Tại cuộc họp đêm 27/6, ông Ha Jong Suk, Chủ tịch công ty TNHH một thành viên Keangnam Vina, chủ đầu tư dự án Keangnam Hanoi Landmark Towers (đường Phạm Hùng, Hà Nội) đã trả lời thắc mắc của cư dân về mức phí vượt trần. Theo ông Ha Jong Suk, mức phí giữ xe cao hơn khung quy định của thành phố để hạn chế người ngoài vào gửi xe ở chung cư. Trong ngày 28/6, Sở Tài chính sẽ làm việc với Keangnam về mức phí. "Chúng tôi sẽ lắng nghe ý kiến của các cơ quan chức năng. Sau khi có ý kiến của các cấp chính quyền, phía Keangnam sẽ chính thức đưa ra mức phí", ông Ha cho hay.
Trước thắc mắc của cư dân về phí dịch vụ lên tới 0,99 USD mỗi m2 (gần 21.000 đồng), một mức phí cao nhất so với các chung cư cao cấp khác trong khi nhiều tiện ích chưa hoàn thiện, ông Ha giải thích do chủ đầu tư phải thuê công ty quản lý từ phía Hàn Quốc. Theo ông Ha, đặc trưng của hai khối nhà cao tầng là thiết bị, móc móc hiện đại nên người Việt Nam không có đủ khả năng vận hành. Sau khi nhận được sự than phiền của cư dân, chủ đầu tư đã yêu cầu công ty quản lý giải trình. Đơn vị quản lý cho rằng, phí quản lý chỉ có thể hạ xuống 0,8 USD mỗi m2 (khoảng 17.000 đồng) thay vì 0,99 USD như hiện tại với điều kiện sẽ phải cắt giảm một số dịch vụ như tiền lương chi cho nhân viên, lễ tân. Cụ thể, lễ tân thay vì làm từ sáng tới 19h30 sẽ rút xuống làm đến 18h.
Ban đại diện hội ý khi giải lao. Ảnh: Hoàng Lan. |
Không thỏa mãn với câu trả lời trên, cư dân cho rằng, phí quản lý cần phải được thương thảo với cư dân và cần phải hạ xuống còn 8.000 đồng mỗi m2. Phía người dân cho rằng, cần phải thuê đơn vị kiểm toán để kiểm tra về các mức phí quản lý vận hành. Nếu đơn vị vận hành chuyên nghiệp thì đã không để xảy ra sự cố nước tràn vừa qua. "Liệu phí trả cho đơn vị quản lý có quá cao? Chúng tôi muốn biết, 2% phí bảo trì hiện đang được sử dụng vào việc gì?", ông Bùi Mạnh Hà, một cư dân chất vấn.
Chủ tịch Keangnam Vina khẳng định, mức lương chi trả cho đơn vị vận hành là hoàn toàn phù hợp sát giá thị trường. Ông Ha dẫn chứng, lương hiện tại của ông được trả khoảng 10.000 đôla và lương của 3 người Hàn Quốc quản lý vận hành cũng tương tự. Theo ông Ha, phí quản lý không liên quan đến phí bảo trì. Phí quản lý để vận hành tòa nhà như trả lương cho nhân viên, bảo vệ, dọn dẹp, điện nước, mua thuốc tẩy hóa chất phục vụ bể bơi… còn phí bảo trì được sử dụng nhằm sửa chữa căn hộ sau khi bàn giao. Nếu cư dân còn nghi ngờ về chi phí này thì có thể thuê công ty kiểm toán để kiểm tra
Chủ đầu tư và ban đại diện thương thảo về mức phí. Ảnh: Hoàng Lan |
Lãnh đạo Keangnam Vina cho biết, nếu cư dân không đồng ý thuê đơn vị quản lý hiện tại, chủ đầu tư sẵn sàng tiếp nhận một công ty quản lý do người dân giới thiệu. Tuy nhiên, để tránh những xung đột sau khi chuyển đổi, thì phía khách hàng phải đảm bảo rằng số đông cư dân đồng ý thay đổi công ty quản lý. "Hai tuần tới, chúng tôi sẽ đưa ra mức phí mới. Nếu ban đại diện không đồng ý với mức phí chủ đầu tư đưa ra thì chúng tôi sẽ tổ chức hội nghị chung cư. Nếu cư dân muốn thay đổi công ty quản lý, chúng tôi sẵn sàng đáp ứng. Hạn cuối cùng đưa ra sẽ là 31/8", ông Ha hứa.
Cuộc họp kéo dài khoảng 7 tiếng đồng hồ và có tới 2 lần giải lao. Sau giữa giờ nghỉ, ban đại diện cư dân lại họp kín bàn luận về phương thức đối phó với chủ đầu tư. Đến khoảng 21h, một số người dân phải mua bánh mỳ, nước, kèm theo hoa quả "tiếp tế" cho những khách hàng tham dự cuộc họp. Đến khoảng 22h30 đêm, với gương mặt mệt mỏi, chủ đầu tư ngồi uể oải, dường như không còn đủ sức trả lời chất vấn của khách hàng. Trời mưa tầm tã, một số cư dân không thể chịu đựng thêm đã mệt mỏi ra về sau hơn 5 tiếng đồng hồ chờ đợi vẫn chưa kết thúc cuộc họp.
Trong ngày hôm qua, Văn phòng Luật sư BQH và Cộng sự - đại diện cho người dân đã chính thức gửi văn bản đến Vụ quản lý ngoại hối- ngân hàng Nhà nước Việt Nam và UBND thành phố Hà Nội tố cáo chủ đầu tư niêm yết giá bán căn hộ bằng đôla cũng như thu phí vượt trần. Trong suốt 7 tiếng thương thảo, vấn đề thu phí bằng đôla vẫn chưa được đề cập đến. Phía cư dân cho hay, họ sẽ tiếp tục đàm phán với chủ đầu tư để tìm ra giải pháp hợp lý nhất
Hoàng Lan