Đóng cửa thị trường hôm 13/3, Dow Jones chốt ở 7.223,98 điểm, tăng 53,92 điểm (0,8%). Standard & Poor's 500 cũng tiến thêm 0,8% và Nasdaq lấy thêm 0,4%.
Mức tăng điểm của ngày giao dịch cuối tuần là khá khiêm tốn so với các mức tăng trong ngày 10 và 12/3, song nhà đầu tư tỏ ra rất hào hứng với diễn biến tích cực của thị trường. Ngày giao dịch chứng kiến những đợt tăng điểm ngắn nhưng xuất hiện liên tiếp.
Tính chung cả tuần, Dow Jones tăng 9%, S&P 500 thêm 10,7% và Nasdaq tiến lên 10,6%. Tuy nhiên, hiện Dow Jones và S&P 500 đều giảm còn một nửa so với mức đỉnh cao thiết lập vào tháng 11/2007.
![]() |
Sau 4 ngày tăng điểm trong tuần qua, Dow Jones lấy lại được 9% giá trị, mức khả quan nhất trong vòng 4 tháng qua. Ảnh: Reuters |
Thị trường cả tuần được dẫn dắt bởi các cổ phiếu của ngành ngân hàng, khi thông tin tích cực đã làm dịu lại mối lo của nhà đầu tư về tương lai của ngành này và ngăn được đà bán ra.
Thị trường lấy lại đà tăng điểm từ hôm 10/3, sau khi lãnh đạo Citigroup cho biết, ngân hàng này có lãi trong 2 tháng đầu năm và dự kiến đạt lợi nhuận trên 8 tỷ USD trong quý I năm nay. Từ cuối năm 2008 sau sự sụp đổ của Lehman Brothers đến nay, mối lo lớn nhất đối với các nhà đầu tư là thị trường tài chính đổ vỡ và hệ thống ngân hàng bị quốc hữu hóa.
Phố Wall trong tuần tiếp tục đón nhận tin tốt từ một loạt doanh nghiệp lớn như General Motors, General Electric, Bank of America. Song các nhà môi giới vẫn giữ lại vị thế giao dịch lớn, do lường trước khả năng thị trường có thể nhận tin xấu trong thời gian tới.
Trong 2 ngày 13-14 tháng này, bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của 20 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G20) có cuộc họp tại Anh và thảo luận về khủng hoảng tài chính. Đầu tuần tới, sẽ có thông tin từ cuộc họp và đây được kỳ vọng là yếu tố tác động đến thị trường.
Cùng ngày 13/3, chứng khoán tại châu Âu và Á tăng giảm không đồng nhất. FTSE 100 của Anh tăng 1,1%, CAC 40 của Pháp tiến lên 0,4%, trong khi DAX của Đức giảm nhẹ 0,7%. Tại Nhật, Nikkei 225 tăng 5,2%.
Ngọc Châu (theo AP)