Đợt giải chấp manh nha từ đầu tuần trước và có xu hướng mạnh dần lên qua mỗi phiên. Sau hơn một tuần giảm sâu, Vn-Index mất luôn mốc 400. Nỗ lực đảo chiều trong phiên sáng nay với mức tăng 11,68 điểm chỉ kịp đưa Vn-Index về 398,04 điểm.
Theo ông Nguyễn Thành Hải, chuyên viên phân tích cao cấp Công ty chứng khoán Sacombank, đây được xem là nguyên nhân chính kéo thị trường xuống, bên cạnh hàng loạt các lý do khác (trong đó chủ yếu là vấn đề lãi suất, lạm phát, dòng vốn vào chứng khoán bị thắt chặt...).
Tổng giám đốc Công ty chứng khoán SJC Huỳnh Anh Tuấn cũng khẳng định: "Thời gian qua, hầu như công ty chứng khoán nào cũng thực hiện giải chấp, chỉ khác nhau ở mức độ ít hay nhiều".
Chuyên gia này cho biết, hồi giữa tháng, có một số dấu hiệu cho thấy khả năng xảy ra làn sóng giải chấp ở các công ty chứng khoán khi ngân hàng phát tín hiệu thắt chặt tín dụng ở lĩnh vực phi sản xuất (trong đó có chứng khoán). Trước đó, dân trong nghề đã lan truyền thông tin Chủ tịch của Công ty chứng khoán Hà Thành bặt tăm với khoản âm tài khoản trên 100 tỷ đồng. Như vậy, lãnh đạo của công ty này có thể sẽ phải xử lý một số danh mục, tạo hệ lụy lên thị trường, kéo nhiều công ty khác cùng hành động.
Mặc khác, những công ty chứng khoán có ngân hàng đứng sau lưng hỗ trợ vốn, có tài sản đầu tư ngắn hạn, dài hạn, margin gấp 2-3 lần vốn điều lệ. Như vậy, có khả năng, ngân hàng sẽ rút khoản tiền này về. Bởi đến 30/6, tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất so với tổng dư nợ tối đa của ngân hàng là 22%.
Những tháng trước, thị trường lình xình đi ngang và việc giải chấp vẫn có nhưng chưa nhiều, nhất là khi tỷ lệ ký quỹ vẫn chưa đụng ngưỡng giới hạn nguy hiểm. Khi đó, công ty còn chiều khách hàng. Song, cả tuần nay, cổ phiếu giảm mạnh mẽ và vượt quá giới hạn cần xử lý. Những khách hàng không nộp thêm tiền sẽ bị công ty chứng khoán xử lý tài khoản ngay, chứ không nhân nhượng hay chờ bổ sung tiền như trước. Một công ty xả hàng kéo theo nhiều công ty cùng làm khiến thị trường giảm sâu chưa từng có trong năm.
Ông Hải cho rằng, nhà đầu tư vừa và nhỏ thiệt hại nhiều nhất, bởi đây là đối tượng tham gia mạnh, từ đầu năm tới nay. Diễn biến này khác với năm 2008, thị trường chứng kiến làn sóng giải chấp khủng khiếp xuất phát từ các nhà đầu tư lớn có trong tay hàng trăm tỷ đồng.
Lãi suất cho vay cầm cố nếu đầu năm chỉ khoảng 22-25% thì nay đã 28-30%. Những tác động này như giọt nước tràn ly, nhà đầu tư ào ạt cắt lỗ, không còn hy vọng lãi suất sẽ hạ. Cộng vào đó, làn sóng giải chấp của các công ty chứng khoán mạnh mẽ càng đẩy thị trường xuống sâu.
Nếu không có áp lực giải chấp, cổ phiếu không giảm mạnh như vậy, ông Tuấn cho biết. Nhiều mã rớt xuống mức giá phi thực tế, thấp hơn cả thời kỳ khủng hoảng, khó khăn nhất của kinh tế Việt Nam.
![]() |
Đà giảm chứng khoán sẽ dừng lại một khi áp lực giải chấp vơi bớt. Ảnh: B.H. |
Áp lực giải chấp xuất hiện đã là thảm họa với thị trường. Thế nhưng, cửa cho dòng tiền vào cũng bị khép lại, do ngân hàng hạn chế tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất. Thêm vào đó, doanh nghiệp, nhà đầu tư bất động sản khó khăn trong xoay sở dòng tiền, có thể chọn giải pháp bán chứng khoán, bởi đây là kênh có thanh khoản cao. Khối ngoại lại bán ra danh mục blue-chip mà trước đó liên tục mua ròng, đã ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư... Bất ổn gia tăng, giới đầu tư bán tháo nhiều phiên liền, khiến thị trường giảm và một khi thị trường càng giảm thì áp lực giải chấp càng lớn.
Ông Hải cho rằng: "Chỉ khi làn sóng giải chấp kết thúc, thị trường mới tạo đáy. Vn-Index giảm sâu khoảng 10 phiên thì làn sóng giải chấp mới giảm dần và kết thúc".
Phiên tăng mạnh sáng 26/5 cho thấy dấu hiệu bán tháo khựng lại, song theo giới phân tích, vẫn chưa thể khẳng định áp lực bán giải chấp đã chính thức kết thúc và phải chờ xem diễn biến phiên cuối tuần như thế nào.
Thị trường xấu, giới đầu tư đua nhau thoái vốn, giải chấp để trả nợ, thị trường càng tệ hơn. Anh Hoàng, môi giới một công ty chứng khoán ở quận 5, TP HCM chia sẻ, tuần trước đã xử lý một số tài khoản của khách hàng, nhưng nhiều người không chịu, kiên quyết đòi công ty phải mua lại ngay và sẽ nạp tiền thêm để duy trì tài khoản. Nhưng giá cổ phiếu sau đó lại giảm tiếp, khách hàng bị thiệt hại nặng hơn nữa và vẫn phải chấp nhận bán cổ phiếu với mức giá thấp hơn. Theo anh, những người trong tình cảnh này càng bán mạnh hơn nữa bởi họ đã thua đau. Đợt bán giải chấp lần này quyết định tới 50% xu hướng giảm của thị trường.
Cũng cho rằng có yếu tố giải chấp trong đợt suy giảm mạnh vừa qua, nhưng theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính, thị trường không có sóng lớn nên lượng nhà đầu tư vay nợ để đầu tư không nhiều. Mặt khác, lượng vốn nhàn rỗi vẫn còn khá lớn. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư vì nghĩ giá cổ phiếu có thể thấp hơn, thị trường còn giảm nữa nên chưa mua vào. Sự sụt giảm vừa qua do nhà đầu tư phản ứng quá đà, tâm lý bi quan, chán nản dẫn tới việc bán tháo.
Bạch Hường