Lâu nay, thị trường chứng Việt Nam không còn quá xa lạ với những giao dịch kiểu tiền trảm hậu tấu của các cổ đông lớn, mà sự kiện bà Nguyễn Thị Kim Phượng "lén" bán sạch 557.800 cổ phiếu VTV (8,5% khối lượng niêm yết của cổ phiếu này) vào ngày 24/3 chỉ là một ví dụ điển hình.
Trong báo cáo tổng kết hoạt động năm 2009, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cho biết, qua theo dõi 484 lượt giao dịch của 280 cổ đông lớn, cơ quan này phát hiện 155 trường hợp vi phạm về công bố thông tin đối với giao dịch của cổ đông nội bộ và 38 trường hợp vi phạm về công bố thông tin khác.
Những con số này khiến dư luận phải đặt câu hỏi phải chăng những người đã được coi là cổ đông lớn, nắm đến hơn 5% giá trị một công ty niêm yết lại không biết luật, hay họ biết mà vẫn cố tình làm?
![]() |
Nhà đầu tư nhỏ sẽ tiếp tục phải chịu thiệt thòi trước những thông tin kém minh bạch. Ảnh minh họa: Hoàng Hà |
Thương vụ bà Nguyễn Thị Kim Phượng thực hiện với cổ phiếu VTV có nhiều chi tiết đáng lưu ý. Ngày 3/2/2010, bà Phượng chào mua công khai 1,3 triệu cổ phiếu VTV tại HNX với mục đích tăng tỷ lệ nắm giữ. Giá cổ phiếu vào thời điểm này khoảng 40.000 đồng.
Đến ngày 24/3, khi lệnh chào mua đã bị hủy do giá cổ phiếu tăng cao quá 30%, bà Phượng bất ngờ bán ra toàn bộ số cổ phiếu đang nắm giữ (không hề thông báo). Giá lớp lệnh trong phiên giao dịch này của VTV là hơn 55.000 đồng một cổ phiếu. Nhẩm tính với khối lượng 557.800 cổ phiếu bán ra, lợi nhuận chênh lệch mà bà Phượng thu được không dưới 8,3 tỷ đồng.
Giải thích về lý do khiến cổ đông lớn của VTV lúc chào mua thì công khai nhưng khi bán ra lại im hơi lặng tiếng, tiến sĩ kinh tế Đinh Thế Hiển cho biết: "Không loại trừ khả năng hoạt động chào mua thực chất để gây chú ý lên thị trường, một hoạt động PR cổ phiếu, kích giá lên. Bởi nếu mua để tăng sở hữu, sao lại vội bán đi".
Sự bất cân xứng về công bố thông tin này, theo ông Hiển, có thể khiến những cổ đông nhỏ lẻ phải chịu thiệt hại nặng nề, khi chỉ tiếp nhận thông tin một chiều hoặc không chính xác so với cổ đông nội bộ. Kết quả, việc mua vào với kỳ vọng cổ phiếu sẽ còn tiến băng băng về phía trước đã bất thành, bởi thời điểm nhà đầu tư mua vào lại chính là lúc cổ đông lớn bán ra hưởng lãi.
"Cổ đông là người chủ nhưng lại bị chính những thành viên của doanh nghiệp lừa dối khi họ không thể tiếp cận được thông tin một cách chính xác nhất. Uy tín, hình ảnh công ty sẽ nhất định sẽ bị ảnh hưởng", anh Trung, nhà đầu tư sàn SSI bức xúc.
Anh Hà, một nhà đầu tư khác tại TP HCM cho biết anh mua cổ phiếu VTV đúng vào giai đoạn cổ phiếu này tăng giá chóng mặt. Đến ngày 31/3, khi thông tin về việc bà Phượng đã bán hết cổ phiếu thì thanh khoản của VTV sụt mạnh. Chấp nhận lỗ hơn 100 triệu đồng để thoát ra nhưng anh Hà cho biết cũng rất khó tìm được đối ứng.
Anh Hưng, một nhà đầu tư tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), lại ở trong một hoàn cảnh khác. Anh mua 5.000 cổ phiếu VTV đúng vào ngày 31/3 mà không hề biết thông tin về việc bán ra của cổ đông lớn. Trong khi chờ cổ phiếu về tài khoản, nhà đầu tư này tỏ ra hết sức phân vân: “Tôi vẫn hy vọng là giá cổ phiếu sẽ lên nhưng thông tin cứ tù mù thế này thì khó cho nhà đầu tư lắm”.
Cho rằng việc bán chứng khoán không công bố nhằm mục đích riêng chưa thể chấm dứt trong ngắn hạn, nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn phải chịu thiệt nhiều thiệt thòi, tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP HCM đặt câu hỏi: "Theo quy định, cổ đông muốn bán cổ phiếu phải thông báo trước. Song, tại sao hành vi của bà Phượng vẫn thực hiện được. Ai là người nhận và chuyển lệnh này?". Hiện chế tài chưa đủ sức răn đe khi những giao dịch vi phạm chỉ bị nộp phạt vài chục triệu, chẳng thấm vào đâu so với số lãi có khi hàng chục tỷ đồng.
Giới chuyên gia cho rằng cần nâng mức xử phạt thật nặng hơn nữa mới đủ sức răn đe hành vi thao túng giá, đầu cơ cổ phiếu dựa vào vị thế của cổ đông lớn, làm thiệt hại đến những nhà đầu tư khác. Ngoài ra, hai Sở giao dịch chứng khoán - được xem như các "Ban quản lý chợ" phải tăng cường giám sát, có cơ chế ngăn chặn hành vi thao túng giá ngay từ lúc manh nha, tạo sự minh bạch trên thị trường. Riêng, phía doanh nghiệp phải cách chức, buộc thôi việc những người lợi dụng thông tin riêng hoặc tung hỏa mù để trục lợi cho bản thân.
Trao đổi về công tác quản lý, giám sát giao dịch, lãnh đạo Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM cho biết cũng có phát hiện những trường hợp cổ đông lớn bán cổ phiếu nhưng không công bố thông tin theo quy định. Những đối tượng này bị Sở giao dịch chứng khoán TP HCM nhắc nhở, cảnh báo và gửi công văn lên Ủy ban chứng khoán Nhà nước (SSC). Tùy vào mức độ vi phạm, SSC sẽ ra quyết định xử lý, khung hình phạt có thể lên đến 500 triệu đồng.
Nhật Minh - Bạch Hường