Tại cuộc họp bàn chương trình phát triển nhà ở đến năm 2020 và tiến độ nhà thu nhập thấp do UBND thành phố Hà Nội tổ chức chiều nay, ông Trần Đức Sơn, Giám đốc Công ty quản lý và phát triển Nhà Hà Nội chia sẻ, dự án nhà ở Việt Hưng hiện có 174 căn hộ trên tổng số hơn 800 căn cho thuê, mua. Tuy nhiên chủ đầu tư đang sống dở chết dở vì chưa thu hồi được vốn.
Vướng mắc lớn nhất ở chỗ, ông Sơn nhấn mạnh, 52 hộ thuộc diện thương binh liệt sĩ sau khi đóng 20% tiền đợt đầu, còn lại 80% "mãi chưa nộp". "Các hộ dân này đã vào ở gần một năm nhưng tiền vẫn không đóng nốt với lý do, cuộc sống khó khăn, tiền ăn còn chưa đủ", ông Sơn chia sẻ.
Ông Nguyễn Xuân Chính, Trưởng ban quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho hay, hiện có 11 khu nhà ở dành cho công nhân, trong đó 3 trường hợp đang xây dựng, 8 dự án chuẩn bị đầu tư. Nhà ở cho công nhân có nhiều vướng mắc, trong đó, điển hình là dự án nhà ở khu công nghiệp Phú Nghĩa (Chương Mỹ, Hà Nội) dù đã có 1 tòa nhà đi vào sử dụng.
Ông Nguyễn Xuân Chính: "Người lao động không muốn vào ở vì hạ tầng chưa xong". Ảnh: Hoàng Lan |
Thực tế khu công nghiệp Phú Nghĩa, mới chỉ xây xong một tòa nhà 6 tầng, còn lại 4 tòa chưa triển khai. Đây là một trong các dự án may mắn được vay 70% giá trị dự toán công trình trong 15 năm với lãi suất 3,6% mỗi năm. Song dự án này cũng rất khó khăn. Ông Chính phân tích, cái khó của dự án là ở giữa cánh đồng, trường học, siêu thị hiện mới đang rậm rịch triển khai nên mới chỉ thu hút được khoảng 70% lượng công nhân vào ở.
Theo ông Chính, nhiều doanh nghiệp không còn mặn mà với nhà ở thu nhập thấp, công nhân vì thiếu tiền, khả năng thu hồi vốn lâu. Chủ đầu tư bỏ tiền tỷ nhưng chỉ thu lợi nhuận tiền lẻ. Người lao động cũng không muốn vào nhà cho công nhân ở vì cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, hàng loạt dự án bỏ vốn ra hàng trăm tỷ nhưng khả năng thu hồi vốn và tỷ lệ lấp đầy rất chậm. Tiêu biểu như dự án CT19 Khu đô thị Việt Hưng với tổng mức đầu tư 179 tỷ đồng xây 515 căn nhưng đến nay mới chỉ bàn giao được 270 căn. Dự án CT21 khu đô thị Việt Hưng với số vốn 121 tỷ xây 300 căn nhưng thành phố mới duyệt 178 căn. Dự án Đặng Xá cũng chỉ bán được 650 căn trong tổng số gần 950 căn...
Từ năm 2011 đến 2015 dự kiến phát triển 1,6 triệu m2 nhà ở cho công nhân thuê, nhưng đến nay doanh nghiệp mới chỉ đăng ký được hơn 536.000 m2, đạt 33,5%. Ông Vũ Ngọc Đạm, trưởng phòng phát triển Nhà, Sở Xây dựng cho rằng, do quy định nhà cho công nhân để cho thuê nên việc thu hồi vốn lâu, nhiều rủi ro, giá thuê lại cao, nên người lao động khó có khả năng chi trả. Đối với các dự án sắp triển khai lại chưa được phê duyệt quy hoạch chi tiết, chưa có đất sạch. "Để thu hút doanh nghiệp tham gia, thành phố cần bố trí một nguồn kinh phí để xây dựng quỹ nhà ở cho công nhân thuê, và hỗ trợ lãi suất cho nhà đầu tư", ông Đạm nói.
Phó Chủ tịch thành phố Nguyễn Văn Khôi. Ảnh: Hoàng Lan |
Đồng tình với quan điểm trên, bà Tô Thị Hạnh, Tổng giám đốc Quỹ đầu tư phát triển thành phố Hà Nội nhìn nhận, nhà ở thu nhập thấp, công nhân cần có sự hỗ trợ của Nhà nước và để hạ giá bán, doanh nghiệp phải được vốn ưu đãi. Hiện nay, các chủ đầu tư chỉ dám rón rén thực hiện vì cơ chế chính sách hỗ trợ chưa nhiều, trong khi đó, thị trường lại bó hẹp.
Bà Hạnh cho biết, dự án Phú Nghĩa mặc dù hứa hẹn sẽ tiếp tục vay tiền quỹ để đầu tư nhưng một năm nay lại đang có tư tưởng rập rình chuyển đổi. Cái khó của các dự án nhà ở thu nhập thấp, công nhân là bỏ tiền chẵn nhưng lại thu tiền lẻ. "Mới chỉ xây một tòa nhà, nhưng vẫn chưa lấp đầy hết, nếu xây 4 tòa nhà còn lại thì xây cho ai ở", bà Hạnh nhận xét.
Theo bà Hạnh, dự án nhà thu nhập thấp chỉ được miễn thuế trong năm 2009, được hưởng 10% định mức khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Do đó, mấu chốt vấn đề là cần phải đưa ra nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như miễn thuế, cho vay ưu đãi từ 80% hoặc có thể lên đến 100% thay vì 70% như hiện nay. "Tôi đã từng làm doanh nghiệp, nên tôi biết, cứ nói doanh nghiệp quản lý nguồn thu thật tốt nhưng thực tế, họ làm gì có nguồn thu để quản lý", bà Hạnh nói.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi cho rằng, Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Ban quản lý, khu công nghiệp chế xuất phải có báo cáo đầy đủ, cụ thể để đưa ra bức tranh về nhà thu nhập thấp, xã hội... Các cơ quan liên quan rà soát từng dự án xem vướng mắc ở chỗ nào, phát sinh vấn đề gì từ đó tháo gỡ. "Vần đề này được họp bàn mãi rồi, nhưng báo cáo của các sở chưa đầy đủ thường là đứt đoạn. Nay Sở Xây dựng, Tài chính cần ngồi lại, xem tắc ở đâu để đưa ra tháo gỡ tại đó", ông Khôi nhấn mạnh.
Hoàng Lan