Do dư âm của phiên giảm hôm trước, chứng khoán tiếp tục trượt dốc trong những phút đầu phiên sáng nay 17/12. Vn-Index kết thúc đợt giao dịch thứ nhất tại 295,04 điểm, đi xuống 1,38 điểm, tương đương 0,46%. Lượng cổ phiếu được khớp trong đợt đầu đạt 1,635 triệu, giá trị 41,52 tỷ đồng.
Nhưng đa số các blue chip đều hồi phục, với số cổ phiếu tăng trần chiếm tỷ trong khá lớn. Góp mặt trong nhóm "đụng trần", có những cổ phiếu như DPM, SSI, ITA, GMD và SJS. Ngoài ra, một số blue-chip như FPT, PPC, STB, VNM, VPL REE, HPG cũng có mức tăng khá ấn tượng.
Bên cạnh diễn biến tốt của nhóm cổ phiếu hàng đầu, số điểm trừ không lớn cùng với tính thanh khoản tương đối tốt sau đợt một hứa hẹn diễn biến khả quan hơn cho thị trường trong những phút tiếp theo. Tuy nhiên, xu hướng mất điểm tiếp tục trầm trọng hơn trong nửa giờ đầu của đợt khớp lệnh thứ hai. Vn-Index bị kéo sụt xuống và đạt đáy của phiên ở quanh mức 293 điểm.
Cũng từ giá trị này, chứng khoán dần khởi sắc trở lại. Chỉ trong khoảng 20 phút từ 9h30 đến 9h50, chỉ số chính của HOSE tăng liền 8 điểm, đạt giá trị trên 301 điểm. Song lực cầu đổ vào thị trường không đủ lớn và ổn định để giúp Vn-Index duy trì đà tăng. Vn-Index chỉ đứng tại đỉnh được khoảng 5 phút để rồi quay lại xu hướng điều chỉnh giảm nhẹ. Chỉ số này kết thúc đợt khớp lệnh thứ hai tại 299,5 điểm, tăng 3,08 điểm, tương ứng 1,03%. Lượng cổ phiếu trao tay sau đợt khớp lệnh liên tục đạt 9,03 triệu, giá trị 221,25 tỷ đồng.
Để được hưởng niềm vui tăng điểm, nhà đầu tư trong phiên giao sáng nay cũng đã phải trải qua nhiều lo âu. Ảnh: Hoàng Hà. |
Trong khoảng thời gian ngắn ngủi của đợt ba, hàn thử biểu của chứng khoán Việt Nam một lần nữa thay đổi xu hướng từ điều chỉnh giảm thành tăng điểm. Kết thúc ngày giao dịch, Vn-Index chốt tại 301,02 điểm, đi lên 1,55% tương đương 4,6 điểm. Tổng lượng thực hiện qua giao dịch báo giá đạt 10,81 triệu cổ phiếu, giá trị 264,36 tỷ đồng.
Giao dịch thỏa thuận đặc biệt sôi động khi có tới 4,58 triệu chứng khoán được sang tên, giá trị 101,97 tỷ đồng. Trong đó, chỉ riêng giao dịch cổ phiếu STB đã chiếm tới 4,28 triệu chứng khoán, ngang với 93% lượng giao dịch thỏa thuận. Phần còn lại là các cổ phiếu như HSC, NTL, SFC, và VPL.
Trong phiên trước, cổ phiếu STB của Ngân hàng Sacombank đã mất điểm khá mạnh sau khi Tổ chức Tài chính Quốc tế ICF, một cổ đông của của STB tuyên bố giảm 50% số cổ phần đang nắm giữ. Tuy nhiên tin xấu trên đã được giới đầu tư "hấp thụ" khá nhanh khi đại gia ngân hàng này vẫn lên điểm sau phiên hôm nay.
Bên cạnh đó, mức giá khớp thỏa thuận của STB là 19.900 đồng, cao hơn khá nhiều so với giá đóng cửa 19.200 đồng. Theo một chuyên gia chứng khoán, giao dịch thỏa thuận với số lượng lớn và giá cao của STB thể hiện bên mua nói chung vẫn có cái nhìn khá lạc quan về triển vọng của cổ phiếu này.
Toàn sàn HOSE có 91 mã tăng, 28 mã giảm và 54 mã đứng giá. Nhà đầu tư nước ngoài phiên này mua vào 5,63 triệu và mua vào 5,76 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ.
Tại sàn Hà Nội, chỉ số HaSTC-Index được cộng 0,87 điểm, tương đương 0,82%, kết thúc ngày giao dịch tại 107,44 điểm. Tổng khối lượng sang tên đạt 7,1 triệu cổ phiếu, giá trị 161,98 tỷ đồng.
Xuân Hòa