Chị Hằng – một đại gia chứng khoán tại Hà Nội cho biết, theo thỏa thuận, các thành viên của nhóm "đội lái" (những nhà đầu tư lớn chuyên làm giá) tại Hà Nội sẽ đẩy một cổ phiếu ngành dầu khí lên giá 130.000 đồng. Tuy nhiên, khi đẩy chưa tới 100.000 đồng thì làn sóng xả hàng đã diễn ra. Các nhà đầu tư thuộc nhóm này có kiểm tra lẫn nhau nhưng không phát hiện ra ai lén xả hàng.
Nhóm này sau đó phát hiện ra làn sóng xả hàng bắt nguồn từ một nhóm nhà đầu tư lớn khác. Mặc dù chỉ đẩy giá kiểu ăn theo nhưng nhờ chớp được cơ hội chạy, nhóm ít tiếng tăm hơn lại trở thành người chiến thắng. Trong khi đó, nhóm “đội lái” khởi xướng hiện vẫn phải ôm hàng chờ thời.
![]() |
Khi thị trường lình xình, mâu thuẫn giữa các nhóm "đội lái" thường tăng cao. Ảnh minh họa: Hoàng Hà |
Ngoài trường hợp xảy ra với cổ phiếu ngành dầu khí, cuộc chiến giữa các nhà đầu tư chuyên làm giá còn xảy ra với nhiều mã chứng khoán khác thuộc họ Sông Đà, một số cổ phiếu ngành bất động sản…
Tình huống xung đột giữa các nhóm làm giá cũng diễn ra tương tự: Khi một “đội lái” đánh lên thì những người khác cũng mua ăn theo và chờ cơ hội xả hàng trước. Trong nhiều trường hợp, các thành viên ăn theo thường bị nhóm làm giá khởi xướng “làm thịt” bởi những nhà đầu tư "lái tàu" thường nắm thế chủ động hơn.
Với không ít cổ phiếu bị làm giá, trong bối cảnh thị trường đang trầm lắng, những nhà đầu tư bình thường ít tham gia nên cuộc chơi diễn ra chủ yếu giữa các "đội lái" với nhau. Nhóm "lái tàu" nhanh chân chạy trước sẽ "làm thịt" được những nhà đầu cơ chậm chạp.
Việc các nhóm nhà đầu tư lớn cùng tham gia đẩy giá cổ phiếu nhưng thực chất là rình cơ hội để "trút hàng" sang nhau là nguyên nhân khiến các nhà đầu tư truyền tai nhau về các cuộc chiến "đội lái". Thế nhưng, anh Long - thành viên của một nhóm” đội lái” tại Hà Nội cho biết, việc mọi người cứ phao tin các nhóm làm giá cổ phiếu “đánh nhau” là không đúng. Theo anh này, tất cả đều xoay quanh kỳ vọng về mức giá an toàn cần bán ra.
“Tôi thì kỳ vọng giá chỉ lên tới mức 30.000 đồng với tình hình hiện tại của thị trường nhưng người khác thì nghĩ có thể lên tới 35.000. Vì thế, việc tôi bán ra chẳng phải vì tôi mâu thuẫn hay muốn chơi xỏ người khác mà đơn giản là lãi thế đủ rồi. Nếu giữ lâu hơn sẽ gặp rủi ro”, anh Long nói.
Còn anh Toàn – một nhà đầu tư lớn từng tham gia vài nhóm làm giá, tiết lộ xung đột giữa các nhóm cũng có xảy ra, đặc biệt vào thời điểm thị trường lình xình. Nhà đầu tư này phân tích, khi thị trường tăng điểm, việc thu hút nhiều nhà đầu tư khác cùng tham gia đẩy giá cổ phiếu không khó.
Tuy nhiên, khi thị trường đi ngang, nếu có vài nhóm cùng làm giá thì luồng tiền bị phân tán. Đây chính là lý do các đội lái tìm những cách khác nhau gây khó khăn cho nhóm khác, tránh phân tán luồng tiền. “Trong bối cảnh tâm lý thị trường nói chung không vững mà cứ đẩy giá dàn trải ở nhiều cổ phiếu thì chỉ có thất bại. Vì thế, hướng sự tập trung của nhà đầu tư là biện pháp cần thực hiện”, môi giới tại một công ty chứng khoán lớn có trụ sở tại TP HCM tiết lộ.
Về xung đột giữa các “đội lái”, ông Phạm Kinh Luân, Giám đốc Khối nghiên cứu và tư vấn đầu tư Công ty chứng khoán Kenaga hài hước nhận xét: “Cũng như trước đây, đường Hà Nội ít xe, người ta lái thế nào cũng được. Nhưng giờ thì đường đông, xe lại nhiều nên lái tàu, lái xe dễ đâm nhau. Sự việc nó là vậy chứ chẳng ai muốn đánh nhau làm cái gì”.
Hoàng Ly – Nhật Minh