Chốt phiên giao dịch cuối cùng của tháng (ngày 31/1) cả hai sàn cùng điều chỉnh giảm điểm nhưng đà tăng và xu hướng đánh lên hàng loạt nhóm cổ phiếu vẫn lấn lướt toàn thị trường. Không chỉ có các mã penny tranh thủ tăng trần mà nhiều blue-chip cũng khớp lệnh ở giá cao. Đáng chú ý nhất là chuỗi 6 phiên giao dịch từ ngày 23 đến 30/1, Vn-Index đã liên tục đi lên với tỷ lệ "khủng", tăng tổng cộng hơn 10%. Trong đó, phiên ngày 25/1 đột phá khi thị trường bật lên 15,69 điểm, tăng mạnh nhất trong hơn 10 tháng qua.
Giới "buôn" chứng khoán tin rằng, các tin tích cực như đề án giải cứu nền kinh tế, hỗ trợ bất động sản cũng như nới biên độ cả 2 sàn, sẽ mở room cho nhà đầu tư ngoại hay sắp có nhiều quỹ mở ra đời đã kéo thị trường đi lên mạnh mẽ. Song trong đà hưng phấn đó vẫn có không ít ý kiến phản biện cho rằng, chứng khoán năm 2013 còn nhiều diễn biến khó lường.
Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa quản trị kinh doanh Đại học Ngân hàng TP HCM dự báo: "Chứng khoán vẫn sẽ nằm ở trạng thái rập rình trong vòng 1 năm nữa. Bởi lẽ thị trường này phản ánh sức khỏe của nền kinh tế trong khi hiện nay sức khỏe của doanh nghiệp vẫn chưa được cải thiện".
Theo ông Dương, sức ì của nền kinh tế quá lớn cộng với nhiều tồn đọng khó giải quyết như nợ xấu và hàng tồn kho tăng mạnh là điều đáng lo ngại. Việc dùng đòn bẩy có thể dẫn đến quá sức còn giải quyết hàng tồn kho bằng cách giảm giá thành thì nợ xấu ngân hàng lại tăng cao. Do vậy, vòng luẩn quẩn đó sẽ không có lối ra. Trong khi đó, bản chất về năng lực điều hành trong doanh nghiệp còn yếu, đôi khi, có giải pháp rồi nhưng hành động lại không hiệu quả.
Dù chứng khoán đã có tháng 1 đầy hưng phấn nhưng các chuyên gia dự báo thị trường vẫn sẽ rình rập trong cả năm 2013. Ảnh: B.H |
Chuyên gia kinh tế này nhận xét, chứng khoán 2013 sẽ không như những gì kỳ vọng vì thị trường vẫn phải chịu sức ép của kinh tế toàn cầu nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng. Với những tồn đọng lớn như hiện nay thì việc vực dậy nền kinh tế không phải là một sớm một chiều. Chỉ khi nào nền kinh tế tốt lên thì thị trường chứng khoán mới thật sự khởi sắc trở lại.
"Các yếu tố kích thích như tạo sản phẩm mới, điều chỉnh biên độ giao dịch… chỉ làm cho thị trường thuận lợi hơn chứ “nội công” vẫn nằm ở sức khỏe doanh nghiệp và niềm tin của nhà đầu tư. Vì vậy, thị trường sẽ khó tăng mạnh trong 1 năm", ông Dương nhấn mạnh.
Trưởng phòng phân tích đầu tư Công ty chứng khoán Kim Eng, Phan Dũng Khánh phân tích, các thông tin tích cực cùng lắm chỉ có tác động ngắn hạn đối với thị trường chứng khoán. Còn trong dài hạn, nhà đầu tư phải nhìn xem các chính sách hỗ trợ nền kinh tế được triển khai ra sao.
Ông Khánh nhận định, hiện nay chứng khoán Việt Nam đã có đáy lớn nên việc thị trường tiếp tục giảm sâu như những năm trước là rất khó. Khả năng từ đây đến Tết âm lịch thị trường sẽ có xu hướng tăng, nhưng sau đó sẽ đi ngang. Bởi lẽ nhà đầu tư chờ đợi những hành động cụ thể được “thấm” vào nền kinh tế như thế nào.
Trong khi đó, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quản lý Quỹ đầu tư Việt Nam, Trần Thanh Tân tin rằng, thị trường tăng trưởng trong thời gian qua là do nhiều yếu tố tác động. Trong đó, yếu tố tâm lý của nhà đầu tư về những giải pháp vực dậy thị trường chứng khoán của Chính phủ và những giải pháp mà Ủy ban Chứng khoán đưa ra đang tạo ra những hiệu ứng tích cực.
Quan điểm của ông Tân, mặc dù báo cáo tài chính quý IV/2012 của các công ty có những đơn vị làm ăn không tốt nhưng vẫn le lói tín hiệu lạc quan là đà lao dốc của của các doanh nghiệp đang có dấu hiệu chững lại. "Điều này báo hiệu những năm tới tình hình sản xuất kinh doanh sẽ tốt dần lên nhưng nên lạc quan một cách thận trọng", ông Tân nói.
Theo lãnh đạo một công ty chứng khoán tại Hà Nội, thị trường đang tăng trưởng khá khó lường do có rất nhiều nguyên nhân tác động nhưng tính bền vững thì cần xét thêm. Bởi theo báo cáo tài chính quý IV và năm 2012 chưa kiểm toán của các doanh nghiệp, có cả dấu hiệu bi quan và lạc quan. "Đây mới chính là mấu chốt của việc thị trường chứng khoán có thể phát triển bền vững hay không", vị này nhận xét.
Nhóm phóng viên