Ủy ban Nhân dân TP HCM vừa trình Hội đồng Nhân dân thành phố chủ trương xây Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch đạt tiêu chuẩn quốc tế tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng từ nguồn ngân sách. Nhà hát được xây với quy mô 1.700 chỗ, gồm hai khán phòng lớn và nhỏ. Thành phố đánh giá công trình này thật sự cần thiết và cấp bách, là biểu tượng văn hóa, điểm nhấn về kiến trúc, nghệ thuật của địa phương, cần cho người dân.
VnExpress đã nhận được hàng trăm bình luận của độc giả gửi về. Hầu hết các ý kiến cho rằng, việc xây dựng nhà hát giao hưởng nghìn tỷ lúc này là chưa cần thiết. TP HCM nên dành số tiền này đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng sẽ tốt hơn.
"Có ai muốn lội nước đi ghe giao hưởng hay hít khói bụi, kẹt xe để len lỏi vào nhà hát không? Sài Gòn triều cường, trời mưa chạy xe ngập lút bánh thì tâm trí nào nghe nhạc giao hưởng? Bạn nghĩ dân cần bệnh viện, trường học, cơ sở hạ tầng trước hay nhà hát trước. Mục đích của TP HCM thì đúng nhưng thời điểm chưa phù hợp, vì nhà hát giao hưởng này phục vụ những ai, còn cơ sở hạ tầng phục vụ bao nhiêu người", bạn đọc Duy Tran Anh đặt vấn đề.
>>'TP HCM nên xây nhà hát giao hưởng 1.500 tỷ đồng ở Thủ Thiêm'
Cùng quan điểm, độc giả Minh Tran Hoang ví von việc TP HCM xây nhà hát giao hưởng lúc này chẳng khác gì như gia đình nghèo, nhà cửa không dột nát không sửa mà lo đi xem kịch. "Nhà nghèo mà lo đi mua sắm, coi ca nhạc cổ điển có hợp lý không? Đường xá thì kẹt cứng, chạy xe về vài km mà không xong, lo rước con cái không kịp, đường ngập tứ tung, xăng lên ngùn ngụt, đời sống khó khăn khắp nơi mà đi lo xây nhà hát giao hưởng. Tôi nghĩ TP HCM trước mắt nên sửa lại các nhà hát hiện tại để phục vụ người dân là được rồi. Thành phố nên lấy tiền đó xây thêm 4, 5 cây cầu vượt điểm nghẽn cổ chai phục vụ dân thì tốt hơn", anh Minh Tran Hoang chia sẻ.
Bên cạnh đó, một số ý kiến khác cho rằng, hiện tại các nhà hát trên địa bàn, TP HCM đã sử dụng hết công suất hay chưa mà lại chủ trương xây dựng cái mới. "Hãy nhìn rạp Trần Hưng Đạo và nhà hát Trần Hữu Trang rồi thấy. Ngay cả loại hình kịch, cải lương vốn rất được người dân hâm mộ nhưng số khán giả đến vẫn không được như kỳ vọng, huống chi nhạc giao hưởng vốn rất kén người thưởng thức. Còn nếu bỏ ra hơn 1.500 tỷ đồng để thu hút được các đoàn nổi tiếng thế giới đến thì chỉ phục vụ được trong thời gian ngắn cho số ít khán thính giả này", bạn đọc Ngọc Long phân tích.
Còn độc giả Dang Ly cho biết, vấn đề nằm ở chỗ xây nhà hát giao hưởng nghìn tỷ này liệu có khai thác hết được công suất không? Hay chỉ sử dụng một vài lần trong năm, sau đó đắp chiếu luôn. "Tôi thấy rất nhiều công trình nghìn tỷ của các địa phương đắp chiếu kiểu như vậy: Thư viện, bảo tàng, nhà sinh hoạt cộng đồng... Bội chi ngân sách năm nào cũng tăng nên chúng ta cân nhắc sử dụng tiền hiệu quả hơn. Cái nào cấp thiết thì làm trước, chứ đừng kiểu nhà không đủ tiền ăn nhưng lại mua hoa, tranh ảnh về ngắm", anh Dang Ly viết.
Đồng quan điểm này, bạn đọc Thanh Tai bày tỏ: "Xây nhà hát giao hưởng thì phải tính tới trình độ dân trí, chứ đừng vì cái mang tính quốc tế mà xây dựng chẳng biết được sử dụng mấy lần trong năm? Có bao nhiêu người có trình độ để nghe nhạc thính phòng và đây chắc chắn không phải là dòng nhạc dân ta yêu thích? Rồi lại tốn chi phí nuôi dưỡng bộ máy và bảo trì bảo dưỡng. Nhiều việc cấp thiết cần sử dụng hơn như xây trường học, bệnh viện, đường xá".
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.