Lúc tôi khoảng 5 tuổi, vào một buổi chiều, đang say ngủ thì tôi thức giấc vì tiếng hát phát ra từ máy hát đĩa mà chỉ có chú Bảy tôi mới có quyền bật. Các ca từ khi ấy rất xa lạ đối với một đứa trẻ như tôi. Nó diễn tả một “đàn bò vào thành phố”, rồi chuyển qua “người chết hai lần thịt da nát tan” và đến “hãy sống dùm tôi hãy nói dùm tôi hãy thở dùm tôi”. Tôi không biết bài hát này của ai, hay ca sĩ đang hát là ai.
Rồi gia đình tôi ra ở riêng trong một xóm lao động người Hoa. Khi đó, chúng tôi chỉ có một cái radio nhỏ từ những năm 1970, nhưng chỉ để nghe tin tức. Một ngày ba má mang về chiếc máy cassette và vài cuộn băng nhạc trong sự ngạc nhiên và thích thú của tôi và em gái tôi. Cả nhà cùng với hai người bạn của ba má ngồi xung quanh cái máy cassette được vặn âm lượng rất nhỏ, mọi người phải khom người xuống sát cái máy để nghe lời nhạc “mưa vẫn mưa bay trên từng tháp cổ”, “áo xưa dù nhàu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau”.
Tôi vào đại học, đi làm, lấy vợ, lại làm, lại học, phấn đấu lên lương, lên chức. Nói tóm lại là bị cuốn vào vòng xoáy của cuộc đời. Trong suốt thời gian đó, tôi chỉ nghe nhạc hòa tấu guitair, piano, violon, sáo. Một ngày, tôi vô tình mua được các đĩa CD trong series Ca khúc Da vàng, nhưng không được nghe ngay vì bà xã tôi không thích các loại nhạc này bằng nhạc dân ca miền Nam. Tôi phải đợi đến 22h, khi mọi người đã lên lầu ngủ. Một mình tôi ở dưới nhà, bỏ đĩa vào máy, nằm lên võng, tôi lại nghe các ca từ của Trịnh qua giọng ca quen thuộc, Khánh Ly. Mắt tôi tự nhiên ngân ngấn, không phải vì lời ca ủy mỵ, không phải vì buồn, mà vì các ký ức tuổi thơ cứ cuộn chảy về làm tôi như lơ lửng giữa không trung, một cảm giác lâng lâng khó tả mà tôi tự cho rằng chắc còn sướng hơn cảm giác của những người nghiện ma túy. Tất cả kỷ niệm tràn về.
Nhạc Trịnh Công Sơn và giọng ca Khánh Ly đã đi vào lòng tôi như vậy. Đối với tôi, nếu chưa nghe, hiểu, và cảm các bài trong Ca khúc Da vàng thì chưa bao giờ biết đến nhạc Trịnh. Những ca khúc ấy đã gắn liền tên hai người trong những đêm Hát cho dân tôi nghe của phong trào sinh viên học viên Sài Gòn. Những bài hát đã đưa hình ảnh của chàng trai kính cận với guitar thùng thành nhạc sĩ của giới sinh viên, trí thức phản chiến, đưa tên tuổi của Khánh Ly vượt ra khỏi phạm vi quán nhỏ của Đà Lạt.
Việt Nam có rất nhiều nhạc sĩ nổi tiếng, với những bài ca bất hủ, được nhiều ca sĩ tài năng thể hiện. Nhưng tại sao khi nhắc đến Trịnh người ta lại gắn với Khánh Ly? Tôi không cố gắng tranh luận về vấn đề này, vì tôi không phải là fan cuồng nhiệt của Khánh Ly. Tôi không chỉ nghe có mỗi nhạc Trịnh, nhưng nếu nghe nhạc Trịnh thì tôi chỉ nghe có mỗi Khánh Ly hát. Vì tôi nhìn thấy tuổi thơ của tôi, kỷ niệm của tôi ở tất cả các bài hát của Trịnh qua lời ca Khánh Ly. Tôi lại như được ngồi tại lớp luyện thi môn Hóa tại nhà riêng của thày giáo trong con hẻm nghèo ngoằn ngoèo trên đường Cách Mạng Tháng 8, nghe “ngày mai em đi biển nhớ thương em gọi về”. Tôi lại thấy một thằng bé, chính là tôi, ngồi trên căn gác gỗ, bên các nồi hứng nước mưa dột từ mái nhà xuống, nhìn ra hiên nghe văng vẳng “ngoài kia mưa rơi rơi, lòng ai như chơi vơi, người ơi hoen ướt mi rồi…”.