26 năm sau ngày mất của nhà viết kịch tài năng Lưu Quang Vũ, kí ức về người chiến sĩ trên mặt trận văn nghệ thời ấy một lần nữa được thắp sáng trong lòng độc giả - những người cùng thế hệ của văn sĩ và cả những người chỉ biết đến tên tuổi của ông qua những tác phẩm kịch kinh điển.
Bài viết Ký ức về những lần kiểm duyệt kịch Lưu Quang Vũ đã chạm được tới trái tim những người yêu kịch. Họ càng trân trọng hơn một văn sĩ tài ba, luôn mong muốn nói lên sự thật, vạch ra những mặt trái và đòi hỏi sự minh bạch trong cuộc sống đương thời qua tác phẩm của mình.
Dù các vở kịch của Lưu Quang Vũ có giá trị phát hiện và phơi bày thực trạng xã hội, tuy nhiên, để các vở kịch ấy có thể được dàn dựng trên sân khấu và đến được với khán giả, các đạo diễn phải "trầy vi tróc vẩy", bởi họ phải đối mặt với hàng loạt những quy chụp nói xấu chế độ ở cái thời "ai cũng có quyền kiểm duyệt".
“Rất lâu nữa đất nước Việt nam mới có những tác phẩm để đời như của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, nhiều người dân Việt Nam luôn yêu mến và nhớ đến anh vì anh đã mang lại cho nền văn hoá nghệ thuật Việt Nam những bước đột phá mới mà không phải nhà viết kịch nào cũng dám làm, thật đáng khâm phục”, độc giả Anh Tuấn nói.
Độc giả lớn tuổi Quang Huyền chia sẻ một cách chân tình về nhà viết kịch tài năng: “Tôi là một ông già 80 tuổi, lớn hơn Lưu Quang Vũ 15 tuổi. Thời kỳ kịch của Vũ ở đỉnh cao của sự nổi tiếng thì tôi làm việc ở Hà Nội, công đoàn cơ quan thường xuyên cố gắng mua vé cho chúng tôi đi xem tập thể vì ai cũng háo hức.
Tôi (và chúng tôi) thấy kịch của Vũ có mấy đặc điểm: Một là Vũ có vốn sống thực, anh hiểu rất kỹ những điều anh viết. Hai là Vũ viết rất vô tư, vì cái chung mà viết nên anh không phải lo sợ gì cho bản thân mình. Ba là mặc dù Vũ có những câu thoại rất đắc địa nhưng nói chung văn phong của Vũ rất giản dị, không ồn ào giả tạo, không triết lý ra vẻ hoành tráng nhưng rỗng tuếch".
"Tôi không dám nâng Vũ lên tầm Shakespeare, nhưng tôi chắc chắn rằng nếu các nhà viết văn viết kịch trẻ của ta hiện nay làm được như Vũ (theo tôi thì chỉ cần cái tâm như Vũ) thì không lo gì không có một Lưu Quang Vũ thứ hai xuất hiện”, độc giả này nói tiếp
Nếu độc giả Quang Huyền không dám nâng Lưu Quang Vũ lên tầm Shakespeare thì thành viên Thái Thụy Lương lại có cách nghĩ khác, anh cho rằng: “Chỉ có thể nói ‘Lưu Quang vũ, nhà viết kịch vĩ đại, một Shakespeare của Việt Nam, một trăm năm nữa chưa chắc có được một người thứ hai như vậy’.
Thế hệ chúng tôi - những người hiện nay ở tuổi lục tuần, sống trong thời đại của ông, luôn tôn kính ông, nhà viết kịch vĩ đại, một tâm hồn cao cả và một người "cách mạng chân chính" . Hình ảnh của ông và di sản kịch nghệ của ông sống mãi cùng năm tháng với nhân dân lao động của Việt nam”, thành viên Thái Thụy Lương nói thêm.
Bạn đọc Long Thanh tâm đắc: “Thời bao cấp - những năm 80 mà ông Tố Hữu, Ủy viên Bộ Chính trị nhận xét: "Hay! Tuyệt vời", ông Trần Độ, Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương nói: "Vở tốt lắm, vấn đề đặt ra hay, giải quyết được, bắt người xem phải suy nghĩ".
Diễn viên Hoàng Cúc nói: "Tôi chưa thấy nhà viết kịch nào được như anh - một người lúc còn sống khiến cho người khác tỏa sáng lên cùng mình và khi chết đi khiến cho người ta muốn khóc đến giọt nước mắt cuối cùng"…
Chừng đó thôi cũng đủ nhận ra hình dáng của một nhân cách lớn, một trái tim dũng cảm luôn đồng nhịp với nhịp đập của dân tộc, với tầm nhìn minh triết trước các vấn đề đất nước và thời đại và trên hết là nó đã tuôn trào thật tự nhiên, thành tuyên ngôn không gân guốc nhưng cháy bỏng trên những trang viết... Những vấn đề Vũ đề cập đến giờ vẫn còn nóng hổi mà không thấy ai viết tiếp nữa, cũng xứng đáng nếu thêm hai chữ “thiên tài” trước tên ông”.
Đồng quan điểm trên, nick Thanh Nguyen chia sẻ: “Vào những năm 80, Lưu Quang Vũ là một hiện tượng lớn của sân khấu nghệ thuật. Còn nhớ những đêm trông đợi được xem những vở kịch do anh viết được trình diễn mà háo hức và hồi hộp biết dường nào và trông đợi một sự đổi mới thời bấy giờ.
Thật kính phục vợ chồng nhà viết kịch, nhà thơ Lưu Quang Vũ - Xuận Quỳnh tài hoa, tinh tế, đồng thời tôi cùng thương tiếc cho anh chị bạc mệnh. Thật đúng là đến nay sân khấu kịch chưa có một Lưu Quang Vũ thứ hai.
Độc giả Tâm Bình chia sẻ: "Nếu cuộc đời toàn chuyện xấu xa, tại sao cây táo lại nở hoa? Sao rãnh nước trong veo đến thế?". Bao nhiêu năm rồi đọc lại những dòng thơ này của Lưu Quang Vũ mỗi lúc mệt mỏi, lại thấy như vừa được cứu rỗi để tiếp tục gồng gánh với cuộc sống này.
Kịch và thơ của Lưu Quang Vũ đều vẫn luôn cháy rực khát khao và niềm tin yêu cuộc sống như thế, cho dù là nhẹ nhàng lãng mạn, cho dù là gai góc cay đắng, như chính tựa đề "Khoảnh khắc và vô tận" kia. Có những khoảnh khắc làm ta mệt mỏi, nhưng niềm yêu cuộc sống này là vô tận, không bao giờ đổi thay”.
Nick Snow Land hồi tưởng: “Đọc để nhớ về một thời... Trong những năm 80, tôi đã được xem hai vở diễn của Lưu Quang Vũ, đó là “Nàng Sita” và “Lời thề thứ 9” do Nhà hát Tuổi trẻ biểu diễn, những ký ức về hai vở diễn vẫn đọng mãi đến hôm nay.
Vũ đã nói hộ tôi, nói hộ bạn, nói hộ tất cả chúng ta về những suy tư, trăn trở trước những vấn đề mang tính thời sự của xã hội đương thời. Những vấn đề đó cũng vẫn là những vấn đề mà hiện nay, hàng ngày chúng ta thấy nhan nhản trên mặt báo.
Cám ơn anh, và xin thắp một nén nhang tưởng nhớ anh - một con người tài hoa nhưng yểu mệnh”, độc giả này nói thêm.
Thành viên Hương Thủy nhận định: “Tôi sinh năm 1973 - thời ấy những năm 80 thì lúc đó tôi chỉ trên dưới 10 tuổi bám váy anh chị chui vào rạp hát để xem những vở diễn như “Nàng Sita”, “Bệnh sĩ”, “Tôi và Chúng ta", :Hồn Trương Ba da hàng thịt”... và tôi vẫn ấn tượng về những vở kịch ấy không quên đến bây giờ, tôi vẫn có thể nhớ được nội dung nhiều đoạn, kể cả bài hát trong vở "Nàng Sita”.
Nick Hương Thủy nói tiếp: “Khi lớn lên và đọc về Lưu Quang Vũ thì tôi được biết hóa ra những vở đó đều là của ông. Mặc dù thời nhỏ tôi đi xem rất nhiều các vở kích khác, tuy nhiên có vẻ như chỉ có kịch của Lưu Quang Vũ mới đi vào trí nhớ của một đứa trẻ như tôi hồi ấy. Thật vĩ đại một Lưu Quang Vũ, và thương tiếc ông đến tận đáy lòng, quả thật đây một sự mất mát to lớn của văn học nước nhà.
“Những năm cuối 80 thế kỉ trước, để có được một tấm vé vào xem kịch Lưu Quang Vũ ở rạp Công Nhân, chúng tôi phải xếp hàng mua vé từ 3h chiều, nếu tối mới đến thì chỉ có vé phụ. Xem kịch hồi đó xịn lắm, xem một lần là nhớ cả đời, giống như rau thịt không có thuốc tăng trưởng hay thuốc kích thích, có thể nói đó là miếng ăn ngon để đời”, một bạn đọc có nick Hocgiataithe bình luận.
Thành viên có nick Nokia suy ngẫm: “Tất cả các giá trị về văn hóa và nghệ thuật được cố nghệ sĩ Lưu Quang Vũ lồng vào đời thường và thổi hơi ấm của nghệ thuật tới người xem... Tiếc rằng rất đau lòng là một bộ phận lớp trẻ ngày hôm nay, đang đánh mất đi chính bản sắc văn hóa của người Việt.
Thị trường nghệ thuật hiện tại như miếng thịt bạc nhược, khiến chúng ta càng nên suy ngẫm... Ngày xưa khi đi học về, thế hệ chúng tôi toàn đi bộ, mong để giúp một người già qua đường, mong được làm việc tốt. Ngày nay thì tụi trẻ đeo tai nghe qua đường, chẳng màng tới ai và nghe… "Em của ngày hôm qua", nick Nokia kết lại.
Ngày 29/8/1988, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh và cậu con trai Lưu Quỳnh Thơ - ra đi trong một tai nạn giao thông. Đó là tổn thất to lớn cho nền văn học nghệ thuật Việt Nam. Riêng với sân khấu kịch, đến nay, người ta vẫn chưa tìm thấy một Lưu Quang Vũ thứ hai.
>> Xem thêm: Những dòng thư cảm động Xuân Quỳnh gửi Lưu Quang Vũ
Chia sẻ bài viết của bạn về văn hóa, giải trí tại đây.