Theo công bố kết quả kinh doanh 2010, hơn 20 công ty chứng khoán đã báo lỗ, trong đó nhiều tổ chức có lợi nhuận âm rất nặng. Đứng đầu danh sách là Công ty chứng khoán Kim Long (KLS) với - 172,8 tỷ đồng; kế đến là Bảo Việt (BVS) - 92,7 tỷ đồng; KIS Việt Nam - 57,5 tỷ đồng; Hải Phòng (HPC) - 48,7 tỷ đồng…
Lãnh đạo một công ty chứng khoán lớn than thở: “Cứ mở mắt ra là đã thấy mất một tỷ đồng chi phí vận hành mà thu được chẳng bao nhiêu. Với tình hình như hiện nay, việc có được cân bằng thu chi là điều rất khó khăn”. Vị này cho biết, các công ty càng lớn, đầu tư càng nhiều thì càng bị lỗ nặng hơn trong giai đoạn hiện nay. Trường hợp đã cắt lỗ, giữ nhiều tiền mặt, và quy mô hoạt động ở mức tối thiểu, thiệt hại sẽ được giảm tối đa.
Riêng Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI), công ty chứng khoán lớn nhất trên thị trường vẫn có lợi nhuận trước thuế hơn 900 tỷ đồng cho năm 2010. Năm 2008, SSI cũng là một hiện tượng khi thị trường gặp khủng hoảng trầm trọng mà công ty vẫn lãi hơn 250 tỷ đồng.
SSI - công ty chứng khoán lãi lớn nhất năm 2010, đã lỗ vào quý một năm nay. Ảnh: Hoàng Hà |
Tuy nhiên, trong quý I/2011, tình hình đã thay đổi. Nguồn tin từ SSI cho biết, dự kiến công ty không có lãi trong quý 1/2011. Một nguyên nhân quan trọng là công ty phải trích lập dự phòng rủi ro lớn.
Khi được hỏi, tổng giám đốc một công ty chứng khoán từng lỗ nặng vào năm 2010 nói thẳng: “Bây giờ bảo dự kiến lãi năm 2011 thì căn cứ vào đâu? Thu phí thì không được bao nhiêu, mua cổ phiếu thì sợ giá giảm tiếp… Chưa thấy nguồn thu nào đủ bù chi và dự phòng giảm giá chứng khoán thì lãi làm sao được?”.
Chuyên gia này dự báo, khi công bố kết quả kinh doanh quý 1/2011 trong những ngày tới, hàng loạt công ty chứng khoán sẽ có lợi nhuận âm. "Đến SSI - công ty chứng khoán lớn nhất và thường có lợi nhuận cao nhất, còn lỗ thì các đơn vị khác cũng khó đạt được kết quả khả quan hơn với tình hình giao dịch như hiện nay", ông này nói.
Trong khi đó, theo ước tính sơ bộ, tính đến hết 31/3/2011, Công ty chứng khoán Kim Long (KLS) - đơn vị lỗ lớn nhất năm 2010, sẽ có lợi nhuận trong quý một dù không nhiều. Nguồn tin từ KLS cho biết, việc tất toán nhiều khoản đầu tư vào cổ phiếu trong năm 2010 đã gây lỗ nặng cho công ty này nhưng làm giảm gánh nặng trích lập dự phòng rủi ro đầu năm 2011. Nguồn thu lớn nhất của KLS giúp công ty này có lãi là khoản tiền mặt gần 1.800 tỷ đồng gửi tiết kiệm ở ngân hàng, thu về đều đặn mỗi tháng hàng chục tỷ đồng.
Thùy Chi