Thị trường chứng khoán những ngày qua xôn xao về sự kiện Công ty Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn đang xin ý kiến cổ đông về việc rút niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.
Lên sàn từ cuối năm 2009 với lượng niêm yết chiếm đến 10% vốn hóa sàn Hà Nội, phần lớn cổ phiếu SQC hiện được nắm giữ bởi người giàu thứ 3 trên sàn chứng khoán năm 2009 theo bình chọn của VnExpress.net - ông Đặng Thành Tâm. Bản thân ông Tâm, cũng có mặt trong buổi họp báo của doanh nghiệp này trong sáng 11/10 để lý giải rõ hơn về ý định bãi yết mã chứng khoán SQC.
Ông Đặng Thành Tâm hiện nắm khoảng 60% cổ phần tại SQC. Ảnh: N.M |
Theo giải thích của ông Tâm, một phần nguyên nhân dẫn đến ý định bãi yết của hội đồng quản trị là do bản thân ông và doanh nghiệp đã phải chịu nhiều sức ép trong thời gian qua do cổ phiếu SQC có lượng niêm yết lớn nhưng lại có rất ít giao dịch kể từ khi lên sàn.
"Nhiều người nói SQC làm méo mó thị trường chứng khoán. Chịu áp lực nhiều quá nên chúng tôi cũng xin rút. Vì cùng lắm thì cũng nghe mắng được 10 lần, chứ sao nghe nổi 20 lần", ông Tâm chia sẻ.
Đứng trước những lo ngại về quyền lợi của cổ đông nhỏ, nếu việc bãi yết trở thành hiện thực, ông Tâm khẳng định hội đồng quản trị đã có phương án và nguồn tiền để mua lại cổ phiếu quỹ cho cổ đông. Tuy vậy, quyết định cuối cùng chỉ có thể được đưa ra trong vòng một tháng tới.
Ông Đặng Thành Tâm sinh năm 1964 tại Hải Phòng, hiện thường trú tại TP HCM. Ở tuổi 46, ông là một trong những thương gia thành công nhất hiện nay với cương vị là người đứng đầu, thành viên Hội đồng quản trị nhiều doanh nghiệp niêm yết lớn như Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC), Công ty Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo, Công ty Công nghệ viễn thông Sài Gòn (SGT)... Tính đến hết năm 2009, giá trị cổ phiếu ông Tâm năm giữ ước khoảng 4.700 tỷ đồng. |
Một nội dung khác cũng được lãnh đạo Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn giải trình là việc doanh nghiệp này cho ngừng hoạt động nhà máy sản xuất xỉ titan tại tỉnh Bình Định từ nhiều tháng nay mà không công bố thông tin.
Bà Nguyễn Trần Triệu Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc Công ty Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn xác nhận việc cho ngừng hoạt động nhà máy sản xuất xỉ titan, thuộc cụm công nghiệp chế biến sâu titan tại xã Mỹ Thành (Bình Định) là đúng. Tuy nhiên, từ tháng 7 đến nay, nhà máy này vẫn "hoạt động cầm chừng" chứ chưa ngừng hẳn.
Theo giải thích của bà Thanh, Nhà máy sản xuất xỉ titan bắt đầu được công ty cho hoạt động kể từ tháng 7/2009. Đây là khâu cuối cùng trong dây chuyền sản xuất quặng titan thô của doanh nghiệp với toàn bộ sản phẩm phục vụ xuất khẩu.
Xỉ titan là mặt hàng mới nên mặc dù được sản xuất từ tháng 7/2009 nhưng mãi đến đầu năm 2010, Bộ Tài chính mới ban hành thuế suất xuất khẩu (18%) đối với mặt hàng này. Theo doanh nghiệp, mức thuế này là quá cao so với thuế suất đánh vào quặng titan thô (20%) và mâu thuẫn với chủ trương khuyến khích xuất khẩu sản phẩm đã qua chế biến của Chính phủ.
Sau nhiều kiến nghị của doanh nghiệp thông qua Hiệp hội Titan, thuế suất được giảm xuống còn 15%. Tuy nhiên, theo đại diện Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn, mức thuế nói trên vẫn chưa thỏa đáng (theo bà Thanh, thuế suất dưới 5% mới là hợp lý).
Do thuế suất cao, nên theo tính toán của doanh nghiệp, nếu kiên quyết xuất khẩu số xỉ đã qua chế biến, khoản lỗ lên tới hàng chục triệu USD hoàn toàn có thể xảy ra trong khi công ty vẫn phải trả lãi vay ngân hàng hàng tháng. Chính vì lý do này, sau hơn một năm sản xuất, doanh nghiệp chưa hề xuất một tấn titan nào, khiến lượng tồn kho đã lên tới 2.000 tấn.
Đứng trước việc "càng làm, càng lỗ" nói trên, cộng với khả năng thuế suất khó có thể thay đổi trong năm nay, lãnh đạo doanh nghiệp đã quyết định cho ngừng hoạt động nhà máy sản xuất xỉ. Theo bà Thanh, việc làm này "chỉ có lợi cho doanh nghiệp và cổ đông".
"Do việc ngừng hoạt động không ảnh hưởng đến doanh thu của công ty nên Hội đồng quản trị cho rằng không cần thiết phải công bố thông tin. Ngoại trừ nhà máy sản xuất titan, các hoạt động sản xuất khác vẫn bình thường", Chủ tịch hội đồng quản trị công ty giải thích.
Đánh giá về vấn đề này, ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cho rằng giải trình của doanh nghiệp như vậy là chưa thỏa đáng: "Việc đóng cửa nhà máy được coi là sự kiện có thể ảnh hưởng tới kết quả sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp, dù có lý do, đánh giá như thế nào thì cũng phải công bố", ông Dũng khẳng định.
Theo Giám đốc Sở, với việc làm như vậy, doanh nghiệp đã không hoàn thành nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định với công ty niêm yết. Lãnh đạo HNX cũng cho biết đã báo cáo sự việc này lên Ủy ban Chứng khoán và đang chờ quyết định xử lý.
Thông tin giải trình về việc ngừng hoạt động nhà máy sản xuất xỉ titan và nghị quyết của Hội đồng quản trị SQC về việc xin ý kiến cổ đông bãi yết được Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội công bố ngày 7/10 vừa qua. Sau thời điểm này, giá cổ phiếu SQC đã trải qua 3 phiên giao dịch tại HNX với một phiên giảm và 2 phiên tăng. Tính đến hết ngày 11/10, chứng khoán này được giao dịch với giá đóng cửa là 91.000 đồng một cổ phiếu, tăng 1.500 đồng so với phiên ngày 6/10. Lượng giao dịch trong 2 phiên gần đây tăng mạnh lên 3.500 và 1.200 cổ phiếu so với mức 200 - 500 cổ phiếu trong những phiên trước. |
Nhật Minh