Người gửi: Nguyen Nhi Ha
Tôi thấy thật thương các cháu vì đến nay đi làm rồi, nhiều khi vẫn phải học những cái mới và nếu cả ngày hôm đó tôi "không được" làm việc mà phải ngồi để học những ứng dụng mới thì tối về cảm thấy hết sức lực vì tiếp thu kiến thức mới mất nhiều năng lượng hơn rất nhiều so với việc não hoạt động trong tình trạng bị động.
Thế giới không ngừng vận động, xã hội thay đổi không ngừng, tại sao các cháu phải dành quá nhiều cho việc học Toán, học tiếng Việt trong khi đó việc học đó sẽ kéo dài còn vài chục năm nữa. Những kiến thức định hình nhân quan sống, suy nghĩ, thói quen trong cuộc sống và cả việc tập luyện cho sức khoẻ cho các con sau này thì lại không được chú trọng.
Mọi người để ý sẽ thấy những cái bị cho là "vô thưởng vô phạt đó" thực ra sẽ được hình thành và xây dựng một cách mạnh mẽ trong những năm đầu của lứa tuổi đi học của các con. Con thông minh tài giỏi nhưng nếu con không có sức khoẻ con sẽ không thể làm gì được. Con phải ham thích thể thao. Con thông minh tài giỏi nhưng nếu ra ngoài đường thấy người yếu bị hung đồ đánh đập mà không biết ít nhất gọi điện cho cảnh sát 113 thì cũng sẽ chẳng làm được việc gì.
Con học Toán giỏi, làm Văn tốt nhưng nếu con sợ thất bại không dám chấp nhận sự thật thì việc giỏi Toán, hay Văn của con cũng sẽ chỉ là con số 0. Con luôn đứng đầu lớp trong học tập nhưng một sự việc nhỏ như va chạm xe ngoài đường mà không biết nhận lỗi nếu mình sai hay không biết cách lờ đi nếu gặp một thằng "đầu gấu" phóng xe ngoài đường thì con sẽ không biết phải xử sự thế nào trong những tình huống khó hơn.
Vâng! Đáng lẽ có thời gian để đọc sách hay chơi các trò chơi vận động thì cháu lại phải ngồi cặm cụ "luyện cháo" các phép tính cho nhanh tay để có thể giải các bài toán khó. Thói quen đọc sách là một thói quen vô cùng tốt đối với tất cả mọi người. Muốn rèn luyện cho các con thói quen này thì cần phải tạo thói quen từ bé.
Hơn nữa, việc đọc sẽ rèn luyện rất nhiều cho tiếng Việt, môn Văn của, các con sẽ biết được "sung sướng" là S hay X thông qua việc đọc và được lặp lại nhiều lần qua việc đọc chứ chỉ giải thích suông thì các cháu không nhớ được. Thế mà thời gian thì không có để đọc sách vì còn phải "luyện công".
Thế hệ 9X, 10X ngày nay phải nói thực là đang là đối tượng cho mọi thử nghiệm "cải cách" của người lớn. Học quá nhiều để vào cuộc đua chiến thắng cho những "vinh quang của người lớn". Người lớn hãy bớt đi cái tôi là chuẩn để cho các con các cháu được phát triển theo hướng tất yếu (con thích Văn, thích Toán, thích âm nhạc, thích thể thao… xã hội đều đánh giá thành công đó miễn con cháu là người tốt biết vươn lên).
Đừng để trường học là một trường đua gây áp lực về việc học thêm và học ngày đêm để trở thành "gà chọi, gà nòi" vào được trường điểm. Đừng để các con nghĩ học các trường học nghề "là vứt đi", ít được coi trọng so với các trường đại học.
Thông minh là do rèn luyện, trí tuệ là do đọc sách, trí khôn là do giao tiếp. Con người cần cả 3 thứ đó chứ không cần chỉ một thứ. Hãy tạo cho các em, các con có cơ hội để phát triển toàn diện cả về thể lực và thể chất (khẩu hiệu nghe có vẻ quen quen).
Tôi muốn kết lại bằng một câu nói của vua Quang Trung nôm na là trong chiến tranh thắng thua thì cần tướng tài. Trong hoà bình vai trò của thầy giáo (hệ thống giáo dục đào tạo) sẽ quyết định đến sự phát triển của xã hội. Hãy đặt tầm quan trọng của đào tạo lên hàng đầu.
Nhiều lúc, cũng cảm thấy nản lòng với hệ thống giáo dục của mình nhưng bao giờ cũng vậy nói dễ hơn làm. Vẫn đặt nhiều hy vọng vào các nhà cải cách. Một ngày nào đó các con, các cháu sẽ bớt áp lực về việc học, coi như một hứng thú khi được học và sẽ được phát huy hết những "tiềm năng" vô tận của từng cá nhân.