Đầu tháng 8/2010, Dược Viễn Đông tuyên bố bán toàn bộ hơn một triệu cổ phiếu DHT của Công ty Dược Hà Tây đang sở hữu. Tuy nhiên, cũng trong thời gian này, ông Nguyễn Văn Tuân, Trợ lý Tổng giám đốc Dược Viễn Đông cùng một số cổ đông của doanh nghiệp này cũng mua vào phần lớn số chứng khoán được bán ra (riêng ông Tuân mua 750.000 cổ phiếu).
Trao đổi với VnExpress.net, một lãnh đạo cấp cao của Dược Viễn Đông lý giải việc chuyển nhượng gần như toàn bộ lượng cổ phiếu của doanh nghiệp sang sở hữu cá nhân thực chất là để tránh cho công ty những rắc rối không cần thiết khi tiến hành thâu tóm.
“Thực chất chuyện này chỉ là cơm không ăn thì gạo còn đó. Chúng tôi vẫn quyết tâm mua lại công ty mục tiêu, cho dù phải mất thêm thời gian và chịu nhiều phiền phức”, ông này khẳng định.
Một tin nhắn nặc danh được gửi đến cổ đông của Dược Hà Tây. Ảnh: T.H |
Những phiền phức mà vị quan chức này nhắc đến là hàng chục tin nhắn gửi qua điện thoại di động mà ông và một số đồng nghiệp tại Dược Viễn Đông phải nhận trong gần một tháng qua với nội dung nói xấu, thậm chí đe dọa. Đáng chú ý, những tin nhắn dạng này được gửi cho cả lãnh đạo của Dược Hà Tây.
“Mỗi ngày chúng tôi đều phải nhận vài ba tin nhắn như thế. Lúc thì họ nhằm vào chúng tôi, lúc lại nói xấu doanh nghiệp kia. Chúng tôi chẳng biết mục đích của những người này là gì”, lãnh đạo Dược Viễn Đông cho biết.
Vụ thâu tóm Dược Hà Tây | |
|
“Mỗi tin nhắn nói về một chuyện. Khi thì họ bảo Dược Hà Tây làm sai cái nọ, cái kia, khi thì lại bảo Dược Viễn Đông hết đường thâu tóm… Chẳng biết hiểu như thế nào”, một cổ đông lớn của Dược Hà Tây cũng nhận được những tin nhắn này cho biết.
Theo tìm hiểu của VnExpress.net, phần lớn những tin nhắn này đều được gửi đi từ các số sim “rác” và người gửi thường tắt máy ngay sau khi gửi tin. Ở một số tin nhắn, người gửi có ký tên là một nhân viên của Dược Hà Tây. Tuy nhiên, doanh nghiệp này cho biết họ không có bất cứ một nhân viên nào tên như vậy.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Dược Hà Tây, Lê Văn Lớ, cho biết ông và một số đồng nghiệp cũng nhận được những tin nhắn có nội dung tương tự. Tuy không để ý nhiều đến những đe dọa này nhưng ông Lớ cho biết Hội đồng quản trị cũng không khỏi lo ngại trước những thông tin bất lợi, có khả năng ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như lòng tin của cán bộ công nhân viên.
Về diễn biến của vụ thâu tóm, ông Lớ cho biết kết quả chỉ có thể được đưa ra tại Đại hội cổ đông kế tiếp của doanh nghiệp, dự kiến diễn ra vào đầu năm 2011.
Tuy nhiên, trong khi chờ đợi Đại hội này thì đầu tháng 8 vừa qua, một nhân vật quan trọng trong vụ thâu tóm Dược Hà Tây đã bị kẻ xấu hành hung ngay tại Hà Nội. Ông này may mắn chỉ bị thương nhẹ, đã có thể đi làm trở lại và đang chờ đợi kết quả điều tra từ phía cơ quan chức năng.
Cuối tháng 6/2010, Công ty Dược Viễn Đông công bố sở hữu 24,71% cổ phần của công ty Dược Hà Tây (mã chứng khoán DHT). Phần lớn lượng cổ phiếu này được chuyển nhượng từ sở hữu của ông Lê Văn Dũng (Chủ tịch Hội đồng quản trị Dược Viễn Đông) và trợ lý của ông. Kể từ sau thời điểm này, Dược Viễn Đông và một số cổ đông liên quan tiếp tục mua gom cổ phiếu DHT. Tính đến giữa tháng 7, tổng lượng cổ phiếu mà nhóm này nắm giữ đã chiếm khoảng 60% vốn điều lệ của Dược Hà Tây. Dược Viễn Đông cũng công khai ý định muốn mua bán - sáp nhập với doanh nghiệp này. Trước nguy cơ bị thâu tóm, ban lãnh đạo Dược Hà Tây đã tiến hành một số động thái như đăng ký mua cổ phiếu quỹ, công bố kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu… nhằm giảm tỷ lệ sở hữu của Dược Viễn Đông. Mặc dù phần lớn những kế hoạch này đều không thực hiện được nhưng những phản ứng của công ty mục tiêu đã gây khó khăn cho quá trình thâu tóm của Dược Viễn Đông. Sau 2 lần thất bại trong việc chào mua thêm cổ phiếu, đến ngày 16/7, Dược Viễn Đông đã tiến hành chào bán toàn bộ số cổ phiếu DHT đang nắm giữ và đã bán hết sau khoảng 2 tuần. |
Nhật Minh