Thị trường từ sau Tết giao dịch ảm đạm, hàng loạt cổ phiếu liên tục giảm qua các phiên, đi kèm với sự suy yếu dần của thanh khoản. Nhà đầu tư chẳng thiết tha mua bán. Trong bối cảnh chứng khoán uể oải và cổ phiếu giảm theo đà rơi chung, hàng loạt doanh nghiệp niêm yết lớn nhỏ thi nhau "xốc" lại bộ máy nhân sự, kể cả những vị trí lãnh đạo cấp cao.
Từ đầu năm tới nay, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM lẫn Hà Nội dồn dập công bố thông tin thay đổi nhân sự chủ chốt. Có khi một ngày công bố 2-3 doanh nghiệp có sự biến động về các vị trí cấp cao. Khoảng 70 công ty công bố thay đổi các vị trí Phó tổng, Ủy viên hoặc Thành viên HĐQT, thậm chí là Tổng giám đốc. Chưa kể hàng chục đơn vị niêm yết khác thay đổi người phụ trách công bố thông tin, bổ nhiệm kế toán trưởng, trưởng phòng kinh tế kỹ thuật... mới, hoặc điều chỉnh thành viên Ban kiểm soát. Như vậy, số doanh nghiệp có biến động về nhân sự và công bố thông tin này trên website của HOSE lẫn HNX năm nay vẫn giữ mức cao như cùng kỳ năm ngoái.
Một trong những nguyên nhân được đề cập đến là để thích ứng với giai đoạn phát triển mới của doanh nghiệp. Dàn lãnh đạo cao cấp mới này sẽ phải chịu thách thức, áp lực lớn hơn những người tiền nhiệm, khi các chỉ tiêu phải đạt được đặt trong bối cảnh hoạt động kinh doanh khó khăn hơn mọi năm (lãi suất, chi phí đầu vào tăng cao...). Ngược lại, một số công ty lý giải cho sự thay đổi nhân sự cao cấp là thực hiện theo quyết định của Đại hội cổ đông, do chuyển vị trí công tác, vì lý do sức khỏe hay từ chức, về hưu hoặc đơn giản là hết nhiệm kỳ.
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình (giữa) cùng nguyên tổng giám đốc Nguyễn Thành Nam (trái) giới thiệu tổng giám đốc mới Trương Đình Anh. Ảnh: Nhật Minh |
Mỗi khi có sự thay đổi nhân sự, nhất là những vị trí cấp cao, hầu như doanh nghiệp nào cũng giải thích rõ với cổ đông, tránh tình trạng giá cổ phiếu bị biến động mạnh trong bối cảnh nhà đầu tư nhạy cảm với mọi thông tin, dù là nhỏ nhất. Đơn cử như trường hợp của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen. Sau khi ông Phạm Văn Trung trở thành tân Tổng giám đốc và là người đại diện theo pháp luật (trước đó, ông Lê Phước Vũ là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc), phía doanh nghiệp có ngay thư gửi cổ đông.
Theo ông Vũ Văn Thanh, Phó Tổng giám đốc tài chính và là người công bố thông tin của HSG: "Trên cơ sở định hướng phát triển dài hạn và phù hợp với nguyên tắc quản trị trên thế giới, Hội đồng quản trị đã tìm kiếm ứng viên đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc. Và ông Phạm Văn Trung - Phó Tổng giám đốc kinh doanh, đã thể hiện là ứng viên phù hợp nhất cho chức vụ này trong giai đoạn phát triển mới". Chiến lược trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo tạo động lực mới trong giai đoạn phát triển sắp tới của HSG còn được thể hiện qua quyết định bổ nhiệm các chức danh khác như: Phó tổng giám đốc trực, Phó tổng giám đốc tài chính.
Trước đó, việc bổ nhiệm tân Tổng giám đốc mới của FPT cũng được giải thích là để "thích hợp và có lợi nhất cho những mục tiêu chiến lược trong 15 năm tới, sự phát triển ổn định của tập đoàn...". Trong đại hội cổ đông sáng 15/4, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trương Gia Bình lý giải thêm tân Tổng giám đốc Trương Đình Anh sẽ giúp bổ sung lớp trẻ vào dàn lãnh đạo cao cấp của công ty, giúp công ty có động lực mới để phát triển.
Đầu tuần, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần tập đoàn Đức Long Gia Lai cũng đã ra quyết định bổ nhiệm một số nhân sự chủ chốt như: Trưởng ban tài chính, kế toán trưởng, trưởng ban cố vấn chiến lược, trưởng ban đầu tư. Theo ông Bùi Pháp, Chủ tịch tập đoàn: "Việc cất nhắc các thành viên này lên vị trí cao hơn là để sắp xếp bộ máy tổ chức, thực hiện chiến lược phát triển từ nay đến năm 2020 mà DLG đang hướng đến".
Theo ông, 5 lĩnh vực cốt yếu định hướng chiến lược của DLG trong giai đoạn 5 - 20 năm tới là: cơ sở hạ tầng, trồng và chế biến cao su, đầu tư và kinh doanh bất động sản, đầu tư và kinh doanh thủy điện, khai thác và chế biến khoáng sản. Đây là những lĩnh vực lâu dài, đòi hỏi những công trình, dự án thuộc nhóm A (từ 1.500 tỷ đồng trở lên). Chính vì vậy, việc tăng cường, bố trí thêm nhân sự để thực hiện mục tiêu phát triển giai đoạn 2011-2020, đáp ứng các kế hoạch phát triển dài hơi.
Ông Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn đầu tư tài chính, Đại học Kinh tế, TP HCM cho rằng, hầu như mùa đại hội cổ đông năm nào cũng có sự xáo trộn nhân sự ở các doanh nghiệp, khi những việc làm được và chưa được của các vị lãnh đạo được đem ra mổ xẻ. Mặc khác, có thể do doanh nghiệp đang trong giai đoạn tăng trưởng, phát triển và tìm kiếm những người dám làm, có quyết định táo bạo để mang đến những đột phá mới cho doanh nghiệp, nhất là những đơn vị trong giai đoạn chuyển mình. Chính vì vậy, việc bổ nhiệm đa phần nhắm tới những người trẻ có suy nghĩ táo bạo, quyết đoán. Một thời kỳ mà doanh nghiệp cần những kế hoạch đột phá để thực sự chuyển mình và cũng để phù hợp hơn với bối cảnh kinh doanh nhiều thách thức.
Bạch Hường