Cụ thể, trong khoảng thời gian từ tháng 11/2010 đến tháng 2/2011, theo xác định của Ủy ban Chứng khoán, bà Hoài đã sử dụng 2 tài khoản liên tục mua, bán qua lại cổ phiếu VIC. Trong 2 tài khoản nêu trên, một do bà Hoài đích thân đứng tên, một nhận ủy quyền toàn bộ từ chồng là ông Lê Tiến Dũng.
![]() |
Đây là lần đầu tiên một vụ làm giá blue-chip được phát hiện và xử phạt. Ảnh minh họa: Hoàng Hà |
Thông qua 2 tài khoản, bà Hoài đã chuyển nhượng qua lại cổ phiếu VIC với tần suất, khối lượng lớn, chiếm tỷ trọng cao so với lượng chuyển nhượng bình quân của mã này trong giai đoạn cuối 2010, đầu 2011 (trung bình khoảng 200.000 cổ phiếu mỗi phiên). Cũng trong khoảng thời gian nói trên, giá cổ phiếu VIC biến động rất mạnh, từ 65.000 đồng lên 110.000 đồng một cổ phiếu (tăng 70%).
Với những diễn biến nêu trên, Ủy ban Chứng khoán xác định bà Hoài đã có hành vi thao túng giá cổ phiếu, thông qua việc tạo cung cầu giả tạo, vi phạm Khoản 4, Điều 9, Luật Chứng khoán. Căn cứ theo luật và quy định tại Nghị định 85 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, Ủy ban đã đưa mức phạt 250 triệu đồng đối với bà Hoài (mức cao nhất áp dụng cho vi phạm này là 300 triệu đồng).
Đây không phải lần đầu tiên hành vi làm giá chứng khoán bị cơ quan chức năng phát hiện và xử phạt. Cuối tháng 3 vừa qua, Ủy ban Chứng khoán cũng đã đưa ra án phạt gần một tỷ đồng đối với “đội lái” cổ phiếu MKV. Tuy nhiên, trong những trường hợp trước đấy, đối tượng bị làm giá thường là các cổ phiếu nhỏ, ít giao dịch, dễ tạo “sóng”. Đây là lần đầu tiên hành vi làm giá đối với một cổ phiếu lớn như VIC được cơ quan chức năng phát hiện và xử phạt.
Nhật Minh