Chuyển nhượng khoảng 10% cổ phần (14 triệu cổ phiếu) cho Kohlberg Kravis Roberts & Co. L.P. (KKR), quỹ đầu tư tư nhân hàng đầu ở Mỹ, với tổng giá trị giao dịch 159 triệu USD, giá bình quân của Masan Consumer khoảng 220.000 đồng một cổ phiếu. Sau khi thương vụ hoàn tất, tỷ lệ sở hữu của Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (MSN) giảm từ 86,6% xuống còn 78% tại Masan Consumer.
Trong tháng 4, thời điểm thị trường chứng khoán Việt Nam tụt dốc liên tục, Tập đoàn đồ uống Diageo thực hiện việc mua 23,6% vốn điều lệ của Công ty cổ phần Cồn rượu Hà Nội (Halico) từ Vietnam Opportunity Fund với giá 51,6 triệu đôla (gần 11 đôla một cổ phiếu).
Vào khoảng tháng 3, một công ty chứng khoán trụ sở Hà Nội cũng công bố bán 10% vốn điều lệ cho đối tác Nhật với giá gần gấp đôi mức đang giao dịch trên OTC.
![]() |
Thị trường khủng hoảng là cơ hội để mua cổ phiếu giá rẻ. Ảnh minh họa: Hoàng Hà |
Lãnh đạo một công ty chưa niêm yết mới hoàn tất việc bán cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tiết lộ, thực chất, những thương vụ vừa công bố đã hoàn tất từ trước và gần đây là giai đoạn chuyển tiền. Nhiều người biết đến việc mua bán là nhờ thời điểm được phép công khai chứ chưa hẳn là nhà đầu tư nước ngoài cố mua bằng được.
"Giá cao do những người bán đã chọn thời điểm tốt chứ không hẳn đó là mức giá hợp lý mà thị trường chấp nhận vào thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, nếu có tiền mặt bây giờ thì đây là lúc nên 'săn' các cổ phiếu có tiềm năng tốt, cả trên sàn và chưa niêm yết", ông này nói.
Lãnh đạo của công ty này cho rằng, nếu thực hiện việc đầu tư, không nên nhìn vào giá của các thương vụ vừa được công bố mà nên dựa vào diễn biến thị trường hiện nay cũng như bối cảnh về vĩ mô. "Nếu đã tìm hiểu kỹ thì đây chính là thời điểm cần thực hiện nhanh việc mua bán với các cổ phiếu tốt", ông này nói.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Quang Bảo – Phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán Bản Việt nhận xét, trong thời điểm khủng hoảng, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn chọn một số cổ phiếu có tiềm năng để đầu tư bởi đó cũng là lúc giá mua ở mức hợp lý với họ. Các công ty được chọn thông thường có tiềm năng tốt và tình hình tài chính rõ ràng. “Đặc biệt, với những đơn vị luôn thực hiện tốt các cam kết về tăng trưởng và lợi nhuận thì họ sẽ đặt ưu tiên lớn”, ông Bảo nói.
Lãnh đạo một quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nhận xét: “Khủng hoảng chính là một cơ hội cho những ai có nhiều tiền mặt. Các quỹ nước ngoài chọn mua lúc khủng hoảng cũng để tận dụng điều này”. Tuy nhiên, bà này cho rằng, ngay cả trong khủng hoảng việc tìm kiếm các thương vụ tốt với quy mô đủ lớn cũng không dễ dàng bởi thị trường Việt Nam vẫn còn nhỏ, chưa đủ sức đáp ứng với những quỹ lớn. Vì thế, có những quỹ đầu tư chấp nhận một mức giá không phải là thấp nhất để mua được cổ phiếu tốt, với khối lượng lớn.
“Các cổ phiếu tốt nên tìm hiểu là những công ty ít vay nợ hoặc đang có sẵn tiền mặt, kết quả kinh doanh 5 tháng tốt và triển vọng những tháng tới khả quan căn cứ vào các hợp đồng đã được ký kết hoặc đang thực hiện cho đến cuối năm. Nên thận trọng với các cổ phiếu ngành tài chính, đặc biệt là các đơn vị có giá trị đầu tư vào cổ phiếu trước đây lớn”, bà này nói.
Khánh Linh