Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang tổ chức lấy ý kiến các thành viên thị trường về dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, dự kiến Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ ban hành trong quý II/2013. Theo đó, mức tiền xử phạt tối đa tăng lên tới 2 tỷ đồng, gấp 4 lần mức cũ.
Nghị định mới sẽ thay thế Nghị định số 85/2010/NĐ-CP ngày 2/8/2010 của Chính phủ. Theo dự thảo, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với tổ chức vi phạm là 2 tỷ đồng và đối với cá nhân là 1 tỷ đồng. |
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong năm 2012, cơ quan này đã tổ chức 7 đoàn thanh tra, 60 đoàn kiểm tra đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán, công ty đại chúng, công ty kiểm toán và các vấn đề thao túng giá. Kết quả đã có 180 quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền phạt 11 tỷ đồng được ban hành.
Những vi phạm phổ biến vẫn liên quan đến việc công bố thông tin giao dịch cổ phiếu của cổ đông nội bộ, cổ đông lớn và người có liên quan với tổng cộng 45 quyết định đã ban hành, các mức phạt được đưa ra chỉ dao động trong khoảng từ 40-80 triệu đồng/trường hợp, chưa đủ tính răn đe, bởi nhiều tổ chức và cá nhân chấp nhận đóng phạt để hợp pháp hóa những vi phạm của mình.
Nghị định mới sẽ thay thế Nghị định số 85/2010/NĐ-CP ngày 2/8/2010 của Chính phủ. Theo dự thảo, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với tổ chức vi phạm là 2 tỷ đồng và đối với cá nhân là 1 tỷ đồng.
Hình thức xử phạt bổ sung cũng “nặng cân” hơn trước nhiều như: đình chỉ có thời hạn hoạt động chào bán chứng khoán, niêm yết, đăng ký giao dịch, hoạt động kinh doanh, dịch vụ chứng khoán, hoạt động giao dịch chứng khoán, hoạt động lưu ký chứng khoán, hoạt động kiểm toán.
Tước quyền sử dụng giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán có thời hạn và tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.
Các hành vi giao dịch nội bộ sẽ bị phạt từ 600 triệu đồng đến 800 triệu đồng đối với tổ chức và từ 300 triệu đồng đến 400 triệu đồng đối với cá nhân.
Các mức phạt tăng lên 800 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng đối với tổ chức và từ 400 triệu đồng đến 600 triệu đồng đối với cá nhân trực tiếp hay gián tiếp tham gia vào việc tạo dựng thông tin sai sự thật, công bố thông tin sai lệch nhằm lôi kéo, xúi giục việc mua, bán chứng khoán hoặc không công bố kịp thời, đầy đủ thông tin về các sự kiện xảy ra có ảnh hưởng đến giá chứng khoán.
Dự thảo đưa ra mức phạt tiền cao nhất là 1,5 tỷ đồng đến 2 tỷ đồng đối với tổ chức và từ 750 triệu đồng đến 1 tỷ đồng đối với cá nhân có hành vi giao dịch thao túng thị trường chứng khoán.
Một trong những yếu tố quyết định đến sự phát triển ổn định và vững chắc của thị trường chứng khoán là tính minh bạch thông tin. Năm 2012, chưa có một tổ chức, cá nhân nào bị xử phạt về những hành vi: thông tin sai sự thật, che giấu sự thật hoặc thông tin sai lệch sai lệch nghiêm trọng, lập, xác nhận giả mạo hồ sơ, tạo dựng và công bố thông tin sai lệch... mặc dù những hành vi này có thể làm khuynh đảo toàn bộ thị trường.
Dự thảo nghị định mới đã tăng mức xử phạt nặng nhất đối với những hành vi trên nhưng vẫn chỉ như “muối bỏ bể” so với những thu nhập bất chính từ những hành vi này, đồng thời cũng chưa quy định rõ ràng về hành vi vi phạm cụ thể.
Điển hình đối với tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi lập, xác nhận hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng có thông tin cố ý làm sai sự thật hoặc che giấu sự thật chỉ bị phạt tiền từ 100 triệu đến 300 triệu đồng (tương tự như hành vi lập, xác nhận hồ sơ niêm yết có thông tin sai sự thật hoặc che giấu sự thật hoặc sai lệch nghiêm trọng ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư; lập, xác nhận hồ sơ giả mạo để đăng ký giao dịch chứng khoán).
Trong khi đó, hành vi này có thể thu lợi bất chính hàng chục tỷ đồng trong một đợt chào bán chứng khoán ra công chúng và tội cố ý làm sai sự thật có thể bị truy cứu hình sự.
Đối với tội giả mạo hồ sơ chào bán chứng khoán ra công chúng bị phạt tiền nặng hơn rất nhiều, từ 1% đến 5% tổng số tiền đã huy động, trong khi giữa hành vi cố ý làm sai sự thật hoặc che giấu sự thật và giả mạo hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng rất gần nhau, gắn kết với nhau chỉ trong gang tấc.
Dự thảo quy định phạt tiền từ 1 lần đến 5 lần khoản thu trái pháp luật đối với tổ chức thực hiện chào bán chứng khoán khi chưa có giấy chứng nhận chào bán chứng khoán ra công chúng. Tuy nhiên, việc tính toán khoản thu trái pháp luật này chưa có quy định cụ thể nên rất khó có thể thực hiện.
Lần đầu tiên dự thảo quy định phạt tiền từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng đối với tổ chức nước ngoài chào bán chứng khoán ra công chúng tại Việt Nam vi phạm cam kết không chuyển vốn huy động được ra nước ngoài, không rút vốn tự có đối ứng trong thời hạn dự án được cấp phép, nhưng mức phạt này cũng chỉ như “phủi bụi” bởi vì số tiền “không chuyển vốn huy động được ra nước ngoài” có thể lên tới hàng triệu USD.
Đối với các công ty chứng khoán, mức xử phạt cao nhất cũng chỉ có 300 triệu đồng, kể cả đối với hành vi hoạt động như một “ngân hàng ngầm” như: cho vay trái quy định của pháp luật; không tuân thủ quy định về hạn chế vay nợ và hạn chế cho vay của công ty chứng khoán; đầu tư hoặc tham gia góp vốn không đúng quy định pháp luật.
Cuối cùng hành vi bị phạt nặng nhất là giao dịch thao túng thị trường chứng khoán với mức phạt tối đa 2 tỷ đồng và hành vi trực tiếp hay gián tiếp tham gia vào việc tạo dựng thông tin sai sự thật, công bố thông tin sai lệch nhằm lôi kéo, xúi giục việc mua, bán chứng khoán hoặc không công bố kịp thời, đầy đủ thông tin về các sự kiện xảy ra có ảnh hưởng đến giá chứng khoán trên thị trường bị phạt tối đa tới 1,2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có quy định về cách tính toán các khoản thu nhập bất chính từ hành vi thao túng thị trường chứng khoán để tịch thu và cũng chưa quy định mức độ thao túng như thế nào thì chuyển hồ sơ sang Cơ quan cảnh sát điều tra để truy tố trách nhiệm hình sự.
Theo VnEconomy