách nói là họ sẽ cho luật DACA tiếp tục nếu như phe Dân chủ chấp nhận đưa thêm một khoản tiền trong ngân sách để... xây tường ở biên giới với Mexico. Phe Dân chủ không chịu. Vậy là không có ngân sách và đóng cửa.
Cả hai phe đều cứng đầu như nhau. Phe Dân chủ muốn luật DACA vì họ phụ thuộc nhiều vào phiếu bầu của người Mỹ Latin. Phe Cộng Hòa thì không chịu để tỏ ra là cứng rắn với di dân bất hợp pháp. Còn cái bức tường biên giới với Mexico thì cũng giống như một thứ để mặc cả lúc đường cùng.
Ngày trước ông Trump oang oang là sẽ bắt Mexico trả tiền cho bức tường mà bây giờ Quốc hội lại đòi trả tiền cho bức tường. Mà thật ra cái bức tường vớ vẩn đó cũng chả làm gì được. Tường cao thì họ bắt thang, đào hầm, có thêm dây điện thép gai thì đào hầm. Radar thì không thể quản hết mấy ngàn kilomet đường biên giới.
Nếu họ muốn bớt di dân lậu thì tốt hơn cả là bắt những người chủ cho thuê nhà và chủ thuê người di dân lậu đi làm. Không có việc và không có chỗ ở thì đâu ai tới Mỹ làm gì. Mà cả người Việt Nam, vốn ghét di dân lậu vì họ tràn lan khắp nơi còn người Việt Nam chờ bảo lãnh thì lâu và tốn kém vô cùng, cũng tham gia vào cái thái độ dở chừng này. Có những tiệm ăn Việt Nam mướn "Mễ lậu" và trả tiền mặt để trốn thuế. Những người này nhận lương cực ít, khoảng 6-8 đôla một giờ, thấp hơn cả lương tối thiểu. Tất nhiên không phải chỉ có người Việt, rất nhiều người chủ ở Mỹ làm như vậy, kể cả các công ty lớn như 7/11.
Đấy, đại khái là thái độ dở chừng của cả nước Mỹ về chuyện di dân lậu. Cũng không có gì ngạc nhiên khi hai chính đảng lại lôi nhau ra nói xấu và đóng cửa chính phủ vì chuyện này. Phe Dân chủ thì muốn phiếu của người Mỹ Latin, phe Cộng hòa thì muốn phiếu của người da trắng ghét di dân lậu.
Một lần nữa hai phe lại gây sự về một chính sách không liên quan tới tiền bạc. Hồi năm 2013, phe Cộng hòa quyết không bầu cho ngân sách khi những điều khoản cắt giảm điều luật mua bảo hiểm y tế Obamacare của họ không được đáp ứng. Bây giờ thì phe Dân chủ cũng dùng lá bài tương tự, nhưng họ dùng di dân lậu còn phe Cộng hòa thì dùng cái bức tường Mexico.
Còn người dân thì ngáp vắn ngáp dài trước cái Quốc hội không lớn nổi này. Từ năm 2013 tới giờ họ chẳng thay đổi được gì cả ngoài chuyện phe nào nắm bao nhiêu ghế. Mỹ đã 5 lần đóng cửa chính phủ, nhưng đây là lần đầu tiên mà một chính đảng nắm cả Nhà trắng lẫn Quốc hội mà chính phủ vẫn bị đóng cửa.
Ông Trump thì lên Twitter mắng mỏ phe Dân chủ. Đài truyền hình thì chiếu lại cảnh ông Trump hồi năm 2013 tố cáo là tổng thống làm việc thiếu hiệu quả thì chính phủ mới đóng cửa. Tất cả chỉ nói lên rằng tổng thống cũng vô hiệu khi Quốc hội quyết tâm làm mình làm mẩy.
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.